Chuyên gia nói phương Tây sẽ lắng nghe thông điệp của Tổng thống Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa đề xuất "một cuộc đối thoại chiến lược" trên cơ sở bình đẳng, và những thông điệp của ông "chắc chắn sẽ được phương Tây lắng nghe", Andrey Bystritsky - người đứng đầu Quỹ Phát triển và Hỗ trợ Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, nói với hãng thông tấn Tass.
Chuyên gia nói phương Tây sẽ lắng nghe thông điệp của Tổng thống Nga ảnh 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ nhậm chức ngày 7/5. Ảnh: Reuters

Ông Bystritsky nhắc lại rằng, trong bài phát biểu nhậm chức hôm 7/5, Tổng thống Nga Putin đã nhấn mạnh Mátxcơva "không từ chối đối thoại với các nước phương Tây, quyền lựa chọn là ở họ: Liệu họ sẽ tiếp tục chính sách đối đầu hay tìm kiếm con đường hợp tác".

"Tổng thống Putin đã đề xuất một mô hình chung nhất định, một giải pháp chung nhất định cho hệ thống an ninh, một cuộc đối thoại chiến lược cần được tiến hành trên cơ sở bình đẳng và phải đáp ứng nguyện vọng công bằng của tất cả các nước, trong đó có Nga”, ông Bystritsky nói.

"Những thông điệp của Tổng thống Putin chắc chắn sẽ được phương Tây lắng nghe. Không có gì phải nghi ngờ. Họ đang lắng nghe một cách cẩn thận. Không có gì chắc chắn đề xuất được đưa ra trong bài phát biểu nhậm chức sẽ dẫn đến hành động ngay lập tức. Nhưng phương Tây có cơ hội, bởi vì ngoài kia có những tiếng nói khác nhau. Chúng tôi đang chứng kiến một cuộc đấu tranh ý thức hệ ở đó".

Theo giải thích của ông Bystritsky, cộng đồng phương Tây đang bị chia rẽ. Có sự đối đầu gay gắt giữa "những người quyết tâm tìm kiếm giải pháp ngoại giao và những người đang cố gắng leo thang, tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine và tuyên bố có thể điều động lực lượng".

"Thế giới đang phải đối mặt với một cuộc thảo luận khó khăn về cách đạt được hòa bình, hòa hợp và an ninh cho tất cả mọi người mà không có ngoại lệ. Và trong bối cảnh này, chúng ta phải hiểu rõ thông điệp của tổng thống".

Trước đó, ngày 7/5, ông Vladimir Putin đã chính thức nhậm chức tổng thống Nga trong một buổi lễ tại Điện Kremlin.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Putin nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của đất nước là đảm bảo tăng trưởng dân số bền vững, bảo tồn truyền thống và tiếp tục phát triển trong quan hệ đối tác với các quốc gia trên toàn cầu.

Ông Putin cho biết Mátxcơva sẵn sàng đối thoại về an ninh và ổn định chiến lược, nhưng các bên tham gia đối thoại phải bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau.

Aydin Sezer - chuyên gia kinh tế và khoa học chính trị Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng thông tấn Tass rằng bài phát biểu nhậm chức của ông Putin đã nhắc nhở phương Tây về các nguyên tắc chính sách đối ngoại của Nga.

"Cả thế giới đang chăm chú theo dõi bài phát biểu của ông Putin sau lễ nhậm chức. Giữa làn sóng trừng phạt của phương Tây, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đất nước giữ vững lập trường, đoàn kết và mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền của mình. Có thể nói, do các lệnh trừng phạt và áp lực từ phương Tây, nước Nga đã trở nên đoàn kết hơn", ông Sezer nói. "Một điều quan trọng khác trong bài phát biểu của Tổng thống Putin là ông không bác bỏ quan hệ với phương Tây mà kêu gọi đối thoại, nhưng trên cơ sở bình đẳng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Đối với tôi, bài phát biểu này khiến tôi nhớ đến bài phát biểu ở Munich của ông Putin".

Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại Hội nghị An ninh Munich năm 2007, "ông Putin đã nói rằng thế giới đơn cực không có tương lai, và cần có một trật tự thế giới đa cực".

"Hôm nay, bài phát biểu nhậm chức là một lời nhắc nhở khác về các nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Nga, về đa cực, hợp tác ở Trung Á, về lợi ích an ninh của nước này. Trong điều kiện quốc tế ngày nay, việc lặp lại quan điểm này là rất quan trọng. Có thể thấy các nước thuộc nhóm nền kinh tế mới nổi BRICS, các nước Trung Á, châu Phi và các khu vực khác trên thế giới không muốn phương Tây trói tay họ".

Theo Tass
MỚI - NÓNG