Chuyện hai chị em cùng là quán quân Sao Mai

Chuyện hai chị em cùng là quán quân Sao Mai
TP - Là em ruột của Lương Nguyệt Anh - quán quân Sao Mai 2011 dòng dân gian, Lương Hải Yến - quán quân Sao Mai 2019 dòng thính phòng gặp nhiều thuận lợi khi bước vào sự nghiệp. Tuy nhiên vẫn có những khó khăn trở ngại cô phải tự mình vượt qua. Sau Sao Mai, Hải Yến dự định chinh phục những cuộc thi quốc tế. Hai chị em quán quân cũng dự định sẽ ra album chung.

Bạn ảnh hưởng gì từ chị trong lựa chọn nghề nghiệp?

Mặc dù gia đình có truyền thống âm nhạc, bố mẹ tôi hát chèo, hát quan họ rất hay, nhưng khi tôi học cấp 3 cần định hướng nghề nghiệp thì chị tôi không ủng hộ cho tôi theo nghề đâu. Chị nói làm ca sĩ vất vả. Lúc đấy tôi học văn hóa cũng khá tốt, trước đây tôi từng có ý nghĩ hay mình học luật hay báo chí để… hỗ trợ cho chị. Nhưng rồi tôi quyết theo âm nhạc.

Khi tôi đỗ cả hai trường Đại học Nghệ thuật Quân đội và Học viện Âm nhạc Quốc gia, chị mới ủng hộ và hướng tôi theo Học viện. Chị tôi giành giải quán quân ngày 4/9/2011 thì ngày 5/9/2011 tôi bước chân vào Học viện Âm nhạc Quốc gia dự khai giảng.

Xuất phát điểm tôi có chất giọng được thầy cô đánh giá tốt nên chị cũng muốn tôi cố gắng để giành giải quán quân như chị. Trong quá trình học, chị vẫn cứ dạy tôi dù dòng nhạc của hai chị em khác nhau. Chị nói trưng trổ kỹ thuật chỉ để đi thi thôi còn đi hát đi diễn phải đặt tình cảm của mình vào đấy. Chị dạy tôi hát cả dân gian nữa. Nên đi diễn tôi vẫn hát dân gian khá nhiều.

Bạn muốn học trường Quân đội hơn vì thích nhạc nhẹ?

Đơn giản là tôi muốn theo binh nghiệp, muốn được mặc quân phục. Hồi ở nhà đi thi, đi hát tôi cũng toàn chọn những bài âm hưởng thính phòng hoặc dân gian, mà hồi cấp 3 tôi chỉ biết là những bài “cao cao” như Bóng cây K’nia hay Cô gái vót chông. Vào nhạc viện, tôi mới biết thế nào là thính phòng, là dân gian.

Thực tế hiện ca sĩ thính phòng trụ được trong thị trường vẫn ít hơn nhiều so với ca sĩ dòng dân gian. Bạn có lo ngại khi đi theo dòng này?

Tôi muốn được như chị Lan Anh. Tôi may mắn được học chị 8 năm rồi. Và chị được mệnh danh là con chim sơn ca của dòng nhạc thính phòng. Khi chị cất tiếng hát ai cũng đều yêu thích. Tôi mong muốn mình không được bằng hẳn như chị thì cũng gần gần bằng. Tôi cũng ước mơ làm giảng viên.

Chuyện hai chị em cùng là quán quân Sao Mai ảnh 1

Lương Hải Yến quán quân Sao Mai 2019 từng có thời gian học ở Ý. Ảnh: Huy Lee

Quá trình thi Sao Mai, bạn gặp khó khăn trở ngại gì?

Trở ngại lớn nhất trong cuộc thi vừa rồi là sức khỏe. Đêm đầu tiên hát Nữ hoàng bóng đêm (aria trích trong vở Cây sáo thần của Mozart), tôi bị mất hết tiếng vì bị ốm sốt, do đi quay hình ngoài trời trên đảo vào lúc ở Hạ Long rất lạnh mà bọn tôi mặc rất ít đồ. Sau hôm đấy tôi đau họng, ho. Tôi lo lắng quá mấy đêm liền không ngủ nên bệnh càng nặng. Đến đêm thi, trước lúc lên sân khấu tôi vẫn bị mất tiếng, cứ nghĩ không hát được nhưng may mắn, tôi không hiểu có một sự huyền diệu nào mà lên sân khấu tôi vẫn hát cực kỳ cháy. Lúc lên cao mọi người còn đánh giá tôi hát tốt hơn khi tập. Thi xong tôi lại bị mất tiếng đến mấy ngày sau. Sau đêm thi đấy tôi rút ra bài học: sức khỏe và cổ họng là cái quan trọng nhất với ca sĩ.

