Ngày 18/7, các Sở GD&ĐT trên toàn quốc công bố điểm thi thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Ảnh: Mạnh Thắng |
Nhưng từ ngày 10/7, thí sinh có quyền đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, trong khoảng thời gian 10-30/7, thí sinh sẽ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học 2023 trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ không giới hạn nguyện vọng, không giới hạn số lần điều chỉnh.
Bà Thủy cho biết năm nay, để hỗ trợ thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển, tránh sai sót không đáng có do đăng ký nhầm tổ hợp và phương thức xét tuyển, Bộ GD&ĐT đã cập nhật một số yếu tố kỹ thuật trên hệ thống. Thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành/chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học mà không đăng ký phương thức xét tuyển, hay tổ hợp xét tuyển.
Cơ sở giáo dục đại học sẽ dùng dữ liệu thí sinh có (điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi đánh giá tư duy, điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế, điểm thi tốt nghiệp THPT...) để lựa chọn phương thức xét tuyển tốt nhất, cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành học thí sinh đã đăng kí.
Ví dụ thí sinh muốn đăng ký vào ngành A của một trường đại học. Ngành học A lại có 5 phương thức xét tuyển, trong đó dữ liệu của thí sinh có thể tham gia xét tuyển 4/5 phương thức. Thí sinh chỉ cần nhập lên hệ thống các minh chứng cần thiết, phần mềm sẽ xử lý để xác nhận thí sinh trúng tuyển bằng một phương thức mà thí sinh đủ điều kiện đỗ. Việc này sẽ hạn chế tối đa những lỗi mà thí sinh có thể mắc phải khi đăng ký trên hệ thống như nhầm phương thức xét tuyển, nhầm mã tổ hợp...
"Tôi cho rằng thí sinh không nên đăng ký quá nhiều hay đăng ký quá ít nguyện vọng. Đặc biệt đừng bao giờ chỉ đặt duy nhất một nguyện vọng để tránh rủi ro", bà Thủy nói.
Đồng thời cho rằng thí sinh cần có lựa chọn thông minh, và nên mạnh dạn đăng ký những nguyện vọng với những ngành học đam mê, yêu thích lên thứ tự đầu tiên. Vì khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, kể cả không nhập học thí sinh không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng 2, 3, 4 trong đợt 1 tuyển sinh. Trong khi đó, với các trường top đầu, cơ hội xét tuyển bổ sung rất thấp.
Đối với các nguyện vọng thí sinh trúng tuyển sớm, bà Thủy khẳng định không có nghĩa là thí sinh trúng tuyển chính thức. Thí sinh chỉ trúng tuyển chính thức khi đăng ký các nguyện vọng đó trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT và hệ thống lọc ảo sẽ xử lý các nguyện vọng để mỗi thí sinh chỉ có thể trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất (nếu đủ điều kiện).
"Do đó, nếu bỏ qua việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến trên hệ thống chung của Bộ là thí sinh đã bỏ mất cơ hội trúng tuyển của mình dù trước đó đã được các trường thông báo trúng tuyển tạm thời ở các phương thức xét tuyển sớm", bà Thủy đặc biệt lưu ý.
Mặt khác, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin trong đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo, cũng như quy chế tuyển sinh. Việc thực hiện đăng ký xét tuyển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về điều kiện hồ sơ, quy trình và thời gian dự tuyển. Bên cạnh đó, tìm hiểu kỹ tài liệu hướng dẫn và phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Thí sinh chưa rõ các nội dung khai báo, nộp lệ phí xét tuyển có thể liên hệ với cán bộ tại các điểm tiếp nhận hoặc cán bộ của cơ sở đào tạo trực các số điện thoại hỗ trợ công tác tuyển sinh để được hướng dẫn.
Với thí sinh tham gia xét tuyển sớm và đã trúng tuyển có điều kiện, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm cập nhật kết quả lên hệ thống để các em chủ động lựa chọn thứ tự nguyện vọng khi thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Thực tế năm trước có những thí sinh tưởng đã trúng tuyển nhưng lại bị loại khi nhập học, nguyên nhân từ hậu kiểm. Vì thế, thí sinh phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường để tìm hiểu kỹ các điều kiện sơ tuyển.