Chuyện nghĩa tình trong ngày giỗ điệp viên Phạm Xuân Ẩn

Chuyện nghĩa tình trong ngày giỗ điệp viên Phạm Xuân Ẩn
TPO - Năm nay, nhân ngày mất của nhà tình báo vĩ đại Phạm Xuân Ẩn (20/9/2006- 20/9/2013) chúng tôi tổ chức đoàn đi viếng mộ ông tại Nghĩa trang trang liệt sỹ TP HCM.

> Tình báo Việt Nam nói về tướng Phạm Xuân Ẩn

Ngay khi chúng tôi tới nơi, đã thấy có hai thanh niên trẻ đang loay hoay thắp hương trên mộ ông. Được hỏi có phải là người nhà của ông không, một người lắc đầu: “Chúng tôi chỉ là người hâm mộ ông mà thôi. Nhân ngày ông mất chúng tôi tranh thủ đến thắp cho ông nén nhang để tỏ lòng khâp phục.”

Bên mộ, chúng tôi người thắp nhang, người cắm hoa tươi, rồi hát. Ông Mười Hương (Trần Quốc Hương- nguyên uỷ viên TƯ Đảng- người trực tiếp chỉ đạo Phạm Xuân Ẩn trong hoạt động tình báo) dù phải đi xe lăn nhưng vẫn cố gắng lên thăm người đồng đội. Ông bảo: “Phạm Xuân Ẩn ngày xưa sống có tình nghĩa lắm, anh em bạn bè có gì cần là sẵn sàng giúp đỡ ngay.”

Bà Tám Thảo (đồng đội trong đường dây của Phạm Xuân Ẩn) kể về những ngày hoạt động trong lòng địch, khó khăn, gian khổ và luôn phải đối mặt với hiểm nguy nhưng lúc nào Phạm Xuân Ẩn cũng lạc quan, bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Bởi thế hơn 16 năm làm tình báo mà tới ngày giải phóng, kẻ địch vẫn không hề phát hiện ra được Phạm Xuân Ẩn là người cách mạng. Thậm chí tạp chí Time còn cử Phạm Xuân Ẩn làm đại diện cho báo ngay cả những ngày sau giải phóng.

Buổi chiều, một buổi lễ đặt bảng đồng ghi nhớ những ngày hoạt động của Phạm Xuân Ẩn diễn ra tại khách sạn Continental- nơi ngày xưa tờ báo Time đã đặt văn phòng đại diện và Phậm Xuân Ẩn đã lấy nơi đây là bình phong để hoạt động tình báo. Ông Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu- người trực tiếp chỉ huy mạng tình báo H.63 của Phạm Xuân Ẩn) nhớ lại: “Ngày đó tôi và anh Ẩn hay đi trên chiếc xe Renault-4 để tới văn phòng làm việc của anh tại khác sạn này. Tôi nhớ rất nhiều lần xe vừa tới dưới sân nhà hát (gần khách sạn) thì vài sỹ quan Mỹ đang ở khách sạn đã với tay ra ban công gọi ầm ỹ... Nhiều năm liền, công việc của chúng tôi toàn diễn ra ở khách sạn Continental. Vì thế nơi đây ghi dấu rất nhiều kỷ niệm của Phạm Xuân Ẩn.”

Bà Thượng Mỹ An- phó giám đốc khách sạn Continental nói: “Từ rất lâu rồi, rất nhiều du khách đến với Continental đều hỏi chúng tôi về Phạm Xuân Ẩn, việc gắn bảng đồng ghi dấu tích của ông tại đây sẽ là cơ hội để khách sạn chúng tôi giới thiệu cho du khách về một nhà tình báo lớn, nềm tự hào của nhiều người Việt Nam. Chúng tôi đã có kế hoạch để xây dựng phòng 307- phòng làm việc của Phạm Xuân Ẩn tại đây thành phòng lưu trữ và trưng bày về cuộc đời hoạt động tình báo của ông”.

Theo kế hoạch, tại Continental sẽ có hai tấm bảng đồng được gắn, một tấm lớn ngoài cửa khách sạn còn tấm thứ hai sẽ được gắn tại phòng 307. Cả hai tấm bảng đều ghi dòng chữ “Với sứ mệnh viên chức tình báo chiến lược của Bắc Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn đã học báo chí ở Mỹ từ 1957- 1959. Sau đó Phạm Xuân Ẩn trở thành ký giả của các tờ báo Time, Reuters, New York Herald Tribune cho đến ngày 30/4”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.