Chuyện “ngược đời” thầy cô đi tết... học trò

Chuyện “ngược đời” thầy cô đi tết... học trò
Những ngày Tết đến xuân về, nếu như ở thành phố, người Việt Nam, người người, nhà nhà đi mua sắm để chuẩn bị chu đáo cho cái Tết sum vầy thì ở vùng cao Tây Bắc, trước khi nghỉ Tết, các thầy cô giáo lại có những chuyến “ngược sơn” đến những bản nhỏ.

Những chuyến “ngược sơn”

Tết thầy là đạo lí ngàn đời của con người Việt Nam. Mỗi khi xuân về, đạo lí ấy lại được những người học trò thực hành, dành bao tình cảm kính trọng và biết ơn đối với thầy cô. Song, ở vùng cao Tây Bắc, hình như đạo lí ấy lại có chiều ngược lại, thầy cô trước khi nghỉ Tết lại lên núi thăm và tặng quà Tết cho học trò. Đó là những chuyến đi thể hiện tình cảm, sự quan tâm của thầy cô đối với những học trò nghèo ở trong các bản vừa sâu, vừa xa.

Chương trình mang Tết đến cho học trò nghèo ở những bản xa được các nhà trường vùng cao Tây Bắc chuẩn bị từ nhiều tuần trước đó.

Trên cơ sở khảo sát các đối tượng học sinh thuộc diện con em đồng bào các dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong học tập, các nhà trường đã thành lập các đoàn giáo viên về tận các bản xa để động viên, tặng quà và chúc Tết gia đình học trò. Công việc ấy thật ý nghĩa khi các thầy cô đã không quản đường xa, suối sâu để đến nhà học trò, gặp phụ huynh học sinh và nắm bắt hoàn cảnh của các em.

Tuy ở nơi “sơn thẳm” xa xôi, khó khăn của huyện Bảo Yên (Lào Cai) nhưng năm nào cũng vậy, thầy cô giáo Trường PTDT bán trú THCS Tân Tiến đều tổ chức Tết dân tộc, gói bánh chưng và “gom góp” được chút tiền để mua quần áo rét, mũ len và quà Tết để tặng cho học trò nghèo ở những bản xa trường.

Học trò thì ở xa, tận những bản với những cái tên nghe qua đã thấy hoang vu như Cán Chải, Nặm Phầy, Nặm Hu, đường đi toàn dốc đèo nhưng không sao thắng nổi tình thương của thầy cô nơi đây mỗi khi Tết đến xuân về. “Nhận được quà của thầy cô, học trò mừng lắm, lại vui nữa vì các em hiểu rằng đó là sự quan tâm của thầy cô”, một cô giáo chia sẻ.

Còn ở Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai), một ngôi trường vùng cao còn nhiều khó khăn, học trò đa số là người dân tộc Tày, Mông, Dao, hoàn cảnh sống và học tập của các em cần nhiều sự quan tâm.

Trước khi nghỉ Tết Nguyên đán hằng năm, dù tiết trời có lạnh buốt da thịt, đường vào bản có khi phải lội suối, nước lạnh đến thâm tím da thịt nhưng các thầy cô nơi đây không quên đi chúc Tết và tặng quà gia đình học trò. Nhà trường đã chia thành nhiều nhóm thầy cô giáo để đến được các bản nhiều hơn, nhanh hơn.

Cách đến bản chủ yếu bằng xe máy nhưng chỉ được nửa đường, đoạn còn lại thì đi bộ vào. Có những đoạn đường lầy lội, đi bộ cũng khó, có đoạn dốc thẳng đứng như đường lên trời vậy. Thế nhưng, không Tết nào, thầy cô Trường THPT số 3 Bảo Yên không đến với học trò, mang không khí Tết vào những bản nhỏ. Mỗi chuyến đi chúc Tết học trò là một sự trải nghiệm quan trọng để thầy cô thấu hiểu học trò hơn.

Thầy giáo Nguyễn Sỹ Tuấn chia sẻ: “Đến bản Mông Lùng Ác với đoạn đường gần 20 cây số ngược dốc núi rồi lại xuôi phía dốc núi bên kia chừng 10 cây số nữa mới đến được nhà học sinh. Đến đây, mới thực sự cảm thông với các em và nhận thấy ý chí học tập của các em đáng quí biết mấy. Chúc Tết gia đình, phụ huynh và học sinh thêm phấn khởi để đón một cái tết đầm ấm”.

Bên bếp lửa hồng

Đầm ấm biết bao khi vượt qua những chặng đường xa, thầy cô giáo đến với học trò nghèo để thăm và chúc Tết. Không gian nhà sàn chênh vênh bên sườn non như thêm sự ấm áp. Tiết trời rét buốt, phụ huynh chỉ biết đón thầy cô giáo bên bếp lửa bập bùng giữa căn nhà sàn.

“Cùng phụ huynh, nhóm học sinh ngồi bên bếp lửa hơ tay, tiếng lửa cháy lép bép, tiếng phụ huynh tâm sự về gia cảnh của mình, tiếng học trò thỏ thẻ nghe sao mà ấm áp nghĩa tình”, thầy giáo Nguyễn Anh Vũ (Bảo Yên - Lào Cai) chia sẻ khi đến chúc tết học trò nghèo ở bản Tày.

Không khí sum vầy ấm áp bên bếp lửa ở những bản nhỏ khiến chúng tôi nhớ đến hình ảnh những cô giáo bản Mèo ngày xưa trong bài hát Cô giáo về bản ngồi đọc tin thắng trận cho dân bản nghe bên bếp lửa, cùng dân bản lên rẫy trồng ngô trồng lúa.

Bên bếp lửa hồng, thầy cô giáo động viên phụ huynh, nói những lời chúc Tết, động viên và dặn dò học trò sau Tết nhớ xuống trường học tập. Những lời ấy tưởng như là những lời trò chuyện đơn thuần nhưng thực chất lại là những lời căn dặn hết sức quan trọng của thầy cô.

Những chuyến ngược sơn chúc Tết học trò, đối với các thầy cô giáo vùng cao không đơn thuần là chuyện chúc Tết mà còn là dịp để nắm bắt hoàn cảnh học trò, tiếp thêm động lực cho các em xuống trường học chữ.

Theo Theo Giáo dục thời đại
MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.