Chuyện o Lệ xuất gạo sang trời Âu

0:00 / 0:00
0:00
TP - O Lệ “gạo”, là cách người dân xứ gió Lào trìu mến gọi nữ doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ-Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic). Quê gốc Quảng Trị nhưng sinh ra và lớn lên ở đồng đất Quảng Bình, o Lệ đã làm nên một câu chuyện kỳ tích xuất khẩu gạo hữu cơ Quảng Trị sang thị trường châu Âu đầu năm 2023 này.

Từng học quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng, rồi vào Nam lập nghiệp. Và đang có cuộc sống ổn định, thậm chí “sang chảnh” tại TPHCM, Phạm Thị Diễm Lệ (SN 1980) bỗng dưng quay về quê mở công ty, ấy là năm 2016, cùng với với nông dân, xắn quần lội ruộng để trồng lúa sạch mà có lần o đã ví von “Vitamin yêu thương trong từng hạt lúa”.

Chuyện o Lệ xuất gạo sang trời Âu ảnh 1

Nữ doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ và niềm vui được mùa

Một năm theo đuổi việc trồng lúa gạo hữu cơ, với sự hỗ trợ đặc biệt từ chính quyền, công ty của o Lệ đã ký kết với 13 hợp tác xã, tổ hợp tác thuộc 6 huyện, thành phố tại Quảng Trị. Riêng vụ hè thu, các bên đã liên kết sản xuất trên diện tích lúa xấp xỉ 90 ha. Phía công ty của o Lệ cho nông dân ứng trước toàn bộ phân hữu cơ, giống, hướng dẫn cách bón phân, chăm sóc… và thu mua sản phẩm ngay tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg lúa tươi. Ngược lại, nông dân tham gia chương trình cũng phải cam kết không được dùng bất kỳ loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nào. Trong trường hợp phát hiện ruộng lúa nào vi phạm nguyên tắc, chủ ruộng phải bồi thường 30 triệu đồng. O Lệ bảo, nhớ dạo giữa vụ, rầy nâu hoành hành, nông dân đứng ngồi không yên, các bác chủ nhiệm hợp tác xã xin cho phun thuốc trừ rầy. Nhưng o Lệ đã thuyết phục với nguyên tắc, thà thu hoạch ít mà sạch còn hơn nhiều mà không còn là hạt gạo hữu cơ nữa. Ra điều kiện hợp tác nghiêm ngặt là thế, những tưởng năng suất sẽ sụt giảm, nhưng không, mỗi héc ta trồng lúa hữu cơ vẫn đạt 40-45 tạ. Đặc biệt, với giá bán cao hơn lúa thường, hiệu quả kinh tế mang lại cho nông dân cũng thấy rõ vì tăng gấp 2-2,5 lần. Lúc đã có lúa sạch, o Lệ cùng đồng sự tiếp tục tạo nên những hạt gạo sạch. Và lần đầu tiên sau rất nhiều năm, thương hiệu “Gạo hữu cơ Quảng Trị” đã được xác lập, chính thức ra mắt vào giữa tháng 10/2017. Sản phẩm được kiểm chứng chất lượng bởi Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm (Sở Y tế Thừa Thiên-Huế), trong đó chứa nhiều thành phần quan trọng cho sức khỏe như vitamin B1, B6 và các khoáng chất như sắt, kẽm, kali, magie... “Trong hạt gạo này có một vitamin mà khoa học vẫn chưa chứng minh được nhưng lại có giá trị rất tuyệt vời, đó là “vitamin yêu thương”. Thứ vitamin này đến từ những cố gắng của bản thân tôi, đồng sự, những người nông dân và chính quyền địa phương… với khát vọng tạo ra những hạt gạo thực sự sạch, mang thương hiệu quê hương Quảng Trị. Cũng vì điều này nên slogan của sản phẩm mang dòng chữ: Thơm thảo như tình mẹ”, o Lệ dí dỏm.

