Chuyện lạ Long An, trồng rau tốt um trên bèo lục bình nổi trên sông, Tây Ninh đang muốn làm theo

0:00 / 0:00
0:00
Anh Đắc, huyện Thủ Thừa, (tỉnh Long An) sử dụng vỏ chai nhựa bọc trong lưới nylon, cố định bằng thanh tre tạo thành những bè nổi trên mặt nước. Sau đó anh dùng lục bình ủ cho hoai mục trải nên những chiếc bè nổi ấy và trồng rau màu. Tính đến nay, anh tạo được hơn 300 luống rau xanh nổi bềnh bồng trên mặt nước.

Ở Tây Ninh có nguồn nguyên liệu lục bình dồi dào, có mặt sông Vàm Cỏ Đông rộng mênh mông, có nhiều ao hồ sau khi khai thác đất làm nguyên liệu xây dựng đang bị bỏ hoang và cũng có nhiều vỏ chai nhựa đã qua sử dụng chất đống ở các vựa ve chai.

Thời gian qua, ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, bước đầu cho thấy có chiều hướng suy giảm. Tuy nhiên, vào những tháng cao điểm, ở một số khúc cua trên sông, lục bình vẫn ùn ứ cục bộ, gây khó khăn cho giao thông đường thuỷ và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trước tình hình trên, chúng tôi thử đi tìm một số giải pháp xử lý, vừa đỡ tốn kinh phí vừa biến lục bình trở thành nguồn lợi mới.

Lục bình vẫn còn ùn ứ cục bộ trên mặt sông

Ngày 23.5, tại khu vực cầu Bến Đình (xã Cẩm Giang, huyện Gò Gầu, tỉnh Tây Ninh), mặt sông Vàm Cỏ Đông gần như vắng bóng lục bình, rộng thoáng, tàu bè đi lại dễ dàng.

Tuy nhiên, ngược về thượng lưu sông Vàm, đoạn ngang địa bàn xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành, tình hình không được khả quan.

Chuyện lạ Long An, trồng rau tốt um trên bèo lục bình nổi trên sông, Tây Ninh đang muốn làm theo ảnh 1
Mô hình Trồng rau bè thuỷ sinh cùa anh Nguyễn Văn Đắc ở ấp 3, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ảnh: Mộng Đào - Trung Hiếu (Báo Long An)

Tại một khúc cua, lục bình phủ kín gần hết mặt sông. Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp (thuộc Tập đoàn Thành Thành Công)- đơn vị được Sở Giao thông Vận tải hợp đồng xử lý lục bình, điều động 2 chiếc sà lan chuyên dụng đến đoạn sông này “giải phóng mặt bằng”.

Sau một buổi khẩn trương cắt và vớt lục bình, 2 phương tiện chuyên dùng này tạo được khoảng trống trải dài trên mặt nước. Nhờ thế, tàu thuyền có thể đi lại theo chiều dài dòng sông. Tuy nhiên, đối với những phương tiện đường thuỷ di chuyển cắt ngang mặt sông vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Ở khu vực này có nhiều dân cư sinh sống dọc hai bờ sông, thường qua bên bờ phía Tây sông Vàm canh tác ruộng rẫy.

Trưa 23.5, anh Nguyễn Minh Đô, 23 tuổi, điều khiển chiếc vỏ lãi chở hàng hoá từ phía Tây sang bờ phía Đông sông Vàm. Ở khu vực giữa dòng, chiếc vỏ lãi rẽ sóng di chuyển dễ dàng, nhưng gần vào bờ bị lục bình ùn ứ dày đặc gây cản trở, rất khó di chuyển.

Càng vào gần đến bờ, lục bình càng ken cứng. Có lúc, phương tiện bị tắt máy, anh Đô phải dùng cây sào chống đẩy lục bình, chiếc vỏ lãi mới nhích lên được. Chỉ còn cách bờ sông khoảng 5 mét, nhưng người dân này phải mất gần 15 phút và mướt mồ hôi mới vào đến nơi.

Quê ở tỉnh Bến Tre, anh Đô lên Tây Ninh làm ăn sinh sống được 2 năm. Gia đình kinh doanh muối bọt, hằng ngày, anh vận chuyển muối từ bên kia bờ sông về bán cho khu dân cư ven quốc lộ 22B. Anh Đô tâm sự, theo con nước lớn ròng, lục bình trôi lên trôi xuống, vì vậy lúc dòng sông thông thoáng, chỉ cần 2-3 phút là qua được mặt sông; khi lục bình nghẹt cứng thì anh phải mất hơn 15 phút mới đưa tàu cập bến được.

“Những chiếc vỏ lãi sử dụng máy yếu không thể nào qua sông, có lúc bị kẹt giữa dòng, thả trôi trên sông. Vì vậy, thời điểm lục bình đầy mặt sông, tôi phải sử dụng ghe lớn, máy lớn chở hàng hoá”- anh Đô cho hay.