Một số người thắc mắc về việc bạn phải giảm tông khi hát bài đó. Bạn có thể giải thích?

Tất nhiên trong opera, mỗi aria đều viết riêng cho loại giọng đó và khi hát phải hát nguyên bản, không được phép hạ tông. Nhưng đây là dòng thính phòng của cuộc thi Sao Mai, không phải thi opera nên giảm tông là chuyện hết sức bình thường. Trong trường lúc nào tôi cũng hát nguyên bản. Chỉ thi Sao Mai tôi mới hạ nửa tông vì tôi nghĩ lời Việt mà hát cao quá không thể nào tròn vành rõ chữ được. Chứ không phải tôi không đủ khả năng để hát chuẩn bài đấy. Mùa thi trước đã có thí sinh hát bài này và giảm tông rồi. Nếu hát trên sân khấu Sao Mai với những tông quá cao sẽ rất chói, không thể nghe được.

Dự định của bạn sau khi tốt nghiệp đại học tháng 6 này?

Tôi định học tiếp sau đại học, tôi cũng đang trăn trở không biết học ở Việt Nam hay nước ngoài. Vì tôi may mắn có thời gian gần 1 năm đào tạo ở Ý sau khi học xong năm thứ ba trung cấp bên này. Nếu ở lại học tiếp tôi sẽ được nhận học bổng nhưng vì trục trặc về visa, tôi phải về nhà làm lại. Đi cùng tôi có nhiều bạn học các ngành khác cũng đều bị trục trặc giấy tờ, có lẽ do bên làm thủ tục chưa có kinh nghiệm. Về nước mọi người giữ tôi ở nhà. Với lại sang đấy tôi nhớ nhà lắm, khóc suốt, gầy tọp đi. Cái gì cũng có giá trị nhất định. Nếu tôi học bên đấy chắc gì đã được giành quán quân như thế này!

Bạn có thể tiết lộ gì về sản phẩm sắp tới của hai chị em?

Trước khi tôi thi Sao Mai, hai chị em có dự định ra album chung rồi. Giờ cả hai may mắn đều là quán quân có thể nói là một điều đáng tự hào và cũng là một yếu tố khác lạ khi ra sản phẩm chung. Về âm nhạc, chị tôi lên ý tưởng hết. Tôi dù sao cũng là sinh viên còn bỡ ngỡ. Nếu sắp tới đi hát có tiền tôi sẽ đầu tư cùng chị làm, còn không thì chị tôi cũng sẽ chi hết.

Quán quân 2011 nói về em gái

“Trước đây tôi không muốn Yến theo nghệ thuật vì em nhút nhát. Riêng học nghệ thuật ngoài sự kiên trì đòi hỏi nhiều tố chất của nghệ sĩ. Như tôi ai bảo tôi hát, tôi hát ngay. Riêng Yến cứ phải nói mãi em mới dám lên hát, dù giọng tốt. Em tôi có giọng chuyển bẩm sinh, hồi chưa đi học đã hát những bài khó như Miền xa thẳm. Sau thời gian học ở Ý càng thêm vững vàng. Bản thân tôi trước khi đi học chuyên nghiệp cũng chưa có giọng chuyển.

Ở vị trí khán giả của Sao Mai, không chỉ riêng tôi mà nhiều anh chị trong nghề cũng thấy Yến trưởng thành qua từng vòng. Đến bài thi trong đêm cuối cùng là tác phẩm lớn, chạy nốt cực khó mà em gần như đáp ứng 90% kỹ thuật bài hát yêu cầu. Tất cả các bài em thi đều được tôi chọn và tư vấn.

Tôi đang hướng Yến tới các cuộc thi quốc tế lớn, nhưng khi ra sản phẩm vẫn phải hướng tới khán giả. Tôi và nhiều anh chị đánh giá Yến là một giọng soprano hiếm, chuyên gia nước ngoài nghe đều thích và cứ đà này em sẽ không dừng lại ở Việt Nam".

Ca sĩ Lương Nguyệt Anh

MỚI - NÓNG