Ám ảnh chìm tàu
“Cuộc đời đáng sống biết bao!”, Vũ Văn Hà (SN 1982), chàng ngư phủ xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), người thoát chết thần kỳ sau khi tàu cá của anh bị bão tố đánh đắm cách đây 7 năm, đã nói với tôi như vậy. Giờ đây, khi đã có một cuộc sống mới,song những ký ức kinh hoàng về chuyến tàu định mệnh mang số hiệu NA 90249 TS vẫn khiến chàng trai miền bãi ngang có gương mặt sạm đen, thân hình rắn chắc ấy chưa hết bàng hoàng: “33 giờ lênh đênh trên biển, giữa cảnh mưa dập gió vùi và đói, rét hành hạ… những ký ức đó tôi sẽ không bao giờ quên. Nhiều đêm tôi giật mình tỉnh giấc, mới biết mình thực sự còn sống”.
Anh Hà kể, ngày 20/11/2013, con tàu mang số hiệu NA 90249 TS do thuyền trưởng Nguyễn Minh Trí cùng 9 thuyền viên vươn khơi đánh bắt những mong ngày về sẽ đầy ắp cá tôm. Thủy thủ đoàn hầu hết là trai tráng sung sức. Ai nấy đều tự tin, hy vọng về một chuyến đi thắng lợi. Tàu rời lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) trực hướng Đông Nam. Cách bờ khoảng 80 hải lý (mỗi hải lý bằng 1,8km), thuyền trưởng cho các thuyền viên tắt máy, thả dù. Tấm dù bằng vải, rộng mấy chục mét được nối với bốn sợi dây buộc vào đuôi tàu, lúc thả xuống nước nó sẽ giúp tàu di chuyển với tốc độ chậm hơn. Vừa thong thả nổi trôi trên biển, tàu vừa dò tìm luồng mực.
"Nghĩ tới cảnh ngồi nhà ôm con nhỏ thức đêm trông tin chồng, không biết sống chết ra sao, tôi cũng sợ lắm. Nhưng vì cuộc mưu sinh, tôi chỉ biết cầu nguyện cho sóng yên biển lặng, mong mỗi chuyến biển chở niềm vui trở về”, chị Ngô Thị Đức
Sau một tuần đánh bắt xa bờ, ngày 27/11, trời bỗng nhiên trở gió. Mây xám theo gió Đông Bắc tràn về, nước chuyển màu và mặt biển bắt đầu xuất hiện những con sóng lớn. Bất chấp thời tiết xấu, con tàu vẫn bám trụ ngư trường, tiếp tục chong đèn, thả lưới. Đến rạng sáng 28/11, gió mỗi lúc một mạnh thêm. Những đợt sóng hung tợn tới tấp tấn công mạn tàu. “Khoảng 5 giờ sáng, thuyền trưởng ra lệnh cho anh em rút dù, thả neo. Vừa rút dù thì tàu quay ngang, sóng đánh rất mạnh khiến con tàu lắc lư, chao đảo.Một chiếc sào bị gãy khiến tàu mất thăng bằng. Bất thình lình, một con sóng ập tới, nước tràn vào khoang. Con tàu hoàn toàn mất phương hướng.Tiếp đó tàu hứng chịu nhiều đợt sóng dữ, khiến nó tê liệt hẳn và chìm dần”, chàng ngư phủ kể.
Trong phút chốc, con tàu vỏ gỗ trị giá gần 2 tỷ đồng cùng 10 thuyền viên bị sóng biển nuốt chìm. Mười thuyền viên nhưng chỉ có hai chiếc áo phao cứu sinh, họ phải chia nhau từng thời khắc bám mảnh lưới buộc vào tấm xốp rộng hơn 2m2, động viên nhau vượt qua nỗi sợ và thay phiên nhau khoác chiếc áo cứu sinh để sống sót.
“Tàu chìm, chúng tôi phát tín hiệu cầu cứu và cố bám vào tấm phao để sống. Nhưng rồi ai nấy đuối sức dần. Người khỏe hơn thì cố gắng giữ lấy người yếu. Sau gần 2 ngày vật lộn, mọi người đều mệt lử nhưng vẫn cố gắng bám vào chiếc phao. Đầu tiên là thằng Khiêm, nó mới mười sáu tuổi, nhỏ quá nên yếu sức, kiệt sức rồi buông tay ra, cứ thế chìm vào lòng biển cả. Sức lực của từng người cứ cạn kiệt dần. Chịu không nổi cái rét thấu xương và đuối sức sau nhiều giờ vật lộn với sóng to gió lớn, lần lượt từng người chết trước mặt tôi”, anh Hà kể.
