Chuyện nhà báo làm chủ tịch hội người mù

Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân tại nhiệm sở Ảnh: N.M.Hà
Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân tại nhiệm sở Ảnh: N.M.Hà
TP - Vừa qua báo chí nhắc nhiều tới lớp học nhảy zumba đầu tiên cho người khiếm thị do Hội Người mù quận Thanh Xuân, Hà Nội tổ chức. Còn có cả lớp học yoga, tất cả đều miễn phí. Chủ tịch hội Nguyễn Tiến Thành, làm báo từ khi còn sáng mắt. Cũng nhờ nghiệp vụ báo chí, anh có thể đem lại những trải nghiệm mới mẻ cho những người cùng cảnh.

Cái duyên dẫn tới lớp học zumba là do Thành quen biết nữ HLV sức khỏe Hồ Thị Nhung khi cả hai cùng tham gia CLB thiện nguyện Hoa Hướng Dương. CLB này gồm toàn người mắt sáng và chủ yếu là doanh nhân, duy nhất có Thành khiếm thị. Từ mục đích ban đầu để nâng cao sức khỏe hội viên, sau 6 tháng kiên trì của giáo viên, Hội Người mù quận Thanh Xuân đã có một đội tuyển zumba chuẩn bị tham dự Hội diễn Văn nghệ của người khiếm thị toàn thành phố.

SINH NGHỀ TỬ NGHIỆP

Hóa ra người mù bẩm sinh chỉ chiếm khoảng 1/4 trên tổng số, còn lại chủ yếu là những người mù do bệnh tật, tai nạn như Thành. Không như người mù bẩm sinh đã quen với bóng tối, nhóm này trước khi đến với sinh hoạt hội đều trải qua quá trình suy sụp do cú sốc đang yên đang lành bỗng không nhìn thấy gì. “Khi mới đến với hội thường rụt rè, chả muốn làm quen với ai. Mọi người phải quan tâm, trao đổi nhiều thì mới bắt đầu chủ động tham gia vào hội”, Thành miêu tả.

Nguyễn Tiến Thành, sinh năm 1982 không phải phóng viên duy nhất ở Hà Nội bị mù, nhưng khác ở chỗ anh không chỉ viết báo nội bộ dành cho người khiếm thị hay khuyết tật. “Tôi may mắn có một khoảng thời gian viết ở ngoài. Các mối quan hệ xã hội vẫn còn và tiếp tục phát triển”, Thành cho biết. Thời gian trước khi trở thành Chủ tịch Hội (có lương), nhuận bút viết báo dù không nhiều, chỉ 2-3 triệu đồng/tháng là nguồn thu nhập chính của anh.

Học xong trường Cao đẳng kinh tế, thêm bằng Luật Kinh tế ĐH Mở, Thành trúng tuyển vào tạp chí Nhà Quản lý làm nhân viên kinh doanh, rồi sang tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại. Mới đầu làm quảng cáo rồi thử viết chân dung các doanh nghiệp. Tổng biên tập thấy được, cho đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo. Có lẽ cũng vì quá yêu nghề nên từ khi được làm phóng viên, Thành say sưa viết ngày viết đêm dẫn đến thị lực giảm sút. “Lúc đấy mình đã là phóng viên cứng, tạp chí trên đà phát triển nên càng hăng máu chiến đấu”, Thành nhớ lại.

Từ tháng 4/2009, mắt đã bắt đầu mờ, nhức nhưng Thành chỉ uống thuốc giảm đau. Cho đến một sáng chủ nhật sau Tết 2010, anh thức dậy với rất nhiều nước trong mắt (đêm trước đó vẫn ngủ bình thường, đủ giấc). Chớp chớp mắt thậm chí cảm thấy có tiếng óc ách. Lúc đấy anh không biết bệnh tăng nhãn áp cấp tính (thiên đầu thống) có thể làm mất thị lực chỉ trong vòng một ngày. Thấy đau đầu vị trí sau gáy, anh tiếp tục dùng thuốc giảm đau và nghỉ ngơi. Nhưng càng lúc cơn đau càng tăng, mắt sưng to, kèm nôn mửa, đành đi viện. Nhưng vì là cuối tuần, chỉ có bác sĩ trực nên việc xử lý bệnh tình có phần chậm trễ. Phải đến thứ hai, Thành mới được mổ. Bác sĩ cho rằng thế cũng là kịp thời, vì nếu không thậm chí phải khoét mắt.

