Chuyện ít biết về Bộ trưởng 'ngoại quốc' trong chính phủ Ukraine

Nền kinh tế Ukraine đang rơi vào tình thế rất khó khăn.
Nền kinh tế Ukraine đang rơi vào tình thế rất khó khăn.
Aivaras Abromavicius được coi là nhân tố mới trên chính trường Ukraine đầy biến động. Dù có thâm niên đáng nể trong ngành tài chính, nhưng với việc được bổ nhiệm trở thành Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, một con đường dài nhiều ngã rẽ với doanh nhân sinh ra tại Lithuania này.

Ông Abromavicius đang phải đối diện với nguy cơ nền kinh tế Ukraine yếu kém trên bờ vực sụp đổ trong bối cảnh xung đột ở miền Đông vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn dành nhiều lời có cánh cho nhân vật đặc biệt này, và kỳ vọng Ukraine sẽ hồi sinh dưới bàn tay vị Bộ trưởng trẻ tuổi nhờ tư duy tích cực cùng khao khát mãnh liệt về một tương lai tốt đẹp hơn.

Bộ trưởng “ngoại quốc”

Sự kiện Aivaras Abromavicius trở thành một quan chức Chính phủ Ukraine được coi là “bất thường”, đặc biệt là ông nắm giữ vị trí cao nhất trong Bộ Kinh tế đang bị khủng hoảng do thời cuộc biến loạn. Vị Bộ trưởng 38 tuổi đến từ Cộng hòa Lithuania, chỉ mới sinh sống ở Kiev được 6 năm sau khi kết hôn với một phụ nữ Ukraine.

Trước khi nhận vị trí mới, ông Abromavicius là thành viên cấp cao của Tập đoàn đầu tư tài chính Thụy Sĩ East Capital (có giá trị 3,6 tỷ USD ở Kiev) và nắm cổ phần trị giá 372.000 USD. Tuy mức này không quá cao với tiêu chuẩn châu Âu nhưng cũng được coi là “có của ăn của để” tại Ukraine. 

Ông chỉ có quốc tịch Ukraine vào đầu tháng 12/2014 sau khi quyết định từ bỏ quốc tịch gốc để trở thành Bộ trưởng Kinh tế Ukraine. Bản thân vị Bộ trưởng “ngoại quốc” này chưa từng nghĩ sẽ trở thành một quan chức Chính phủ Ukraine do thời gian sinh sống tại Kiev chưa quá dài, cũng như những hạn chế nhất định về thể chế và văn hóa nơi đây. Ông thừa nhận rằng chỉ hiểu khoảng 85% điều các chính trị gia khác nói tại các cuộc họp Chính phủ Ukraine.

Khi được hỏi vì sao ông lại vượt qua được các nhà quản lý quỹ và các nhà đầu tư khác trên thế giới để trở thành Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, Aivaras Abromavicius hóm hỉnh trả lời: “Tôi đoán là không có ai lớn hơn tôi ở Kiev”. Dù hộ chiếu tại Kiev mới chỉ được “gần bốn tháng tuổi” nhưng Aivaras Abromavicius luôn nhận mình là một người ái quốc, tuyên bố sẽ hết lòng vì một Kiev phục hồi và phát triển ổn định hơn.

Lên nắm quyền trong bối cảnh Ukraine lâm vào tình cảnh khủng hoảng toàn diện nghiêm trọng, Bộ trưởng Abromavicius đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn. Nền kinh tế Ukraine đã dần xấu đi kể từ sau khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ vào cuối tháng 2/2014, sau đó bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga và nổ ra cuộc nổi dậy đòi ly khai tại miền Đông Ukraine. Dù Chính phủ mới đã cố thúc đẩy các hoạt động kinh tế bằng cách dỡ bỏ những trở ngại về thủ tục, thuế quan và hệ thống quản lý nhưng tất cả dường như vô ích.

Tới tháng 12/2014, dự trữ ngoại hối quốc gia của Ukraine ở dưới mức 10 tỷ USD, và đang tiếp tục giảm với tốc độ rất đáng báo động. Trong khi đó, thị trường chứng khoán thì được ví tại thời điểm này không khác gì một vùng đất kinh tế bỏ hoang. GDP năm 2014 của Ukraine đã giảm 7%, trong khi lạm phát lên đến 24,9%.

