Hàng trăm đại biểu đến từ Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc… và nhiều tổ chức quốc tế tập trung thảo luận 5 chủ đề, gồm Các hành lang kinh tế; Sông ngòi, sự phát triển và tính đa dạng; Sự gắn kết giữa nước, đất và hệ sinh thái; Chuyển đổi ngành năng lượng và Đổi mới quản trị.
Các đại biểu nhất trí với nhiều ý kiến, đề xuất của phía Việt Nam về vấn đề quản lý, chia sẻ nguồn nước sông Mekong nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước và nguồn lợi thủy sản bền vững. Ở vùng hạ lưu sông Mekong, thủy sản đem lại nguồn sinh kế cho hàng triệu người, nên rõ ràng cần giảm thiểu tác động tiêu cực của các đập thủy điện bằng biện pháp tổng thể, trong đó có giải pháp kỹ thuật như không cản trở luồng cá di chuyển, không để lắng đọng phù sa trong hồ chứa…
Đồng thời, tăng cường hợp tác về phát triển và chia sẻ nguồn nước theo các nguyên tắc của Công nước Liên Hợp Quốc về nguồn nước năm 1997. Việc phát triển thủy điện ở hạ lưu sông Mekong cần phù hợp với các nguyên tắc, điều khoản của Hiệp định Mekong năm 1995, triệt để tuân thủ quy trình thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước (PNPCA). Các nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mekong một khi được phát triển phải tuân thủ đầy đủ hướng dẫn về thiết kế sơ bộ đối với các nhà máy thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong.
Các nước nên thành lập cơ chế xuyên quốc gia để điều phối hoạt động của bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mekong để giảm thiểu tác động tiêu cực tới các nước trong lưu vực sông. Ngoài ra, nên tăng cường cơ chế hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mekong với cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương trong ngắn hạn để thúc đẩy chia sẻ thông tin, dần dần thiết lập nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa các nước trong lưu vực.