Hài lòng với kết quả vẫn nhìn được, dù chưa bằng nửa so với trước (trước đó Thành đã bị loạn và cận gần 3 đi-ốp), Thành lại tiếp tục viết báo. Dù bác sĩ đã nhắc kiêng dùng máy tính. Tháng sáu, mắt lại như có gai bên trong, lại mổ. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao suốt năm 2010, Thành vẫn ngoan cố viết lách. Bác sĩ thất vọng thốt lên: “Tại sao người ta thì không, còn anh tái phát hết lần này đến lần khác?!”.

Lần mổ thứ năm và tái khám tại Singapore tốn khá nhiều tiền của gia đình song cũng chỉ làm anh đỡ đau, thị lực không hồi phục nữa. Cho tới lần mổ thứ sáu tháng 9/2011, mở mắt ra chỉ còn một màu đỏ. Sau hai tuần tiêm cho tan máu đáy mắt, bức màn đỏ cũng chỉ chuyển sang sương trắng. Bác sĩ nói khi đáy mắt hỏng hẳn, sẽ là màu đen kịt.

Thành nhớ lại: “Các lần trước nhìn thấy, còn đi lại được trong nhà, lần này toàn va cái này đập chỗ kia. Mấy tháng sau vẫn thế, tôi bắt đầu chán nản, cáu bẳn,  bực tức, không muốn nói chuyện, cũng chả buồn ăn uống gì…”. Mãi tới tháng 2/2012, Thành mới chịu cho gia đình đưa đến Hội Người mù quận Thanh Xuân. Tại đây anh được học chữ nổi và các kỹ năng cho người mù như Tin học, bao gồm cả chỉnh sửa âm thanh. Người khác học rồi để đấy, riêng Thành ứng dụng ngay vào nghề. Anh tự trào: “Nhờ mù mới được học báo chữ nổi và báo phát thanh!”.

NHỜ LỘC CỦA NGHỀ

Sau một năm kể từ khi đến với hội, Thành quay trở lại viết. Nhờ phần mềm đọc cho người khiếm thị, anh có thể soạn thảo trên máy tính gần như hồi sáng mắt. Tất nhiên vẫn phải nhờ ai nhìn thấy chỉnh sửa văn bản trước khi gửi đi. Bài đầu tiên chính là chân dung người thầy dạy Tin học cũng khiếm thị. Để có thể ghi âm cuộc phỏng vấn, Thành phải nhờ người sáng mắt nhìn giúp xem máy ghi âm kỹ thuật số đã chạy chưa. Về nhà cày cục mất một tuần mới xong thành phẩm. Bài viết gửi đi thi gương người tốt việc tốt của Hội Người mù Hà Nội, được một số báo đăng và phát trên VOV Giao thông trong chương trình Niềm tin Ánh sáng. Sau đó Thành được chương trình mời cộng tác. Hiện Thành phụ trách mục Nhân ái của tạp chí Thương trường, cộng tác với Tuổi trẻ Thủ đô, Lao động Thủ đô.

Khi tác nghiệp, thỉnh thoảng có trợ lý đi kèm thì đỡ hơn, có thể nhờ chụp ảnh, mô tả nhân vật, quang cảnh. Còn không, anh sẽ phải bỏ nhiều thời gian hơn để hỏi cho cặn kẽ. “Nếu nhân vật là anh em trong hội thì không sao”, Thành kể. “Nhiều doanh nhân tôi gặp lúc đầu cũng ngần ngại e dè, có khoảng cách. Nhiều khi họ lại chuyển sang an ủi động viên, tôi phải khẳng định mình gặp họ để viết bài thật. Khi sản phẩm ra rồi thì OK, nhân vật lại hồ hởi, phấn khởi. Họ thường nói không tưởng tượng nổi tôi có thể viết được”.