Trong giai đoạn đầu năm 2015, tình hình tiếp tục căng thẳng với chiều hướng tiêu cực ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là sản xuất công nghiệp đã giảm sút 21% trong tháng 1. Nếu Ukraine không hạn chế việc trao đổi đồng hryvnia trong các giao dịch tiền tệ thì mọi thứ sẽ còn trở nên xấu hơn.

Hiện một công dân Ukraine chỉ được phép mua bán dưới 3.000 hryvnia (tương đương 189 USD) trong một ngày. Vẫn có thị trường chợ đen cho những người có nhu cầu lớn hơn, nhưng tỷ giá cao hơn ít nhất 20% so với tỷ giá chính thức. Nói về tình trạng mất ổn định tỷ giá tiền tệ, ông Abromavicius cho rằng nguyên nhân chính ở đây là do dự trữ của Ngân hàng Quốc gia đã bị tiêu tán trong năm 2014.

Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Aivaras Abromavicius tuyên bố nền kinh tế Ukraine đang trong tình trạng vô cùng bi đát và cần phải xây dựng lại từ con số không. Theo ông, nguyên nhân không chỉ do chính sách sai lầm của chính quyền trước, mà còn do thiếu cải cách trong 25 năm qua.

“Chúng ta đang đứng trước lựa chọn: bây giờ hoặc không bao giờ. Cần có những cuộc cải cách cơ cấu phức tạp, hoặc suy thoái sâu sẽ dẫn đến những hậu quả không thể khắc phục được. Các cuộc cải cách này không phải vì Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Liên minh châu Âu (EU), mà trước hết là việc cần thiết cho chính Ukraine”, ông tuyên bố, cùng lời khẳng định sau cuối rằng khủng hoảng chính là cơ hội duy nhất để cải cách.

Chuyện ít biết về Bộ trưởng 'ngoại quốc' trong chính phủ Ukraine ảnh 1

Bộ trưởng “ngoại quốc” Aivaras Abromavicius luôn được kỳ vọng sẽ là người có thể hồi sinh lại nền kinh tế của Ukraine từ những lụi tàn.

Nắm giữ vận mệnh nền kinh tế

Bộ trưởng Aivaras Abromavicius tóm tắt kế hoạch phục hồi kinh tế Ukraine của mình như sau: Nhận trợ giúp tài chính từ các tổ chức quốc tế, cải tổ cơ cấu các ngành kinh tế, thu hút đầu tư, sử dụng tối đa quan hệ liên kết với EU, đưa xuất khẩu thâm nhập các thị trường mới và tăng cường tiêu thụ. Xét về bản chất vấn đề, Chính phủ Ukraine cần xây dựng lại hoàn toàn nền kinh tế quốc dân trên cơ sở cạnh tranh trung thực và từ bỏ mô hình quản lý hành chính đối với kinh tế. Ông Abromavicius đưa ra hai mục tiêu trước mắt: bình ổn tình hình và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững từ năm 2016.

Bên cạnh đó, cắt giảm chi tiêu, cải cách chế độ hưu trí và xóa bỏ chế độ chính phủ độc quyền về dầu - khí đốt cũng là những biện pháp mà ông Abromavicius cho biết Chính phủ sẽ quyết tâm thực hiện trong thời gian tới. Bộ trưởng Kinh tế Ukraine tỏ ra rất tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết và khả năng của các chuyên gia trong bộ máy chính quyền hiện nay. Rút kinh nghiệm từ những người tiền nhiệm trước đã phải từ chức trong sự chán ghét bộ máy làm việc quan liêu của Ukraine, Aivaras Abromavicius tin cậy những vị cố vấn tình nguyện nhiều hơn là các nhân viên thuộc các bộ ngành. 

Ông đã mời một cựu quan chức của Estonia làm cố vấn cho mình qua kênh chính phủ điện tử và một kỹ sư đến từ Lithuania để sàng lọc những kỹ thuật hỗ trợ khổng lồ mà Ukraine đang nhận được từ các nước đồng minh châu Âu. Aivaras Abromavicius cũng đang tham khảo ý kiến người tiền nhiệm của mình, chuyên gia kinh tế Pavlo Sheremeta (người đã từng chỉ trích bộ máy quan liêu của Ukraine đã dập tắt những hoạt động có ý nghĩa), về vấn đề đơn giản hóa hệ thống quản lý.