Chuyện lạ Long An, trồng rau tốt um trên bèo lục bình nổi trên sông, Tây Ninh đang muốn làm theo ảnh 2
Anh Đô (Tây Ninh) phải dùng cây sào chống đẩy lục bình, để đưa vỏ lãi vào bờ.

Những năm gần đây, anh Đô thấy một số sà lan đến khu vực này vớt lục bình lên bờ, nhưng lục bình phát triển nhanh và người dân hai bên bờ sông dỡ chà bắt cá, đẩy lục bình ra quá nhiều nên khó xử lý hết được.

Có thể áp dụng mô hình trồng rau trên lục bình

Gần đây, nhiều người biết đến anh Nguyễn Văn Đắc ở tỉnh Long An khá thành công với mô hình trồng rau trên lục bình. Anh Đắc sử dụng vỏ chai nhựa bọc trong lưới nylon và cố định bằng thanh tre để tạo thành những bè nổi trên mặt nước. Sau đó anh dùng lục bình ủ cho hoai làm nguyên liệu trải nên những chiếc bè nổi ấy và trồng rau màu. Tính đến nay, anh tạo được hơn 300 luống rau xanh nổi bềnh bồng trên mặt nước.

Anh Đắc chia sẻ: “Mỗi bè có diện tích 3m2. Trong đó sử dụng khoảng 13kg chai nhựa và từ 80-100kg lục bình đã ủ hoai, không cần trộn thêm đất hay phân bón. Sau thời gian sử dụng khoảng 2 năm, lục bình trên bè sẽ xẹp xuống, khi đó chỉ cần bổ sung lớp lục bình khác chồng lên và tiếp tục trồng rau, không cần bỏ lớp lục bình cũ”. Trên các bè nổi này, anh Đắc trồng được dưa leo, cà chua, bí đao, bí đỏ, bầu, mướp, cải bẹ xanh, v.v…

Anh Đắc cho hay, việc trồng rau trên bè có nhiều ưu điểm hơn so với trồng trên bờ, như không phải tốn chi phí tưới tiêu, vì rau hút nước trực tiếp từ mặt nước. Các bè cách xa đất liền, hạn chế được nhiều loại côn trùng gây hại cho cây nên không cần sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân hữu cơ, từ đó tạo ra sản phẩm rau hữu cơ sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiện tại, các sản phẩm rau xanh của anh Đắc được bán trong hệ thống siêu thị và các chợ truyền thống ở địa phương. Nguyên liệu trồng rau hoàn toàn mới nên không ẩn chứa những loại mầm bệnh thường có trong đất canh tác lâu năm. Quan trọng hơn là, việc sử dụng chai nhựa phế thải và lục bình đang sinh sôi nảy nở tràn lan trên ao hồ, sông rạch đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Tính đến nay, anh Đắc có hơn 5.000m2 trồng rau trên mặt nước, tạo việc làm thường xuyên cho 10-12 lao động, mang đến thu nhập ổn định. Anh Đắc cho hay, nhiều nông dân ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp đặt hàng anh sản xuất 7.000 - 8.000 bè trồng rau nổi.

Tuy nhiên, anh cũng nói rõ, mô hình trồng rau bè thuỷ sinh của anh chỉ mới áp dụng trong ao hồ- nơi có mặt nước tĩnh lặng và độ pH tương đối ổn định chứ chưa thử nghiệm trồng trên sông rạch. Vì khi trồng rau bè trên sông rạch sẽ đối mặt với một số tác động khác như sóng gió, dòng chảy, độ pH có thể lên xuống bất thường, làm ảnh hưởng đến cây trồng.

“Riêng việc làm bè trên sông, tôi có thể thiết kế bằng cách gia cố thêm một số thân cây tre quanh bè để hạn chế sóng đánh và neo đậu chắc chắn hơn. Còn độ pH thì phải thử nghiệm nguồn nước cụ thể tại nơi dự định trồng mới đưa ra hướng xử lý được”- anh Đắc nói.

Ở Tây Ninh có nguồn nguyên liệu lục bình dồi dào, có mặt sông Vàm Cỏ Đông rộng mênh mông, có nhiều ao hồ sau khi khai thác đất làm nguyên liệu xây dựng đang bị bỏ hoang và cũng có nhiều vỏ chai nhựa đã qua sử dụng chất đống ở các vựa ve chai. Khí hậu Tây Ninh nắng ấm, phù hợp với việc canh tác nhiều loại hoa màu. Tất cả những tiềm năng này, nếu được kết hợp khai thác có thể sẽ mở ra một hướng làm kinh tế nông nghiệp theo mô hình mới.

Qua thực tế ở Long An cho thấy mô hình trồng rau bè thuỷ sinh của anh Nguyễn Văn Đắc bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu mô hình này được triển khai rộng rãi ở tỉnh ta, khả năng đem lại lợi ích kép, vừa tận dụng được mặt nước ao hồ, sông rạch để phát triển kinh tế nông nghiệp, vừa đỡ tốn kinh phí xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.

Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG