Vốn yêu thích hoa lan, chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền (ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) đã khởi nghiệp bằng cách phá bỏ hơn 4 ha đất trồng cao su kém hiệu quả để chuyển sang trồng lan và mạnh dạn đầu tư làm hệ thống tưới nước tự động với quy trình phun thuốc và bón phân hiện đại. Số tiền mà chị Huyền đầu tư cho dự án này là trên 10 tỷ đồng. Thành quả từ vườn lan Huyền Thoại mà chị vun đắp đến nay đã đơm hoa. Hơn 150.000 gốc lan các loại, cung cấp hàng nghìn cành mỗi ngày cho nhiều chợ, siêu thị ở các thành phố lớn và xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Huyền hơn 2 tỷ đồng/năm.
Chị Huyền cho rằng, nông dân hiện đại nếu không đầu tư, tận dụng chất xám trên đồng ruộng, ứng dụng công nghệ cao thì chỉ có thất bại. “Tôi đang có kế hoạch đầu tư hệ thống cấy mô để nhân giống lan. Tôi đã sang nước ngoài tham khảo rồi, bây giờ chỉ cần trang bị kiến thức trước khi đầu tư hệ thống này. Có hệ thống cấy mô sẽ giúp chúng tôi làm chủ khâu sản xuất giống, giảm được chi phí cây giống, đồng thời có thể cung cấp cho các hộ khác”, chị Huyền nói.
Không chấp nhận tình trạng “nuôi tôm ba thắng, bảy thua”, anh Phạm Duy Khánh (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ) tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Với diện tích ao 3 ha, anh Khánh áp dụng mô hình nuôi tôm chân trắng theo quy trình kết hợp nuôi ghép cá rô phi và mô hình nuôi tôm chân trắng theo quy trình Biofloc. Từ mô hình này, sản lượng và lợi nhuận ngày càng tăng, thu nhập của anh tăng gấp đôi so với kiểu nuôi trồng truyền thống, mang lại lợi nhuận cho gia đình anh Khánh khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Tại hội nghị công nghệ sinh học (CNSH) toàn quốc khu vực phía Nam diễn ra tại TPHCM ngày 31/10, TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM cho biết, thành phố rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Việc chuyển giao công nghệ cho nông dân thông qua các trung tâm khuyến nông bằng cách hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đưa các giống mới vào (như chọn tạo giống hoa lan), xây dựng các nhà lưới có ứng dụng hệ thống tưới tự động kết hợp với cung cấp dinh dưỡng hoặc hướng dẫn bà con dùng các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…
“CNSH là nông nghiệp kỹ thuật cao, trình độ của bà con nông dân lại hạn chế nên khi chuyển giao không thể đưa một lúc nhiều biện pháp vào mà phải chọn lựa tùy theo điều kiện đầu tư của người nông dân”, ông Xô cho biết.
Cũng theo TS Xô, CNSH còn khá mới mẻ, vốn đầu tư lớn trong khi rủi ro lại rất cao nên hiện nay, các doanh nghiệp tham gia còn rất ít. Trước mắt, trung tâm CNSH ưu tiên nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp vì dễ thành công, có thể ứng dụng ngay và thời gian thu hồi vốn nhanh.
Theo TS Dương Văn Xô, TPHCM đã có những chính sách thu hút các nhà khoa học có uy tín, năng lực như cho phép trung tâm hợp đồng, thuê các chuyên gia đầu ngành về CNSH về làm việc tại trung tâm và có thể trả lương tới 150 triệu đồng/tháng.