Aivaras Abromavicius tỏ ra rất ủng hộ việc cắt giảm nhân lực - chi tiêu triệt để và cải cách hành chính. Riêng Bộ Kinh tế nơi ông làm việc có 1.300 nhân viên tại 24 phòng ban, với mức lương trung bình là 5 nghìn hryvnia (316 USD)/tháng. Vị Bộ trưởng đang ấp ủ kế hoạch cắt giảm khoảng 20% nhân viên và chỉ giữ lại 15 phòng ban.

Chưa hết, ông cũng muốn cải cách 3.500 công ty nhà nước của Ukraine khi đề xuất bổ nhiệm các giám đốc độc lập và minh bạch hóa các đơn vị này. Ông lên kế hoạch sẽ đại tu lại hệ thống mua bán nhà nước hiện đang chiếm tới 10 tỷ USD/năm và nếu thực hiện một cách công khai thì Ukraine có thể tiết kiệm được ít nhất 2 tỷ USD/năm.

Chính phủ cũng đang rất quan tâm đến cắt giảm thuế thu nhập từ 41% hiện tại xuống chỉ còn 16% cho những năm tới, gần với mức thuế của Mỹ đối với những người có thu nhập thấp nhất. Ông Aivaras Abromavicius sẽ thiết lập một lộ trình phù hợp để loại bỏ dần các khoản trợ cấp khi giá khí đốt tự nhiên bắt đầu phục hồi.

Đi cùng với đó là những ưu tiên bãi bỏ dần các quy định, giảm số lượng giấy phép nhà nước từ 56 xuống 38 và nghiêm khắc hơn nữa đối với thời hạn đăng ký của các doanh nghiệp. Aivaras Abromavicius hứa sẽ đưa Ukraine vào danh sách 50 quốc gia có môi trường dễ kinh doanh. Và bước đầu tiên của tham vọng này là cải cách doanh nghiệp Ukraine, theo ông, có thể cảm nhận được những thay đổi rõ rệt trong quý đầu tiên của năm nay.

Bộ trưởng đang nhận được hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế. Trong số các nhà tài trợ tiềm năng mà ông nêu ra là Chính phủ Anh thông qua Pricewaterhouse Coopers đã chuyển 15 triệu USD để cải cách hệ thống quản lý của các doanh nghiệp công, và các quỹ của Thụy Điển đã sẵn sàng chi lên đến 25 triệu USD cho chương trình tiết kiệm năng lượng ở Ukraine.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đánh giá phương Tây không thể để Ukraine thất bại, bởi vì điều đó sẽ chứng minh Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đúng khi nhận xét rằng các nguồn trợ giúp của phương Tây không đáng tin cậy và không hiệu quả. Vì vậy, Quỹ Tiền tệ quốc tế có thể sẽ cung cấp phần tiếp theo trong gói 17 tỷ USD đã được phê duyệt để cứu giúp Chính phủ Kiev trong năm 2015.

Tất cả những động thái trên được đánh giá là đang đi đúng hướng. Bộ trưởng Aivaras Abromavicius rất tự tin rằng, ông cùng các cộng sự trong nội các mới có thể xoay chuyển tình thế đang rất khó khăn hiện nay, cứu nền kinh tế Ukraine thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Nội các giờ đang có những chuyên gia vững vàng như ông và nhận được sự ủng hộ của một Quốc hội có tư tưởng ủng hộ châu Âu rõ ràng, tạo nên “một tinh thần đồng đội mạnh mẽ”.

Ông cho biết những cải cách của mình sẽ hạn chế dần nạn tham nhũng và giúp thu hút đầu tư nước ngoài vào Ukraine nhằm chặn đứng suy thoái với những kết quả khả quan bắt đầu từ quý ba của năm 2015. Đây sẽ là một gánh nặng rất lớn đối với Bộ trưởng Aivaras Abromaviciuskhi ông vẫn luôn được kỳ vọng sẽ là người có thể hồi sinh lại nền kinh tế của Ukraine từ những lụi tàn…

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Thông tin mới nhất về cây đa đổ gục ở đền Bà Kiệu
Thông tin mới nhất về cây đa đổ gục ở đền Bà Kiệu
TPO - Do ảnh hưởng của cơn bão YAGI, cây đa phía sau đền Bà Kiệu (mặt phố Lò Sũ) đã bị bật gốc trước sức gió khủng khiếp, gây thiệt hại đến công trình phụ trợ. Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội tích cực phối hợp với lực lượng chức năng để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão.