Chuyện hồ sơ đi B - Kỳ cuối: Thầy giáo Tĩnh và những biến động

Hiệu trưởng (thứ 2 trái sang) và giáo viên thăm chùa Khánh Sơn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên ngày 25/7/1975.
Hiệu trưởng (thứ 2 trái sang) và giáo viên thăm chùa Khánh Sơn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên ngày 25/7/1975.
TP - Không phải đến thời điểm năm 1972, thầy Tĩnh mới đi B, mà từ năm 1968, thầy đã được lệnh trưng tập của Bộ Giáo dục chuyển về  bộ phận tổ chức của Ban Thống nhất Trung ương.

 Tôi gặp thầy Nguyễn Duy Tĩnh, sinh năm 1945 quê ở Thụy Lỗi, Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội vào sáng ngày 10/7/2017. Sáng đó có cuộc gặp mặt thân mật của huyện với các thương binh gia đình liệt sĩ và các cán bộ từng tham gia ở chiến trường B (như đã nói ở các kỳ trước đó là mật danh chiến trường miền Nam). Thầy Tĩnh là khách mời buổi gặp bởi cũng như lứa thầy Thiện ở Ninh Bình (nói ở kỳ 3) xung phong đi B dẫu muộn hơn, năm 1972. Thầy còn xuất hiện ở buổi gặp mặt với tư cách Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh.

Không phải đến thời điểm năm 1972, thầy Tĩnh mới đi B, mà từ năm 1968, thầy đã được lệnh trưng tập của Bộ Giáo dục chuyển về  bộ phận tổ chức của Ban Thống nhất Trung ương. Cũng như nhiều thầy cô khác nhận lệnh đi B, thầy Tĩnh dự khóa huấn luyện đặc biệt. Cũng được triệu tập về Lương Sơn, Hòa Bình để bồi dưỡng sức khỏe, rèn thể lực. Cũng đeo ba lô hằng đêm cuốc bộ nhiều cây số.

Nhưng có lẽ đợt đi tiếp theo chưa thuận nên đoàn của thầy Tĩnh vẫn chưa được lệnh lên đường. Một rồi nhiều tháng qua… thầy Tĩnh lại phải điều chuyển về An Lão (Hải Phòng). Đó là một sơ sở đặc biệt na ná như một phân khu của Đại học Sư phạm tập trung đào tạo cấp tốc hoặc dài hạn cho kế hoạch bổ sung vào chiến trường những cán bộ chuyên môn giảng dạy và quản lý của ngành giáo dục.

Qua một thời gian dài, có lẽ đã chững chạc cứng cáp, ăn xong Tết Nhâm Tý năm 1972 ít ngày, chiếc xe chở khách hiệu Hải Âu chở đoàn cán bộ đi B rời Lương Sơn (Hòa Bình) xuôi hướng Nam. Trên xe ngoài 4 cán bộ giáo dục còn có cán bộ thuộc các  ngành Y tế, Nông nghiệp, Thương mại, An ninh… tổng cộng 22 người cả thảy. Đến Thường Tín trong đêm, chiếc xe lặng lẽ dừng lại.

Đoàn cán bộ trong đó có thầy Tĩnh đáp tàu đi Ninh Bình. Cũng chỉ đến Ninh Bình vì tàu hỏa khi ấy chỉ chạy đến ga cuối Ninh Bình vì đường sắt bị bom Mỹ đánh hỏng. Cả tốp từ Ninh Bình cuốc bộ về Nho Quan. Rồi từ Nho Quan nối ngày đêm chỉ toàn cuốc bộ nhích dần đến Cự Nẫm đất Quảng Bình. Nhiều tháng, cả đoàn mới dò dẫm qua nhiều binh trạm của đường Trường Sơn vào khu Năm.

Đặt chân lên chiến trường khu Năm ác liệt, đoàn cán bộ tản về đất Phú Yên và Tây Nguyên. Chỉ trong một thời gian ngắn, đoàn cán bộ 22 anh chị em đã vơi vợi đi nhiều lắm. Thầy giáo Ngô Văn Luật hy sinh vì bị phục kích ở Phú Yên. Cô y sĩ Nguyễn Thị Hoa bị địch phục bắn chết, người thì hy sinh do sốt rét, do vướng mìn, bị phục kích… Đó là thời điểm gian nan của quân, dân, chính của khu Năm. Địa bàn khu vực Đồng Xuân, Sơn Hòa và giáp ranh Tây Nguyên… của đất Phú Yên địch càn chà đi xát lại, cơ sở nhiều vùng trắng. Nguồn tiếp tế cạn kiệt. Có cả tháng trời cơ sở giáo dục của thầy Tĩnh không có một hạt gạo phải dằn bụng chút ít sắn với rau rừng.

Một bữa, thầy giáo Y. người khu Năm chuyện tỷ tê với thầy Tĩnh lâu lắm… Nhưng rồi ý định rủ thầy Tĩnh cùng  chiêu hồi cũng lộ ra. Thầy Tĩnh không chịu nhưng cũng ít nhiều hoang mang. Ít bữa sau thầy Y. chiêu hồi thật!

Bên cạnh tổ giáo viên có một đơn vị bộ đội. Một bữa bên ấy hoảng loạn cái tin hai chiến sĩ người Bắc không phải chiêu hồi mà bỏ ngũ… Không biết họ đi đâu? Sau này sau Hiệp định Paris mới hé lộ ra chuyện hai bộ đội ấy bỏ ngũ nhủi sâu vào vùng dân tộc Ba Na, M’ Nông… bắt (lấy) vợ rồi ở hẳn trong đó.

Một chiều muộn, trên lối đường rừng thuộc Sơn Hòa của Phú Yên, thầy Tĩnh và một cô cán bộ binh vận tỉnh đang mò mẫm về cơ sở thì cả hai chợt sững lại khi nghe thoáng mùi thuốc Ruby - Quân tiếp vụ, thơm sực đâu đây. Thôi lọt vào ổ phục rồi. Chỉ nghĩ đến đó thầy Tĩnh đã bị quật ngã…

Chị cán bộ binh vận (tên là Nguyễn Thị Thư, người Phú Yên) đi ngay sau cũng bị địch bắt. Chúng dong hai người về hai hướng khác nhau.

Ngay đêm đó, thầy Tĩnh được điệu về tỉnh lỵ Phú Yên. Không khó khăn gì, chúng tìm trong túi thầy Tĩnh có một tệp giấy chép tay.  Đó là danh sách họ tên các em học sinh người Ba Na khu vực giáp ranh Đồng Xuân, Sơn Hòa với người Thượng Tây Nguyên.

Mấy tờ chép tay ấy đã cứu thầy.

Thấy lời khai của tay cán bộ vừa bị phục bắt là giáo viên. Lại có danh sách học sinh người Thượng. Chúng tạm tin. Lại chứng kiến vóc dạng ốm o thư sinh (kỳ thực thầy Tĩnh như nhiều đồng đội rạc người vì đói ăn, thiếu chất) và thái độ bình thản của kẻ bị bắt (kỳ thực thầy Tĩnh lo lắm nhỡ chúng mạnh tay làm liều thì khốn?) đúng tôi là người Bắc dân Đông Anh ven thành Hà Nội, anh em chúng tôi vào đây để dạy chữ cho các cháu người dân tộc… Thử thêm tay thầy giáo này, chúng bày ra những bài toán trình độ tương đương cấp 2, cấp 3 ngoài Bắc bảo thầy giải. May mắn, thầy Tĩnh vốn là một giáo viên dạy giỏi nhất là môn toán nên dễ dàng qua được phép thử này.

Chuyện hồ sơ đi B - Kỳ cuối: Thầy giáo Tĩnh và những biến động ảnh 1 Hội trưởng Hội Cựu giáo chức xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội: Nguyễn Duy Tĩnh.

Thầy Tĩnh nhanh chóng nhận ra đám mật vụ, binh lính này có vẻ có chút nể trọng những người làm thầy giáo dẫu cho họ ở chiến tuyến nào. Chả thế mà tay thẩm vấn nói toạc, thẳng thừng nếu giáo sư Bắc kỳ thì nhẹ tay còn đội lốt để hoạt động tình báo thì cho tiêu…

Ít ngày sau, thầy Tĩnh không bị tống vào ngục mà chúng đưa đến một khu nhà trông vẻ bệ rạc nhếch nhác. Tay lính trước khi mở khóa hé ra cái tin Khu nhà này là nơi lưu đày ông Nguyễn Hữu Thọ đấy. Thầy may phúc mới được vô chốn này…

Ngay sáng sau, thầy Tĩnh nhanh chóng nhận ra trên một bức tường của khu nửa nhà ngục nửa lưu đày có một dòng chữ nguệch ngoạc bằng gạch non viết lâu hơi mờ nhưng đọc vẫn rõ Có niềm tin là có tất cả. Không biết ai là tác giả mấy chữ này? Nhưng hôm sau người lính gác nói đó là bút tích của ông Nguyễn Hữu Thọ.

