Chuyên gia: Đẩy bến xe ra ngoại thành là ngược xu thế?

Để giảm thời gian, chi phí đi lại, chuyên gia cho rằng các bến xe khách cần được bố trí ở khu vực trung tâm thành phố. Ảnh: A.Trọng
Để giảm thời gian, chi phí đi lại, chuyên gia cho rằng các bến xe khách cần được bố trí ở khu vực trung tâm thành phố. Ảnh: A.Trọng
TPO - Để tạo điều kiện cho hành khách đi lại, tiếp cận các bến xe nhiều thành phố, đô thị lớn trên thế giới đã bố trí các bến xe khách nằm trong khu vực trung tâm. Tuy nhiên, ở Hà Nội và một số đô thị tại Việt Nam đang làm ngược lại khi có kế hoạch chuyển các bến xe ra xa nội thành.

Sáng 30/8 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp bến xe”.

Cho ý kiến tại hội thảo này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, những rối loạn trong vận tải, giao thông đường bộ hiện này có phần nguyên nhân từ sự thiếu đồng bộ, chưa bắt kịp thực tế của quy định, cơ chế. Vì vậy, pháp luật về giao thông đường bộ cần phải được thay đổi, bãi bỏ những quy định theo hướng đóng, can thiệp sâu nhưng hiệu quả không cao.

Đề cập đến công tác quản lý, quy hoạch bến xe đang được dư luận quan tâm những ngày qua, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hiện các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội quan niệm, đẩy các bến xe khách ra xa trung tâm thành phố sẽ giảm được xe cá nhân, ùn tắc. Tuy nhiên, quan niệm này cần phải nhìn nhận lại, đặc biệt là việc đi lại và chi phí người dân phải bỏ ra.

Đơn cử cho việc này, ông Thanh dẫn chứng: Chỉ tính riêng ở Hà Nội, nếu sắp tới chuyển 4 bến xe hiện hữu gồm Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm ra ngoại thành, hành khách sẽ phải sử dụng 30.000 phương tiện các loại/ngày để đi và đến các bến xe bị di chuyển. Cùng với đó, ông Thanh cũng cho rằng, nếu tính trung bình một hành khách hết khoảng 60.000 đồng/lượt di chuyển tới bến xe và mỗi ngày có khoảng 120.000 hành khách thì chỉ riêng việc đi và đến các bến xe Hà Nội đã mất 7,2 tỷ đồng. “Bến xe nằm xa trung tâm, quãng đường đi xa, chi phí vận tải lớn cũng gây tâm lý ngại ra bến của hành khách. Đây không chỉ là thất bại về công tác quản lý và còn tạo điều kiện tốt để xe dù, xe hợp đồng phát triển rầm rộ”, ông Thanh cảnh báo.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cũng cho rằng, việc lập bến xe mới, di chuyển bến xe ra xa trung tâm có giảm ùn tắc ở một số điểm nhưng lại gây ùn tắc ở nơi khác chứ không giải quyết đươc triệt để, đồng bộ.

Cần có bến xe cao tầng trong nội đô

TS Nguyễn Xuân Thuỷ nêu thực tế, quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội hiện nay chỉ chiếm 7-8 %, trong khi yêu cầu là 20-25%. “Đây mới là nguyên nhân cơ bản khiến vấn nạn ùn tắc và tai nạn giao thông ngày càng trầm trọng. Do vậy, cùng với việc giữ lại các bến xe để tăng kết nối, tăng quỹ đất cho giao thông khu vực nội đô, cơ quan chức năng cần phải thực hiện tốt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc ngăn chặn có hiệu quả việc cấp phép nhà cao tầng trong nội thành”, ông Thủy nói.

Trong phần thảo luận đưa ra giải pháp, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, vì những nguyên nhân đã nêu ở trên nên không đẩy các bến xe khách ra xa trung tâm thành phố. “Với những đô thị lớn, đô thị đặc biệt quỹ đất hạn chế không thể mở rộng thêm bến xe thì có thể xây dựng các bến xe cao tầng, bến xe ngầm thay vì di chuyển”, ông Nguyễn Văn Thanh nêu ý kiến.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội đề nghị, giữ lại những bến xe khu vực tập trung dân cư kể cả nội thành và ngoại thành. Để thực hiện tốt, đồng bộ việc này, ông Liên cho rằng, cơ quan chức năng phải thực hiện tối sự phân luồng giao thông theo quy hoạch luồng tuyến, trong đó có các hướng: Đông - Tây - Nam - Bắc, khắc phục xe chạy xuyên tâm vào giờ cao điểm. Cùng với đó, cần xây dựng thêm các bến xe vệ tinh theo các hướng, cho phép xe từ bến trung tâm vào bến xe vệ tinh đón trả, khách; vì như xe ở bến xe Mỹ Đình có thể vào bến: Nam Thăng Long; bến Giáp Bát có thể vào bến xe Thường Tín...

MỚI - NÓNG