Chuyển đổi số trước tiên là phải chuyển đổi về nhận thức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đảng bộ TP. Cần Thơ xác định rõ quan điểm chuyển đổi số phải hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế…

Với 3 mục tiêu chủ yếu là đổi mới công tác quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp thành phố; thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thay đổi phương thức sống, làm việc của người dân.

Để hiểu rõ hơn về chuyển đổi số và quyết tâm cũng như những kết quả bước đầu của việc chuyển đổi số ở thành phố, phóng viên Tiền Phong trao đổi với ông Phạm Văn Hiểu – Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ.

Chuyển đổi số trước tiên là phải chuyển đổi về nhận thức ảnh 1

Ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ.

Ông Phạm Văn Hiểu cho biết: "Đảng bộ thành phố xác định rõ quan điểm chuyển đổi số phải hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của thành phố, với 3 mục tiêu chủ yếu là: đổi mới công tác quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp thành phố; thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thay đổi phương thức sống, làm việc của người dân".

Với sự tập trung chỉ đạo của Thành ủy, thành phố đã đạt kết quả gì trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, thưa ông?

Ông Phạm Văn Hiểu: Trước tiên, đối với việc ứng dụng chuyển đổi số để phục vụ đơn giản hóa trình tự thủ tục hành chính: Hiện nay, công tác số hóa dữ liệu được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện, nhất là dữ liệu liên quan đến dân cư, doanh nghiệp, đất đai… 100% cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số, văn bản điện tử gửi, nhận qua trục liên thông đạt 96%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến đạt 15%.

Thành phố ban hành Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn đến 2030 và đang triển khai thực hiện, trong năm 2022 hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số chứng minh nhân dân với căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia; khẩn trương hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân đủ điều kiện.

Thứ hai, về ứng dụng chuyển đổi số phát triển kinh tế và các giải pháp an sinh xã hội phục vụ người dân: Thành phố đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 làm thước đo mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt bằng các ứng dụng điện tử phục vụ thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí…; các dịch vụ số trong lĩnh vực thương mại, chợ 4.0… được hình thành là nền tảng cho chuyển đổi số của doanh nghiệp và tham gia chuyển đổi số của người dân.

Thứ ba, đối với lĩnh vực y tế, giáo dục: Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế được quan tâm đầu tư, nâng cấp; nhiều thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, công nghệ mới được áp dụng rộng rãi trong khám, chẩn đoán và điều trị bệnh. Các phần mềm như: hệ thống dịch vụ công quản lý trang thiết bị y tế, quản lý đường dây nóng ngành y tế, hệ thống quản lý quốc gia về đăng ký, cấp phép hành nghề khám chữa bệnh, hệ thống hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa… được ứng dụng rộng rãi giúp việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn.

Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã kết nối internet, có khoảng 0,3% trường học có trang bị phòng học đa phương tiện; 100% trường học đã triển khai cập nhật thông tin, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu thống kê, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu của Ngành; các trường học xây dựng giáo án điện tử (E-learning), ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm… giúp người học tiếp thu kiến thức tốt hơn, chất lượng giảng dạy, học tập được nâng lên.

Tóm lại, về tổng thể chung, chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố bước đầu có định hướng và lộ trình phù hợp, một số chỉ số thành phần trong đánh giá xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2021 của TP. Cần Thơ khá tốt như: hoạt động kinh tế số xếp thứ 4 cả nước, nhân lực số xếp thứ 6, hoạt động xã hội số xếp thứ 7, an toàn thông tin mạng xếp thứ 3…

Vậy giải pháp để TP. Cần Thơ chuyển đổi số thật sự mạnh mẽ trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Hiểu: Vấn đề quan tâm hiện nay trong chuyển đổi số trước tiên là phải chuyển đổi về nhận thức. Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tập trung tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân những nội dung chuyển đổi số thành phố đang thực hiện có hiệu quả. Trong đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải là người đi đầu, là nhân tố chính trong chuyển đổi số. Từng cơ quan, đơn vị phải chủ động tiến hành ngay chuyển đổi số bằng cách khai thác tối đa nguồn lực, hệ thống kỹ thuật công nghệ thông tin hiện có để số hóa dữ liệu, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, phải chuyển đổi hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường số.

Thứ hai, tập trung phát triển hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin đồng bộ; thực hiện tổng hợp, phân tích, xử lý, tích hợp dữ liệu phục vụ chuyển đổi số và xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành đô thị thông minh. Xây dựng được các nền tảng số như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)… dùng chung cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: thương mại điện tử, y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, giao thông, xây dựng, tài nguyên môi trường, du lịch…

Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trong đó tập trung lựa chọn, cung cấp đầy đủ trên môi trường mạng các thủ tục hành chính có nhu cầu lớn, liên quan nhiều đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư, tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số, khẩn trương hoàn thành lập dự án đầu tư xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung của thành phố. Đồng thời, các ngành, địa phương phải có giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế số của ngành, lĩnh vực, địa phương mình.

Thứ năm, xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực quan trọng của thành phố; hỗ trợ khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ hiện đại. Bố trí ngân sách hợp lý cho chuyển đổi số; tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hóa số; chuẩn bị nguồn nhân lực của thành phố để phát triển xã hội số.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.