Chính nghề báo lại tạo sức bật cho Thành trong công tác hội. Từ khi có Thành hăng hái và tự nguyện làm công tác tuyên truyền, các hoạt động của người mù quận Thanh Xuân được biết tới và được cộng đồng hỗ trợ nhiều hơn. Một lý do quan trọng khiến cho Thành chỉ sau một năm làm ủy viên đã được tín nhiệm bầu là chủ tịch hội, trong khi thông thường muốn nắm cương vị này ít nhất cũng phải qua 1-2 nhiệm kỳ làm phó. “Tôi nhảy cóc nên chưa có nhiều kinh nghiệm hội, ban đầu cũng hơi hoang mang. Nhưng về đây được anh em hỗ trợ tạo điều kiện cũng dần quen”, anh tổng kết sau một năm nhậm chức.

Thành khá dè dặt khi nhắc tới chuyện tình cảm. Chỉ biết thuở còn sáng mắt, đã có bạn gái. Và đó không phải là Trà, vợ Thành hiện nay. Họ quen nhau sau khi Thành mổ mắt và vẫn còn nhìn thấy lờ mờ. Khi đó Trà là phiên dịch tiếng Trung cho doanh nghiệp mà Thành đến viết bài. Cô luôn nhiệt tình hỗ trợ dịch tài liệu, đưa Thành đi đây đó theo kiểu “tình nguyện viên” và dần trở nên thân thiết. Thành thú nhận lúc đó cũng có “mấy cô thân thân”, nhưng Trà hay thông cảm chia sẻ nhất.

Cuối năm 2013, khi đã mù hẳn, Thành lấy hết can đảm nói lời cầu hôn. Trà không gật đầu ngay: “Để em về ướm hỏi bố mẹ xem sao đã”. Tới lúc đó bố mẹ cô vẫn chỉ nghĩ hai người là bạn. Trước Tết 2014, gia đình cô chấp thuận, sau Tết hai người làm đám cưới. 2015, hai bé gái sinh đôi ra đời. Hỏi Thành muốn nói gì với vợ, anh chỉ cười: “Nói cảm ơn nhiều rồi, nên mình cứ hành động trong khả năng thôi!”.

 Ở nhà, Thành đảm nhiệm các công việc như dạy con học, tắm rửa cho con và giặt giũ bằng tay. Máy giặt chỉ dành cho đồ nào dày. Cũng một phần vì anh muốn tự tay nâng niu những váy vóc của vợ.

Chuyện nhà báo làm chủ tịch hội người mù ảnh 1 Nhà báo Nguyễn Tiến Thành và người bạn đời
Chuyện nhà báo làm chủ tịch hội người mù ảnh 2 Đại diện CLB Hoa Hướng Dương tặng quà các hội viên cao tuổi và khó khăn nhân dịp 20 năm ngày thành lập Hội Người mù quận    Ảnh: NVCC

Để có thể ghi âm cuộc phỏng vấn, Thành phải nhờ người sáng mắt nhìn giúp xem máy ghi âm kỹ thuật số đã chạy chưa. Về nhà cày cục mất một tuần mới xong thành phẩm. Bài viết gửi đi thi gương người tốt việc tốt của Hội Người mù Hà Nội, được một số báo đăng và phát trên VOV Giao thông trong chương trình Niềm tin Ánh sáng. Sau đó Thành được chương trình mời cộng tác. Hiện Thành phụ trách mục Nhân ái của tạp chí Thương trường, cộng tác với Tuổi trẻ Thủ đô, Lao động Thủ đô.

MỚI - NÓNG