“Chuyện làng Nhô ở Hà Tây”: Mai Văn Úc bị bắt

“Chuyện làng Nhô ở Hà Tây”: Mai Văn Úc bị bắt
Ngày 31/5/2005, một số bà con thôn Dũng Cảm Trung Tú, Ứng Hoà, Hà Tây báo tin: “Mai Văn Úc, người giữ vai trò chính gây ra bất ổn kéo dài tại thôn Dũng Cảm đã bị CA huyện Ứng Hòa bắt tạm giam...”. 
“Chuyện làng Nhô ở Hà Tây”: Mai Văn Úc bị bắt ảnh 1
Chủ tịch UBND xã Trung Tú - Nguyễn hải Truyền - một cán bộ dám đấu tranh chống tiêu cực tới cùng

Mai Văn Úc, sinh 1933, trình độ văn hóa 7/10; nguyên Chủ nhiệm HTX xã, Đội trưởng sản xuất. Năm 1972, ông ta bị khai trừ khỏi Đảng vì tham gia đốt kho, hủy tài liệu, làm thất thoát tài sản, sau khi bị tố cáo tham ô.

Từ khi bị khai trừ khỏi Đảng, Mai Văn Úc chia bè, kéo cánh và “nổi tiếng” rất nhanh, khiến người ta có cảm tưởng ông ta ủng hộ ai thì người ấy sống, trù dập ai thì người đó phải “chết”. Nắm trong tay nhiều phần tử từ bất hảo đến trí thức bất mãn, Mai Văn Úc nhanh chóng trở thành thế lực đáng gờm trong thôn.

Khi “tay chân” đủ mạnh, Mai Văn Úc – quyết định ứng cử trưởng thôn. Nghe tin ấy, nhiều người phải giật mình, ngay cả Chủ tịch UBND xã cũng bị bất ngờ. Nhưng trong thôn chẳng ai dám chống ông Úc.

Ngày bầu cử trưởng thôn (30/4/2000), từ sáng sớm, “tay chân” ông úc đã tỏa đi khắp đường làng, ngõ xóm đe dọa, buộc người dân bỏ phiếu cho ông ta. ông úc còn ngang nhiên cho vô hiệu hóa Tổ công tác bầu cử do Ban công tác Mặt trận lập ra, thay vào đó là một tổ người của mình. Bởi vậy, ông ta trúng cử.

Mai Văn Úc làm trưởng thôn 3 năm, 4 tháng, 10 ngày; chừng ấy thời gian, ông ta biến Dũng Cảm thành một ốc đảo: mọi chỉ đạo từ huyện, xã xuống thôn đều vô nghĩa và cũng chừng ấy năm thôn này không nộp thuế.

Bởi thuế đã được ông ta sử dụng vào việc khác. Để cho bền chặt quan hệ với “tay chân”, Úc “miễn thuế” cho hơn 100 hộ đã theo “phò tá” mình. Ông ta đối phó với chính quyền xã, huyện bằng cách tập hợp 12 thanh niên lập “Đội phòng chống lụt bão”. Nếu cán bộ huyện hay tỉnh về điều tra những gì liên quan đến Mai Văn Úc thì khó mà ra khỏi làng.

Bên cạnh đó, để gây nhiễu, ông ta còn chỉ đạo “tay chân”, nhằm vào các lỗi nhỏ của một số cán bộ xã mà khiếu kiện lên huyện, lên tỉnh..., cố tình đưa Dũng Cảm lâm vào cảnh kiện tụng vượt cấp, kéo dài, nội bộ nghi ngờ, bất ổn...

Thấy Mai Văn Úc có những hành động sai trái, huyện, xã mở cuộc bầu cử, nhằm thay trưởng thôn. Nghe tin, ông ta huy động lực lượng đặt mục tiêu phá bằng được các cuộc bầu cử.

Nhằm thị uy lực lượng, trước đó, “tay chân” ông ta đã đánh anh Vương Ngọc Văn, cán bộ văn hóa xã, con liệt sĩ gãy 3 xương sườn, đánh 2 công an viên bị thương tích nặng, đập phá nhà Chủ tịch xã; bật “đèn xanh” để các đối tượng bất hảo mặc sức lấn chiếm đất công, phá hoại mùa màng...

“Chuyện làng Nhô ở Hà Tây”: Mai Văn Úc bị bắt ảnh 2

Trưởng thôn Dũng Cảm Nguyễn Khắc Thuật - người dám nhận trọng trách “đấu” lại ông Mai Văn Úc để đưa Dũng Cảm trở lại bình yên                 ảnh: Lê Anh Đạt

Dưới bóng Mai Văn Úc, đám người tiêu cực kia càng ra mặt thách thức chính quyền địa phương. Biết vậy, nhưng cuộc bầu cử trưởng thôn vẫn diễn ra. Nhưng 3 lần tổ chức bầu thì chừng ấy lần phải chuyển địa điểm mà vẫn không thành vì dân sợ thế lực Mai Văn Úc, không dám đi bầu.

