Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 6

Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 6
TP - Trong một buổi gặp gỡ với một số tướng lĩnh Việt Nam, Chủ tịch Phidel Castro bắt tay Đại tướng Lê Trọng Tấn rồi tươi cười hỏi mọi người xung quanh: “Đây có phải là tướng đánh hay nhất Việt Nam?”.
Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 6 ảnh 1

Vợ chồng Đại tướng Lê Trọng Tấn với con trai Lê Đông Hải. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đáp: “Đúng, đây là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”.

Sau khi Đại tướng Lê Trọng Tấn qua đời (1986), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Đại tướng Lê Trọng Tấn là người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc, người bạn chiến đấu chí cốt”.

Và “… Lê Trọng Tấn là một trường hợp khá đặc biệt: Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, Đại đoàn 312 do Tấn chỉ huy đã bắt sống tướng De Castries, nay, cũng ở giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Chính cánh quân phía Đông do Tấn chỉ huy lần đầu tiên bắt sống hai tướng ngụy và tiếp đó đánh, chiếm hoàn toàn Dinh Độc Lập. Với hai chiến công đó, Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần được tuyên dương Anh hùng…”.

Năm 1964, trên chiếc tàu buôn tỏi của nước ngoài cập cảng Sihanoukvile (Campuchia), ít ai hay trên tàu có 2 vị tướng “sừng sỏ” của “Bắc Việt” là Nguyễn Chí Thanh và Lê Trọng Tấn được đặc phái vào miền Nam.

Do thấp hơn và nước da ngăm đen, Nguyễn Chí Thanh sắm vai thợ máy, còn Lê Trọng Tấn, vóc người to, cao nên đóng vai ông chủ buôn tỏi, quần áo sang trọng, xách cặp da bóng láng. Không lâu sau, chiến dịch Bình Giã khai hỏa cho chiến công đánh sập Chiến lược chiến tranh “Đặc biệt” của Mỹ.

Còn một điều ít ai biết, ấy là trong Chiến dịch mùa Xuân 1975, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại cho hay, cấp trên lệnh cho Lê Trọng Tấn phải đập tan 10 vạn quân ngụy, giải phóng Đà Nẵng trong vòng 3 ngày! Nhiệm vụ tưởng chừng như không thể vượt qua ấy, đã được hoàn thành trọn vẹn từ 26 đến 29/3/1975…

Chính bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà Lê Trọng Tấn được mệnh danh là “Giu - cốp” của Việt Nam! Thiếu tướng Nguyễn Chuông, cũng như rất nhiều tướng lĩnh khác, cho rằng: “Đại tướng Lê Trọng Tấn hội tụ đầy đủ lời Bác Hồ dạy các chiến sĩ quân đội: “Trí – Dũng – Nhân – Tín – Liêm – Trung”.

Chúng tôi đã có dịp được ngồi trò chuyện với người con trai duy nhất của Đại tướng Lê Trọng Tấn: Đại tá, GS-TS Lê Đông Hải - Nguyên Viện trưởng Phân viện Kỹ thuật quân sự tại thành phố Hồ Chí Minh - đã nghỉ hưu từ năm 2004.

Ngay từ nhỏ, Lê Đông Hải đã theo học trường thiếu sinh quân và sau đó trở thành “lính” của cha trong Đại đoàn 312. Đã 20 năm trôi qua kể từ ngày Đại tướng Lê Trọng Tấn qua đời, GS-TS Lê Đông Hải vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ thương người cha.

Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 6 ảnh 2
Nhà số 2 đường Cửu Long (Tân Bình, TP HCM) nơi Đại tướng Lê Trọng Tấn ở lâu nhất (nay là quán cà phê Trung Nguyên)

Ông tâm sự:  Cả một đời, cha tôi không để lại một chút tài sản, nhà cửa, đất đai vì ông cụ chưa bao giờ nhận nhà riêng. Nhưng cha tôi đã để lại cho tôi đạo lý làm người mà suốt cuộc đời tôi luôn gắng noi theo”.

Đại tá Lê Đông Hải còn nhớ, ngay sau khi nước nhà thống nhất, cha ông vẫn hết lòng vì công việc chung, làm việc tới mức quên thân. Chú thư ký của cha ông vẫn còn giữ được nhật ký ghi lại lịch làm việc của cha ông từng ngày; ngày nào cũng vậy suốt từ sáng tới khuya.

