Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho biết: Hiện tại, trên dòng chính sông Mekong ở Lào có 2 đập thủy điện đã và đang xây dựng là Xayaburi và Don Sahong. Còn thủy điện Luang Prabang có công suất 1,410 MW nằm cách thị trấn Luang Prabang Lào 30km. Trong dự án này Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) của Việt Nam sẽ tham gia 38%, phía Lào góp 25% và các đối tác khác góp 37%.
Vị chuyên gia cho biết, các nghiên cứu của Đan Mạch, Ủy hội sông Mêkông (MRC)…cũng chỉ ra, nếu xây dựng thủy điện Luang Prabang việc động đến Việt Nam là rất rõ. Trong đó, việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân đang sống dựa vào con sông này.
Thực tế, nguồn nước sông Mekong những năm gần đây đã có những biến động bất lợi đặc biệt đối với Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đây là hậu quả của ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và việc xây dựng những con đập trên dòng chính.
Do vậy, việc xây dựng thêm nhiều đập trên dòng chính sẽ càng làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn như: Suy giảm trầm tích khiến cho đồng bằng không được kiến tạo, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn, mùa lũ về muộn, thiếu nước, người dân phải khai thác nước ngầm để sử dụng, việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đe dọa đến sinh kế, đẩy nhanh quá trình di cư…
Theo TS Đào Trọng Tứ, hiện tại, việc xây dựng thủy điện Luang Prabang còn nhiều tranh luận, phức tạp. “Tuy nhiên, nếu các quốc gia đã chung nhau một dòng sông thì phải “chơi” theo luật, cần sự hợp tác để hạn chế những tác động xấu đến hạ du của Việt Nam”- TS Tứ nói.
TS Tứ cũng cho biết, VRN cũng đã đề nghị PV Power và các cơ quan chức năng xem xét lại việc đầu tư vào dự án Thủy điện Luang Prabang tại Lào.