Trước tình hình này, huyện và xã đành chỉ định ông Nguyễn Khắc Thuật (61 tuổi, từng là lính đặc công) làm trưởng thôn lâm thời. Ông Úc không chấp nhận và cho rằng “ông Thuật là trưởng thôn chỉ định”, còn ông ta là “trưởng thôn dân bầu”; vì thế, cả hai cùng làm trưởng thôn.

Rồi ông ta cho hàng trăm người kéo đến đập phá tan hoang trụ sở UBND xã, đánh trọng thương Trưởng và Phó CA xã, rượt đuổi một số cán bộ CA huyện, nhằm trút giận trước việc huyện và xã chỉ định ông Thuật làm trưởng thôn lâm thời.

Tiếp đó, ông cho người cắt dây truyền thanh xã, cắt điện thoại của những cán bộ dám tố cáo ông ta và hằng đêm ném đá, dội chất bẩn xuống nhà Bí thư chi bộ và Chủ tịch xã...

Được chỉ định làm trưởng thôn thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” (khi tất cả tài sản, hệ thống loa đài sổ sách vẫn nằm trong tay ông Úc) nên ông Thuật lập Tổ an ninh thôn, bảo vệ mùa màng, bảo vệ cán bộ, đảng viên... trước sự đe doạ, trù dập của thế lực ông Úc.

Thế nhưng, Tổ an ninh thôn vừa ra đời thì trong một đêm đi tuần đã bị “tay chân” Mai Văn úc phục kích đánh trọng thương, khiến anh Vương Văn Bình bị khâu 17 mũi (ở tay, đầu, mũi, tai); anh Nguyễn Tiến Đạt bị khâu 8 mũi ở môi, gãy 1 răng cửa, anh Vương Ngọc Văn bị chém rách một vết ở cổ và thái dương... 

Từ đây 2 trưởng thôn lao vào “cuộc chiến” chính - tà, đưa người dân rơi vào tâm trạng lo sợ, ngột ngạt... Vì “cuộc chiến” này mà nhiều gia đình đã tan đàn sẻ nghé vì, ngay trong một nhà, một dòng họ người theo người này (ông ÚcÚc), không theo người kia (ông Thuật) mà bất đồng xảy ra: chồng bỏ vợ, anh cắt đứt quan hệ với em, bạn bè từ mặt nhau, tình yêu, hôn nhân bị gièm pha, chia cắt, bọn trẻ lớn lên trong bầu không khí “độc hại”...

Cứ hễ có hiếu hỉ là tụ tập, công kính, chửi bới và đánh nhau. Gặp mặt nhau giữa đường cũng coi như “người dưng”. Ngôi làng bị chia năm xẻ bảy, nát vụn đến đau đớn.

Nhiều việc làm của Mai Văn Úc đã bị Tiền Phong phanh phui và CA vào cuộc. Thời điểm đó, ông ta đã bắn tin là sẽ cử đội “Phòng chống lụt bão” đến túc trực tại cổng trụ sở báo Tiền Phong để “cho nhà báo biết thế nào là sức mạnh” của ông ta.

Nhưng sau khi loạt điều tra (khoảng 20 bài) đăng tải liên tục thì CA vào cuộc, ông ta lo đối phó. Nhưng từ đó trở đi, “tay chân” của Mai Văn Úc liên tiếp bị bắt, còn ông ta một mặt lùi vào “hậu trường” chỉ đạo, một mặt tìm mọi cách phủi tay những việc đã làm. Với nhiều việc làm bất hảo, cuối tháng 5/2005, CA huyện Ứng Hòa đã bắt tạm giam Mai Văn Úc và một số đồng bọn.

Gặp gỡ các PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hải Truyền - Chủ tịch UBND xã Trung Tú, ông Nguyễn Khắc Thuật - Trưởng thôn Dũng Cảm và nhiều bà con trong thôn, ai nấy đều cười tươi: “Dũng Cảm đã bình yên rồi”! 

 Lê Anh Đạt - Đức Kế

Những kẻ gây rối tại thôn Dũng Cảm đã bị bắt và truy nã

Mai Văn Úc,  Chu Duy Đệ, Mai Văn Tuyển, Vương Văn Tuyển, Chu Văn Bình, Phạm Thị Loan, Vương Công Luận, Nguyễn Hữu Đích, Chu Xuân Kính.

Hiện còn 2 nhân vật đang bị truy nã là: Vương Văn Tuyến, Lê Văn Hiệp

MỚI - NÓNG