Có ngày kín lịch từ 7 giờ 30 sáng đến 22 giờ 30 tối diễn ra liên tục 18 cuộc làm việc với 18 cán bộ khác nhau… Tiếng là con trai duy nhất, nhưng tính ra, cả đời mình, Lê Đông Hải chỉ được sống bên cạnh cha được 2-3 năm.

Thời kỳ hạnh phúc nhất được sum họp “đại gia đình” là ở nhà 36 Hoàng Diệu (Hà Nội). Hồi đó, gia đình được cấp hai phòng, mỗi phòng 24m2, cùng ở với các bác Tạ Quang Bửu, Vương Thừa Vũ, Đặng Kính... Sau đó một thời gian, Hải nhận công tác mới, còn cha thì đi chiến trường liên tục.

Thấy vậy, mẹ xin trả lại nhà ở đường Hoàng Diệu để chuyển về 36C Lý Nam Đế. Về nơi mới này, mẹ xuống ở cùng dãy nhà ngang - nơi sinh hoạt của mấy anh em phục vụ bếp núc. Trong ngôi nhà còn có phần đất trống gia đình dùng để trồng rau, tăng gia, chăn nuôi lợn gà.

Ngay sau Đại thắng Mùa Xuân 1975, một số anh em chạy đôn, chạy đáo đi tìm những ngôi biệt thự sang trọng nguyên là của giới chóp bu Sài Gòn như Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Cao Văn Viên, Trần Thiện Khiêm cho ông ở song vị tướng đều lắc đầu từ chối.

Mãi sau này, ông mới đồng ý về ở căn nhà số 2 đường Cửu Long, nhà có 2 phòng diện tích trên dưới 30 m2, căn nhà này đang xây dựng dở dang thì giải phóng.

Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 6 ảnh 3
Đại tướng Lê Trọng Tấn

Thấy ông ăn ở chật hẹp như vậy, nhân cơ hội khi ông ra Hà Nội họp, mấy anh em ở Quân đoàn 4 bảo nhau dọn hết đồ đạc, vật dụng cá nhân của ông “dinh” thẳng đến biệt thự số 195 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đường Công Lý cũ).

Khi dự họp xong ở Hà Nội, trở về TP Hồ Chí Minh, tướng Lê Trọng Tấn đành phải chấp nhận “sự đã rồi”. Ông rất không hài lòng, nhưng cũng không nỡ nặng lời với ai. Nhưng rồi, ông vẫn ngấm ngầm tìm cách trả lại ngôi biệt thự trên.

Một bữa, ông điện thoại báo cho mọi người biết ông sẽ quay lại ngôi nhà số 2 đường Cửu Long, còn ngôi biệt thự 195 Nam Kỳ Khởi Nghĩa xin giao lại cho vị Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP lúc đó để đồng chí đó có điều kiện lo cho thương bệnh binh.

Ngay sau đó, Tướng Lê Trọng Tấn chuyển về nơi ở cũ. Anh em trong Quân khu 7 cùng một số vị tướng khác vẫn không an tâm về nơi ăn chốn ở của vị tướng đã bao năm xông pha trận mạc, nên đã tìm mọi cách thuyết phục, thậm chí, còn áp dụng cả “nguyên tắc” để đưa ông tới ngụ tại biệt thự 126 Pasteur.

Không nỡ khước từ thịnh tình của anh em, đồng đội, ông cũng khoác ba lô đến 126 Pasteur, ở “ví dụ” một thời gian, rồi sau đó lại kiên quyết đòi về ở trong 30m2 tại số 2 đường Cửu Long. Đến nước này thì mọi người đành chịu, phải chiều theo ý nguyện của ông.

Tại ngôi nhà này, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã sống cho đến khi qua đời ngày 5/12/1986. Sau khi ông mất, người ta mới biết căn nhà vẫn nguyên si từ khi ông đến ở cho tới lúc lìa trần, không hề sửa chữa, thêm bớt gì.

Ngôi nhà đó, nay đã trở thành quán cà phê Trung Nguyên của ai đó mà con trai vị Đại tướng cũng không hay biết.

“Bố tôi không có nhà riêng”, Đại tá Lê Đông Hải vừa nói, vừa cười  đầy tự hào. Đại tá rủ hôm nào rảnh, cùng ông đến quán cà phê Trung Nguyên số 2 đường Cửu Long, nhâm nhi ly cà phê để nhớ lại những chuyện cũ về “ông cụ” tại nơi chứa đầy ắp những kỷ niệm.

Kỳ 7: Vị “quan tòa” với biệt danh “Tư Thanh Thiên”

Ghi chép của Trần Hiếu - Mạnh Việt

MỚI - NÓNG