Cuộc chiến sinh tử với biển cả đã cướp đi sinh mạng 8 thuyền viên trên con tàu xấu số, chỉ còn lại anh Hà và Hồ Vĩnh Lai (xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu). Qua một đêm dài lênh đênh trên biển trong làn nước giá lạnh, hai thuyền viên nhường nhau mặc chiếc áo phao và bám vào mảnh xốp mặc cho sóng đưa đẩy. Đói, hai anh em phải dùng tay cấu từng nắm xốp cho vào mồm nhai. Giữa bầu trời tối đen như mực, trên hành trình phiêu dạt, thi thoảng họ lại nhìn thấy một ánh đèn câu mực le lói đường chân trời. Khoảng cách quá xa, tiếng kêu cứu của họ lẫn trong ồn ào tiếng sóng. “33 giờ lênh đênh trên biển, mỗi lần đuối sức muốn lịm ngất, tôi lại nghĩ đến gia đình và tự nhủ tôi phải sống, nhất định phải sống”, anh Hà nhớ lại.
Gần 2 ngày chống chọi với bão tố, hai thuyền viên may mắn được tàu cá QB 92287 TS, do thuyền trưởng Nguyễn Trung Thành (quê ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cứu vớt, sơ cứu, mặc ấm và di chuyển vào đất liền, đoàn tụ cùng gia đình. Đến nay, sau nhiều lần cố gắng tìm kiếm của cơ quan chức năng và người nhà, thi thể 8 thuyền viên vẫn bặt vô âm tín.
Trở về từ cõi chết,chàng ngư phủ Vũ Văn Hà chưa bao giờ có ý định sẽ chuyển nghề khác mà vẫn kiên trì bám biển. Tôi hỏi: “Từ ngày đó, anh có sợ biển không?” - “Đã chọn nghề này rồi thì phải chấp nhận hiểm nguy, thậm chí phải sống chung với nó. Với tôi, tàu là nhà, biển cả là quê hương. Dân đi biển thì khó bỏ được nghề lắm”, anh cười nhẹ.Có lẽ, chỉ những ngư dân dành cả đời mình cho biển mới hiểu được vì sao họ cứ phải dấn thân vào cái nghề vốn đầy bất trắc. Đó không hẳn là kế sinh nhai duy nhất, mà là nghiệp đã trót mang.
“Khi đối mặt và cảm nhận rõ cái chết đang cận kề, nó kinh hoàng lắm! Nhưng không hiểu vì sao tôi vẫn muốn đi biển. Sau lần ấy, tôi cũng đã từng thử ở nhà đi làm thuê một năm nhưng rồi không làm được gì, phải trở lại với nghề cũ, mặc cho vợ con ngăn cản. Đã dấn thân vào nghề này thì tôi không còn nghĩ đến cái chết. Từ cõi chết trở về thì còn điều gì đáng sợ hơn với tôi nữa”, anh Hà trải lòng.
Vợ anh, chị Ngô Thị Đức (SN 1986) ngồi nơi bậu cửa vừa vá lưới thuê vừa bồn chồn khi nghĩ đến những ngày người chồng vẫn còn lênh đênh trên biển, nói vọng ra:“Anh ấy nói không sợ nhưng nhiều đêm đang ngủ tôi thấy anh giật mình thảng thốt, quơ tay kêu cứu. Tôi biết anh ấy vẫn còn ám ảnh chuyện cũ nhưng đã theo nghiệp biển thì khó mà dứt ra”.
Ở cái tuổi 38 nhưng anh Hà đã có hơn 20 năm gắn bó với biển. Anh tâm sự, khi mới 18-19 tuổi thường theo cha vượt sóng chinh phục biển: “Hành trình mưu sinh này không hề đơn giản, có lúc biển rất hào phóng, nhưng cũng có lúc vô cùng khắc nghiệt”. Anh cho biết, năm nào trời yên biển lặng, chỉ cần một ngày ra biển có thể mang về thu nhập 15-20 triệu đồng.Cũng nhờ chăm chỉ bám biển mà anh đã trả hết nợ ngân hàng và mua được một con tàu nhỏ. Tương lai gần, chàng ngư phủ 8X này sẽ cố gắng để sở hữu con tàu có công suất lớn hơn.Có lẽ, đây chính là sức hút mà những người đã nặng lòng biển khó bỏ nghề.
Trò chuyện với những người ngư dân Quỳnh Long, tôi thấy họ bao giờ cũng tin là biển sẽ giúp mình vượt qua khó khăn. Với những con tàu hiện đại, họ ra Bắc, vào Nam theo mùa và theo hướng di chuyển của đàn cá. Ngoài việc mưu sinh ra, họ còn góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Họ chưa bao giờ sợ hãi khi ra khơi.Có lẽ, đối với những ngư dân làng chài giờ đây, một ngày bắt được bao nhiêu cá, tôm không còn quá quan trọng.Quan trọng là được hoà mình với biển, tận hưởng niềm vui lao động trên biển. Biển giờ đây cũng không chỉ là nơi để mưu sinh, mà còn là cuộc đời.