Chuyện o Lệ xuất gạo sang trời Âu ảnh 2

Doanh nhân Diễm Lệ trước quầy hàng sản phẩm tại một hội chợ quốc tế ở TPHCM

“Sau lô hàng đầu tiên xuất sang thị trường châu Âu, QTOrganic cần tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích liên doanh, liên kết với các hợp tác xã, người nông dân để đáp ứng các nhu cầu về chất lượng, số lượng; nâng cấp nhà máy chế biến, đóng gói bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng. Đồng thời, các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần đảm bảo thương hiệu, uy tín, sản lượng gạo hữu cơ Quảng Trị đến với nhiều quốc gia trên thế giới”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị HÀ SỸ ĐỒNG

O Lệ tâm sự, hành trình làm nên hạt gạo hữu cơ trên vùng đất lửa Quảng Trị hết sức gian nan, khó khăn song cũng rất đỗi ngọt ngào. Khó khăn đầu tiên phải nói là việc thuyết phục người nông dân đồng ý tham gia dự án, thay đổi thói quen canh tác, từ canh tác vô cơ sang canh tác hữu cơ. Vụ mùa đầu tiên, o Lệ đã dành ra hơn một tháng để gặp và thuyết phục từng hợp tác xã, nhóm hộ nông dân tham gia dự án. O Lệ đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người dân vì họ chưa tin tưởng, sợ thất bại và cũng băn khoăn vì có những công ty trước đó không thực hiện đúng cam kết. Để thuyết phục người nông dân tham gia dự án, o Lệ đã đưa ra một hợp đồng liên kết có sự bảo đảm của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Quảng Trị với các điều khoản lợi cho người dân thế này: Hỗ trợ 100% chi phí phân bón; bao tiêu năng suất 5 tấn/ha; cung cấp giống lúa chất lượng cao cho bà con nông dân gieo trồng; đặc biệt cam kết thu mua 100% sản lượng lúa thu được từ diện tích tham gia dự án với giá cao hơn thị trường 23% và thanh toán tiền ngay tại chân ruộng. Từ vài chục héc-ta ban đầu, đến nay Công ty của o Lệ phối hợp với nông dân, sở ngành tại Quảng Trị trồng lúa và sản xuất gạo hữu cơ theo công nghệ hữu cơ hàng đầu Nhật Bản, mỗi năm 2 vụ mùa trên diện tích trên 200 héc ta, chủ yếu tại 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng với năng suất đạt 6 tấn thóc tươi/ha.

Sáng 13/2 đầu năm nay là một sự kiện lớn ở công ty o Lệ. QTOrganic đã tổ chức lễ xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị lô đầu tiên sang thị trường châu Âu. Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng, là nguồn động lực để doanh nghiệp, người nông dân tiếp tục sản xuất, đảm bảo tối đa các tiêu chuẩn về gạo hữu cơ Quảng Trị tiến đến chinh phục một thị trường lớn trên thế giới. O Lệ bảo, sau khi đạt các thỏa thuận về giá cả và tiêu chí kiểm định, Công ty NHP Provide, s.r.o (Cộng hòa Séc) và QTOrganic đã hoàn thành các thủ tục xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị sang thị trường châu Âu, với giá bán 1.800 USD/tấn và sẽ xuất đi tại cảng Đà Nẵng vào giữa tháng 2/2023. Lúc được thị trường chấp nhận, dự kiến mỗi tháng QTOrganic sẽ tiếp tục xuất khẩu 30-50 tấn gạo hữu cơ sang châu Âu.

Chuyện o Lệ xuất gạo sang trời Âu ảnh 3

Lễ xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị lô đầu tiên sang thị trường châu Âu

Những năm qua, QTOrganic đã tích cực quảng bá, tham gia các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế, mở rộng các chi nhánh để tìm kiếm thị trường đầu ra cho các loại sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là gạo hữu cơ Quảng Trị. Doanh nghiệp cũng đã có khảo sát và làm việc với nhiều khách hàng lớn tại châu Âu và Mỹ. “Ngoài gạo hữu cơ Quảng Trị, một số đối tác tại châu Âu cũng đang tìm hiểu để nhập khẩu thêm các sản phẩm nông sản khác là đặc sản của tỉnh Quảng Trị như hồ tiêu, ớt, đậu xanh, đậu đen… Phía doanh nghiệp đang phối hợp hoàn thiện thủ tục, tiêu chí kiểm định để tiếp tục có các lô hàng xuất khẩu mới này”, o Lệ chia sẻ.

Vào năm 2019, tại Hà Nội, Trường Đại học Hiroshima Nhật Bản phát hiện và công bố gạo hữu cơ Quảng Trị dung hợp được hai hợp chất quý là Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) vốn có tác dụng chống bệnh tiểu đường, gút, béo phì.

MỚI - NÓNG