Xét nghiệm 3 lần vẫn không biết ai là cha đứa trẻ!
Ông Nguyễn Đức Nhự (Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia) cho biết, trung bình mỗi năm Viện Pháp y Quốc gia nhận được khoảng 1000 đơn xin đăng ký làm xét nghiệm ADN với mục đích dân sự, trong đó đa phần là nhằm xác nhận quan hệ huyết thống giữa cha và con. Mỗi người có một cách phản ứng khác nhau khi nhận được kết quả, người khuỵu ngã, bất lực nhìn kết quả, người thở phào nhẹ nhõm bởi mối ngờ vực đã được giải tỏa. Và trong đó cũng không ít những nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc, mãn nguyện.
Vị chuyên gia này kể, có những người bố đến đây 3 lần để thực hiện xét nghiệm ADN với 3 người con nhưng cuối cùng, đau xót là tất cả những người con mà ông tự tay chăm sóc, yêu thương bấy lâu đều không phải là con ruột của mình. Hay có trường hợp một vị “đại gia” giàu có, bỏ vợ con đang êm ấm, hạnh phúc ở quê nhà để cung phụng, chiều chuộng nhân tình và con riêng để rồi một ngày cay đắng phát hiện mình đang nuôi con “tu hú” mà bấy lâu không hay.
Ông Nhự nhớ nhất là một trường hợp cách đây khoảng 1 năm, một người phụ nữ khoảng 40 tuổi, nhưng trông khá trẻ trung so với tuổi thật đến đăng ký làm xét nghiệm ADN. Người phụ nữ tự giới thiệu tên T., muốn thực hiện giám định để xác định người bố cho đứa con trai của mình. Chị T. cho biết, chị đã bỏ chồng nhưng hiện tại có quan hệ tình cảm với 3 người đàn ông. Oái oăm ở chỗ, bản thân chị cũng không chắc chắn đứa con mình sinh ra là con của ai: “Về sau người phụ nữ này phải thực hiện giám định đến 3 lần, với 3 người đàn ông khác nhau mà vẫn chưa tìm ra ai là cha đứa trẻ. Đến khi trải lòng thật sự, chị này mới tâm sự trong thời gian đó đã từng có nhiều mối tình qua đường với nhiều người. Đến khi đó, bản thân người phụ nữ này cũng chẳng nhớ mặt hay có bất cứ thông tin nào của những người đàn ông chị từng có quan hệ”, vị chuyên gia này xót xa kể lại. Ông Nhự cho rằng, trường hợp như người phụ nữ trên không hiếm, nó là hệ quả của một lối sống thoáng, sống gấp mà không lường trước được hậu quả xảy ra.
Gần đây nhất là một trường hợp nhờ xét nghiệm ADN đã giúp giải oan cho một người phụ nữ và thay đổi cả cuộc đời của một đứa trẻ. Ông Nhự kể, đó là trường hợp của chị M. quê ở Nam Định. Lấy chồng được 1 năm thì chồng chị M. đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, rồi từ đó bặt tin không trở về. Gia đình đã tìm mọi cách liên lạc và đau đớn nhận được thông báo chồng chị M. đã trốn khỏi công ty ra ngoài làm cho một xưởng gia công nhưng không may bị đánh chết. Cùng thời gian đó, chị M. phát hiện mình mang bầu được 3 tháng và sau đó sinh được một bé trai rất kháu khỉnh.
Mặc dù nếu tính thời gian thì hoàn toàn trùng khớp với thởi điểm chồng chị còn ở Việt Nam, thế nhưng họ hàng bên nội và đặc biệt là các em cô của chồng một mực khẳng định chị M. ngoại tình và liên tục sỉ nhục, tìm cách chửi bới, đánh đập hai mẹ con chị. Tàn nhẫn hơn cả, họ đuổi mẹ con chị về ngoại, bắt mẹ chị M. phải trả lại sính lễ cưới hỏi.
Cực chẳng đã, nhưng vừa sinh con xong, lại chẳng biết cách gì chứng minh mình trong sạch, chị Minh chỉ biết lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong. Đến khi người con trai được gần 3 tuổi, khi xem ti vi chị mới biết đến phương pháp xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống và ngay lập tức chị bắt xe lên Hà Nội để thực hiện thủ tục. Đi cùng hôm đó còn có một người đàn ông tự nhận là ông nội cháu bé. Ban đầu người này tỏ ra rất lạnh lùng và đối xử có phần hà khắc với hai mẹ con chị. Thế nhưng, thái độ này thay đổi hẳn khi tờ kết quả thông báo: “Có quan hệ huyết thống”: “Người đàn ông sau đó quỳ sụp, nước mắt ngắn, nước mắt dài xin lỗi hai mẹ con chị M. Ông này nói, chỉ vì nghe lời đàm tiếu của mọi người xung quanh mà không phân biệt được “thật – giả” đến nỗi hắt hủi cả cháu đích tôn duy nhất của cả dòng họ. Nếu như không có kết quả ADN thì có lẽ cuộc đời chị M. sẽ phải sống trong sự thị phi và những điều tiếng không hay cả đời…”, ông Nhự nói.
