Chất vấn tại kỳ họp Quốc hội:

Chuyển hồ sơ 4 dự án ngàn tỷ sang Bộ Công an

TP - Bốn dự án được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, gồm: Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) Quảng Ngãi; Dự án Nhà máy Sản xuất NLSH Phú Thọ; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

Phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật

Chiều 1/11, bày tỏ sự đồng tình với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ, nhưng ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đang có rất nhiều vấn đề phức tạp, nếu càng để lâu thì tình trạng thiệt hại và khó khăn lại càng gia tăng. Khó khăn cả về tranh chấp đối với các nhà thầu và chủ đầu tư và đặc biệt đời sống gần 5 nghìn công nhân gang thép Thái Nguyên. Từ đó, ông đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương quan tâm giải quyết, xử lý dự án trên. Ông cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng thanh tra Chính phủ trả lời thêm về tiến độ xử lý sai phạm xảy ra tại 12 dự án để Quốc hội và nhân dân tham gia giám sát việc xử lý vi phạm.

Chuyển hồ sơ 4 dự án ngàn tỷ sang Bộ Công an ảnh 1  Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)
Trả lời nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, trong 12 dự án thua lỗ, Thanh tra Chính phủ thanh tra trực tiếp 6 dự án. Đến nay, đã thông báo kết luận 4 dự án theo quy định, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi; Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ; Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước; Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ 4 dự án cho cơ quan điều tra. Riêng Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và dự án Đạm Hà Bắc, ông Khái cho biết, đã có dự thảo kết luận thanh tra. “Chúng tôi đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng”, ông Khái cho biết.
Chuyển hồ sơ 4 dự án ngàn tỷ sang Bộ Công an ảnh 2 Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái  
Đối với 6 dự án còn lại, theo ông Khái, Chính phủ giao Thanh tra Bộ Công Thương thanh tra 5 dự án và Thanh tra tỉnh Lào Cai thanh tra 1 dự án. Hiện 6 dự án này đã có kết luận.“Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm sẽ rà soát cùng với bộ và tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi thấy kết luận của thanh tra bộ, thanh tra tỉnh là đúng quy định của pháp luật”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói và kiến nghị các cơ quan chức năng sớm thực hiện những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, góp phần sớm đưa những dự án vào khai thác có hiệu quả.

Sẽ cụ thể hóa quy định từ chức 

Trả lời chất vấn đại biểu về cụ thể hóa quy định “cán bộ chủ động từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực và uy tín” được nêu trong Nghị quyết T.Ư 8, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu để ban hành một hình thức văn bản. Ví dụ, nghị định hướng dẫn cụ thể những văn bản của Quốc hội hay Luật Cán bộ, công chức. Qua việc từ chức thì có hình thức tự nguyện. Nếu không từ chức, có vi phạm và nếu bỏ phiếu tín nhiệm không đạt theo quy định thì vẫn bị bãi nhiệm. Và trách nhiệm pháp lý đối với những vi phạm (nếu có) của cán bộ, công chức đó thì vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, hay việc xử lý hành chính, bị kỷ luật Đảng theo đúng quy định của pháp luật.

Truy chất lượng cao tốc 34 nghìn tỷ

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nói rằng cử tri rất lo lắng về chất lượng của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư hơn 34 nghìn tỷ đồng. “Tỉnh Quảng Ngãi đã có những văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) nhưng chưa được trả lời. Vậy trách nhiệm của bộ trưởng và giải pháp trong vấn đề này như thế nào? Bao giờ giải quyết những bức xúc của cử tri?”, bà Trang nêu.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, liên quan đường gom và GPMB, việc này thuộc thẩm quyền của địa phương, cần thực hiện rốt ráo hơn. Việc nhà dân bị nứt sẽ được đền bù thông qua các cơ quan chức năng, như Sở Xây dựng. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng các cấp, phối hợp với VEC khảo sát, lập chi tiết đền bù cho người dân. “Tôi xin nhắc lại tiền này đã có trong dự án, nếu làm nhanh thì tiền đưa về dân nhanh nhất”, ông Thể khẳng định.

Ông Thể cho biết, theo Nghị định 131, VEC đang trực thuộc Ủy ban quản lý vốn, là một cơ quan thuộc Chính phủ. “Chúng tôi xin cam kết sẽ phối hợp với Ủy ban và chính quyền địa phương, chỉ đạo VEC thực hiện trách nhiệm của mình một cách tốt nhất”, ông nói.

Về dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Thể nói rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay liên quan quy định tại Thông tư 75 của Bộ Tài chính. Cụ thể, ngân hàng cấp tín dụng được tính lãi suất khoảng 7,5%, trong khi mức mà các ngân hàng cho vay với công trình tương tự khoảng 10,5%. Đây là một sự chênh lệch rất lớn, nhà đầu tư hay ngân hàng đều không thể chấp nhận lỗ 3%. Ông Thể cho biết sắp tới, Thủ tướng sẽ chủ trì một cuộc họp giải quyết dứt điểm vấn đề chênh lệch lãi suất. Sau khi Thủ tướng có quyết định về vấn đề này, chắc chắn dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ.

Bộ trưởng GD&ĐT nhận trách nhiệm về lãng phí SGK

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) về lãng phí sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận “ việc lãng phí là có thật”. Bộ đã chỉ đạo các giải pháp, nhằm hạn chế sự lãng phí trong một số SGK, đã có nội dung hướng dẫn cho các thầy giáo và học sinh không viết kết quả vào SGK. Bộ đã tổ chức tập huấn giáo viên và hướng dẫn học sinh sử dụng SGK để tiết kiệm, được bền lâu. Với trách nhiệm của bộ trưởng, ông Nhạ cũng xin nhận trách nhiệm về việc này.

MỚI - NÓNG