Chuyên gia lên tiếng việc 40 năm tồn tại SGK của GS Đại bị loại 'thẳng cẳng'

Bộ SGK có sức sống 40 năm chắc chắn sẽ phải khác bộ SGK vừa được soạn mới tinh chưa được đi vào thực tế. Nhưng khi thẩm định thì sẽ có yêu cầu chung về kiến thức, nội dung, phương pháp triển khai. Ảnh: Hồng vĩnh
Bộ SGK có sức sống 40 năm chắc chắn sẽ phải khác bộ SGK vừa được soạn mới tinh chưa được đi vào thực tế. Nhưng khi thẩm định thì sẽ có yêu cầu chung về kiến thức, nội dung, phương pháp triển khai. Ảnh: Hồng vĩnh
TP - Hơn 40 năm tồn tại tuy có thăng - trầm nhưng chỉ qua một lần thẩm định, mọi thành quả của bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại bị dội một gáo nước lạnh 'không đạt'. 

PGS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng, chương trình mới so với chương trình hiện hành có khác biệt, nhưng cơ bản không trái ngược nhau. Đối với sách tiểu học, nếu chúng ta đủ cởi mở thì lấy sách Singapore, sách Hàn Quốc về điều chỉnh, sắp xếp lại cũng sẽ đạt được yêu cầu của chương trình toán.

PGS Lê Anh Vinh cho biết, bản thân chưa được xem sách công nghệ giáo dục mà GS Hồ Ngọc Đại nộp cho hội đồng thẩm định nên không dám nhận xét chuyên môn. Nhưng những gì mà mọi người nói là vượt, là khó thì cá nhân ông thấy là do cách dạy, nhiều khi áp đặt suy nghĩ của người lớn. Là người cũng dạy học sinh lớp 1 hệ cơ số (ví dụ, chúng ta có 10 ngón tay thì dùng hệ cơ số 10, Doreamon thì phải dùng cơ số 2 để đếm), tập hợp, các quy tắc cơ bản của tổ hợp..., PGS Lê Anh Vinh cho rằng, trẻ con học vui vẻ, tư duy tốt thì không có gì vất vả.

Chiều 17/9, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, băn khoăn, nhiều ý kiến của giáo viên, học sinh, nhân vật nổi tiếng đánh giá bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại tốt sao lại bị loại, có cảm giác hơi oan ức. PGS. TS Phạm Văn Tình cho rằng, cần phải xem xét điều này dựa trên luận chứng khoa học, tức là phải có điều tra kết quả bộ sách này và nhiều bộ sách khác. Chất lượng bộ sách quan trọng là chuẩn đầu ra của những người học bộ sách đó được hiển hiện định tính ra sao.

“Tôi cũng nhắc lại những nhận định bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại tốt là đúng, điều đó đáng mừng. Nhưng như tôi đã nói, SGK cải tiến có yêu cầu rất khác các loại sách khác. SGK phổ thông luôn luôn phải điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp để đuổi kịp dòng chảy chung của giáo dục”, PGS. Phạm Văn Tình nói.

Theo ông Tình, về thẩm định SGK có những lúc, hội đồng tranh cãi không khoan nhượng. Họ có trách nhiệm đưa ra bộ sách cho toàn dân học nên không thể xuề xòa. Vì vậy, ông cho rằng, bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại cũng có thể điều chỉnh được, nếu như GS Đại thấy rằng có thể sửa theo ý kiến của hội đồng. “Chúng ta không nên băn khoăn trong việc phải sửa nhiều chi tiết mà chúng ta chỉ nên băn khoăn việc sửa chi tiết có hướng đến định hướng và có tính khả thi khi sửa hay không”, ông Tình nói.

Nghi ngờ độ chuẩn của quy trình thẩm định

Liệu có hay không tình trạng hội đồng thẩm định thiên vị bộ SGK này mà loại bộ SGK kia? “Theo tôi biết, 15 thành viên được lựa chọn cẩn thận gồm các nhà chuyên môn, nhà giáo dục, giáo viên. Và tôi cũng chắc không có chỉ thị nào coi trọng bộ SGK nọ, bộ SGK kia”, PGS Phạm Văn Tình nói. Trước câu hỏi của phóng viên rằng thẩm định SGK đang dựa trên 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí, 40 chỉ báo trên giấy mà không dựa vào đánh giá của thực tiễn thì có hợp lý không, PGS Phạm Văn Tình cho rằng, thông tin 40 năm là thông tin tham khảo để nhìn nhận một bộ SGK.

Còn khi đưa vào thẩm định, lựa chọn thì phải có tiêu chí để đánh giá. Các tiêu chí này bình đẳng với mọi bộ SGK. Vấn đề các bộ SGK có “nhảy qua” được mức xà đó không. Ông Tình nhìn nhận, một bộ SGK có sức sống 40 năm chắc chắn sẽ phải khác bộ SGK vừa được soạn mới  tinh chưa được đi vào thực tế. Nhưng  khi thẩm định thì sẽ có yêu cầu chung về kiến thức, nội dung, phương pháp triển khai. Còn việc bộ SGK đó đưa ra trong thực tế được nhận xét tốt hay không tốt thì chỉ là một kênh  tham khảo.

Vậy hội đồng thẩm định có vội vàng khi quyết định về bộ SGK của GS. Hồ Ngọc Đại? Ông Tình cho rằng, đây là điều phải suy nghĩ. Nhiều người thích, nhiều người học không phải là tiêu chí bắt buộc để đưa vào thẩm định. Còn vội vàng hay không thì phải xem quy trình có vội hay không. Bản thân quy trình được áp dụng có thể không khoa học hoặc không phù hợp với thực tế nên bỏ sót hoặc bắt lỗi sai. Vì vậy, Bộ GD&ĐT phải đánh giá lại quy trình đó có phù hợp không. Nếu hội đồng thẩm định làm đúng yêu cầu thì không có lý do gì để nói họ làm sai.

Trong khi đó, tài liệu mà Tiền Phong có được khi đánh giá đổi mới phương pháp dạy học cấp tiểu học đối với các mô hình giáo dục, trong đó có tiếng Việt công nghệ của Bộ GD&ĐT trong 3 năm  2016-2019 của Bộ GD&ĐT cho thấy, kết quả học tập của học sinh về kiến thức: Đa số học sinh nắm chắc cấu tạo ngữ âm tiếng Việt nên đều đọc được và đọc tốt; nắm chắc các quy tắc chính tả, học đến đâu chắc đến đó, không bị nhầm lẫn khi viết chính tả; đặc biệt học sinh được rèn nền nếp học tập ngay từ những ngày đầu vào lớp 1.

Kĩ năng: Học sinh thành thạo các thao tác; hiểu và thực hiện tương đối tốt các lệnh trong quá trình học; được tham gia tích cực vào các hoạt động học tập, học sinh có kĩ năng đọc và nghe - viết chính tả tốt; Thái độ: Học sinh hứng thú học, yêu thích môn học; Năng lực, phẩm chất: Học sinh chủ động, tự tin tham gia các hoạt động học tập; thông qua việc làm, các thao tác học, tự tìm ra và chiếm lĩnh tri thức, được phát huy khả năng tư duy và năng lực tối ưu của bản thân một cách nhẹ nhàng, hứng thú.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.