Cách hành xử lạ lùng
Ông Hà Hữu Hảo (Trưởng Khoa Y sinh học – Viện Pháp y Quốc gia) kể, bên cạnh những bi kịch của các gia đình khi đến đây làm xét nghiệm ADN, vẫn không ít những câu chuyện xúc động, đầy tính nhân văn. Có những cuộc hội ngộ, trùng phùng sau gần 30 năm thất lạc người thân; có người cha khóc đỏ hoe mắt vì tìm lại được con đẻ, nhưng hơn cả là có cả những người hành xử đầy vị tha, bao dung.
Điển hình như câu chuyện của một đôi vợ chồng ở Mỹ Đình (Hà Nội). Hai vợ chồng yêu nhau từ thời sinh viên, có công việc ổn định và thu nhập vào dạng khá giả. Cuộc sống viên mãn với hai người con, một trai – một gái đẹp như thiên thần. Sẽ chẳng có gì xáo trộn, nếu một ngày, người bà nội không bí mật lấy mẫu tóc của cháu gái và mẫu tóc của con trai mình đi xét nghiệm ADN và bàng hoàng phát hiện: người cháu không phải con ruột của con trai mình.
Một cuộc họp gia đình đã được triệu tập khẩn cấp. Cả gia đình bên nội không tiếc lời lăng mạ, sỉ nhục người con dâu và yêu cầu con trai họ ly dị càng nhanh càng tốt. Điều bất ngờ là thay vì làm theo lời bố mẹ, người con trai lại đứng ra bảo vệ vợ và kiên quyết sẽ yêu thương đứa con “ngoài giá thú” ấy như con đẻ. Không thuyết phục được con trai, ông bà đã tuyên bố từ mặt con để gây áp lực. Ông Hảo nhớ lại, bản thân mình khi biết được câu chuyện đã rất bất ngờ bởi cách hành xử đầy nhân văn ấy: “Khi tôi hỏi về lý do, người đàn ông ấy chỉ buồn bã đáp: Đơn giản vì tôi còn yêu cô ấy và ngược lại, tôi biết cô ấy cũng còn yêu gia đình này”.
Vị chuyên gia này cho hay, sau này người đàn ông kia mới tâm sự, thực tế anh đã biết được sự thực này từ lâu. Người vợ trong một lần giận dỗi chồng đã bỏ nhà đi gặp người yêu cũ và hai người đã đi quá giới hạn. Dù biết đứa con không phải con đẻ mình, anh này vẫn yêu cầu vợ giữ lại và hết lòng chăm sóc, yêu thương. Ông Hảo cho biết, đa số người đàn ông khi phát hiện vợ lừa dối và có con riêng đều chọn cách ly hôn ngay lập tức mà không cần suy nghĩ. Rất ít người có thể vị tha và hành xử bao dung như người đàn ông trong câu chuyện kia.
Trong các trường hợp đến xin làm thủ tục xét nghiệm ADN, đa phần là yêu cầu xác định quan hệ huyết thống giữa cha và con.
Tác động chuyên gia hòng thay đổi kết quả giám định
Theo ông Hà Hữu Hảo, sau nhiều năm gắn bó với công việc xét nghiệm ADN, bản thân ông đã từng gặp nhiều trường hợp cố tình tìm cách thương lượng, trao đổi để làm thay đổi kết quả phục vụ cho mục đích cá nhân. Tuy nhiên, theo ông Hảo, điều ấy là không thể: “ADN không bao giờ cho kết quả sai khi người làm ra nó có tính trung thực, áp dụng đúng, đảm bảo quy trình một cách nghiêm túc khi thực hiện xét nghiệm. ADN chỉ sai và gây hậu quả xấu khi có sự tác động tiêu cực từ phía người làm xét nghiệm hoặc chính người yêu cầu xét nghiệm", ông Hảo chia sẻ.
Vị chuyên gia này trầm ngâm đúc kết, mỗi một lần buộc phải đem nhau ra trung tâm xét nghiệm ADN là một lần nghi ngờ lẫn nhau. Kết quả có thể giúp giải tỏa được những bức xúc trong lòng nhưng ngược lại nó cũng có thể mang đến sự tổn thương, rạn vỡ cho người trong cuộc: “Nhiều người hỏi tôi, liệu có phải vì ADN mà hạnh phúc của nhiều gia đình bị tan vỡ hay không? Tôi khẳng định là: Không. ADN chính là sự phản ánh lại xã hội. Nếu trong gia đình họ yêu thương nhau thực sự, niềm tin được gây dựng bền chặt, hai vợ chồng đều có lối sống lành mạnh, không có những bí mật cần đến ADN giải mã thì chẳng có gì có thể xen ngang được. Ngược lại dù kết quả ADN có khẳng định là đúng nhưng giữa con người chẳng còn tình yêu, sự tin tưởng thì cũng sẽ sớm tan vỡ mà chẳng cần ai phải tác động”, ông Hảo khẳng định.