Người thầy Tĩnh bỗng bừng khỏe như vừa được tắm nước nóng. Thì ra  Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt Trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã từng bị đày nơi này? Có niềm tin là có tất cả? Mà tại sao địch không xóa cũng chẳng hủy dòng chữ như một thứ khẩu hiệu, như lời hiệu triệu đầy phấn khích của một lãnh tụ đối phương này nhỉ?

(Kể đến đoạn này, thầy Tĩnh nói sau giải phóng có đến thăm lại nơi giam này, dòng chữ trên bức tường hãy còn giữ. Còn sau đó chả biết có còn?).

Tiếp theo lại những ngày đi cung hỏi xoáy này khác… Nhưng liệu thầy Tĩnh biết gì hơn? Cũng có đấy! Đó là những đơn vị bộ đội gần cơ quan thầy biết rất rõ nhưng cứ lờ lớ lơ…

Mấy tháng trời nửa giam lỏng, nửa tù… Rồi Hiệp định Paris.  Cho đến thời điểm bấy giờ, thầy Tĩnh không hiểu tại sao địch không đưa mình vào danh sách tù binh đối phương được trao trả ở Lộc Ninh hay Thạch Hãn mà được thả ngay ở thị xã Tuy Hòa? Vì như thầy bộc bạch nếu được trao trả thời điểm đó và thuộc diện ấy, thầy có thể vù ngay về quê với vợ dại con thơ rồi?  Bởi sau Hiệp định Paris, địa bàn khu Năm trở nên phức tạp ác liệt. Thầy Tĩnh và đồng đội nhiều lần hút chết vì địch vi phạm Hiệp định nống càn liên tục…

Như chim sổ lồng, thầy Tĩnh lại tìm đường về cứ, về với cơ quan giáo dục Phú Yên.

Chuyện hồ sơ đi B - Kỳ cuối: Thầy giáo Tĩnh và những biến động ảnh 2 Hiệu trưởng (thứ 2 phải sang) và giáo viên tại nhà Mẫn Tuy Hòa 2 ngày 27/7/1975.

Sau này vui mừng gặp lại người cán bộ binh vận, chị Nguyễn Thị Thư. Chị cho biết  khi sa vào tay giặc, chị cũng có khai là giáo viên như anh Tĩnh. Nhưng tụi nó không tin. Chị Thư bị tra tấn đánh đập  rồi bị đày ra Côn Đảo. Chị được trao trả ở Lộc Ninh năm 1973 dịp Hiệp định Paris.

Bảo thầy Tĩnh là người gặp may cũng phải? Bởi sau bao nhiêu năm ở khu vực chiến trường khu Năm ác liệt trải qua trận mạc chất độc hóa học (khác với thầy Nguyễn Đức Thiện ở Yên Mô, Ninh Bình bây giờ đang còn phấp phỏng đợi) thầy Tĩnh được hưởng tiêu chuẩn 41% chế độ. Bốn người con của thầy sau này may mắn lành lặn cả.

Và nói thầy Tĩnh cũng là người kém may mắn cũng đúng? Bởi sau khi được trao trả trở về cơ quan thầy bị đình chỉ sinh hoạt Đảng. Năm 1977 thầy chuyển ra Bắc trở lại với nghề dạy học. Không được về quê Đông Anh mà phải dạy cấp 2 bên xã Văn Môn, Yên Phong, Hà Bắc. Đó là những ngày khó khăn.  Lý lịch thầy giáo Tĩnh trĩu nặng dấu chấm hỏi về sự kiện bị địch bắt. 

Cấp ủy Hà Bắc ghi vào đơn tha thiết xin gia nhập Đảng của thầy giáo Nguyễn Duy Tĩnh đề nghị đồng chí giải thích tại sao bị bắt mà đồng chí không bị đánh đập hay bị đày ra Côn Đảo? Liệu có khai báo gì không? Mãi năm 1985 Tỉnh ủy Phú Khánh (Phú Yên - Khánh Hòa bây giờ) gửi công văn cho Tỉnh ủy Hà Bắc với nội dung đồng chí Tĩnh trong thời gian bị địch bắt đã giữ vững khí tiết không khai báo ảnh hưởng gì đến cơ sở…

Năm 1986 thầy giáo Nguyễn Duy Tĩnh mới được kết nạp lại! Rồi thầy phấn đấu trở thành hiệu phó rồi hiệu trưởng của ngôi trường cấp 2 Văn Môn. Năm 2002 thầy về hưu an lành. Tên thầy là Tĩnh do các cụ đặt. Ninh tĩnh nhi chí viễn. Có phải cái tâm tĩnh thì nghĩ xa và nuôi được chí bền không nhỉ?

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.