Vòng vèo vài con đường nhỏ ở thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), hỏi thăm nhà em Nguyễn Duy Sơn (học sinh Trường THPT Sào Nam) vừa đậu thủ khoa thì ai cũng biết. Trong căn phòng bếp nhỏ giữa buổi chiều nóng hầm hầm hập, mặt trời chiếu xuyên mái tôn thủng lỗ chỗ là nơi làm việc của Sơn và mẹ. Đang quay chỉ để kịp giao cho khách hàng thì hai mẹ con ngừng tay đón khách lần đầu tiên gặp.
Rót nước mời khách, bà Nguyễn Thị Nhành (52 tuổi), mẹ Sơn kể về gia đình mình: Tôi có 2 đứa con trai, anh trai của Sơn học cũng giỏi nhưng đến lớp 12 cũng nghỉ học để đi làm vì nhà không có điều kiện. Sau này khi đi làm kiếm được tiền thì cháu mới học tiếp lên CĐ rồi ĐH. Đến năm 27 tuổi, cháu mới ra trường và đi làm ở Đà Nẵng. “Thằng lớn thì hai vợ chồng tôi khỏi lo rồi, giờ cố làm nuôi thằng Sơn ăn học mới thoát khỏi cảnh nghèo này thôi”, bà Nhanh tâm sự.
Tiếp xúc với tôi, Sơn ít nói và tính tình có vẻ nhút nhát, hỏi gì mới trả lời còn không thì Sơn chỉ ngồi im lặng. Sơn cho biết, kỳ thi ĐH vừa qua em đăng ký thi ngành Kinh doanh quốc tế Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng và đỗ thủ khoa của trường, trong đó Toán 8,5 điểm, Lí 8,25 điểm và Hóa 9,5 điểm. Tôi hỏi Sơn sao không đăng ký thi thêm ở Huế hay TPHCM. Sơn ngại ngùng: Dạ vì không có điều kiện nên em không đi thi xa…
Chưa nói dứt câu, mẹ Sơn đỡ lời: "Nói thật vợ chồng tôi có điều kiện cũng cho cháu đi thi ở Huế hay TPHCM nữa nhưng nếu có đậu thì chắc cũng không thể vào đó học được vì xa nhà và tốn tiền nhiều quá, vợ chồng tôi lo không nổi chú à. Học Đà Nẵng gần nhà, có gì chạy về nhà chở gạo ra ăn cũng được vì lúa trong nhà có sẵn".
Mẹ Sơn tâm sự: “Thầy cô, bạn bè cháu cũng khuyên nên đi thi ngành Y ở Huế nhưng vợ chồng tôi tính tới tính lui quyết định cho cháu đi thi Đà Nẵng cho gần nhà. Hơn nữa, học ngành Y thì 7 năm tôi lo sao nổi, còn học kinh tế ở Đà Nẵng chỉ có 4 năm cũng đỡ lo hơn”.
Bàn học đơn sơ của tân thủ khoa ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng.
Hỏi bí quyết học, Sơn thật thà: Em cũng không có bí quyết gì, hàng ngày đi học bình thường như các bạn thôi chứ không có gì đặc biệt. Ban ngày lên lớp học chú ý nghe thầy giảng, ban đêm về nhà ôn bài và làm bài thêm. Thỉnh thoảng đi học nhóm với bạn và em tự học ở nhà là chủ yếu. Sơn kể: “Mấy tháng gần thi tốt nghiệp và thi ĐH, em nhờ anh trai mượn máy tính của bạn ảnh về nhà tìm hiểu ôn tập thêm trên mạng, thi xong mang máy trả lại cho bạn của anh.”
Tôi hỏi mẹ Sơn những ngày ôn thi có bồi dưỡng gì cho con không, bà Nhành thành thật: “Nhà có gì đâu mà bồi dưỡng. Mỗi ngày tôi mua 1-2 gói mì tôm rẻ tiền về để đêm nó học mà đói bụng thì tự xuống bếp chế mà ăn thôi. Có muốn bồi dưỡng hơn cũng không có tiền chú à.” Tôi hỏi "Ăn như vậy có sức mà học không?", Sơn nói: “Con cũng quen rồi”. Bà Nhành phụ thêm: “Nhà nghèo thì biết làm sao hả chú?”.
Qua trò chuyện, bà Nhành cho biết bố Sơn năm nay đã 60 tuổi nhưng sức khỏe yếu lắm mà vẫn phải đi làm phụ hồ để nuôi cả nhà. Tuy nhiên nghề này bữa có bữa không nên thu nhập cũng bấp bênh. Còn bà thì bị đau ốm quanh năm không thể làm việc nặng được nên ở nhà quay chỉ thuê cho họ và Sơn phụ giúp với mẹ mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn. “May nhà có 2 sào ruộng làm lúa ăn quanh năm, nếu không có lúa mà đi đong gạo hàng ngày thì khổ nữa”, bà Nhành tâm sự.
Hàng ngày ngoài giờ học, Sơn thường phụ giúp mẹ quay chỉ.
Nhìn quanh căn nhà cấp 4 của bố mẹ Sơn không có gì đáng giá. Phòng ngoài là cái bàn tiếp khách và bạn học của Sơn. Bên cạnh là chiếc tivi không thể nào cũ hơn nhưng đó là cái mà hàng ngày để cả gia đình giải trí. Khổ nổi chiếc tivi này cũng chỉ xem được 1 kênh truyền hình vì cũng đã bị hỏng.
Trong ngôi nhà này không có phòng sinh hoạt riêng, bố mẹ Sơn ngủ trong một không gian được gọi là phòng nhưng không có cửa và vách ngăn, còn Sơn thì ngủ dưới nền nhà ở phía trước ngay bàn tiếp khách, cạnh bàn học của mình.
Bà Nhành kể: "Dành dụm mấy năm cũng được ít triệu, vừa rồi mới thay được mái tôn mới cho nhà khỏi dột. Trước đây mỗi khi trời mưa là tôi sợ lắm, sợ lúa bị ước không có ăn, sợ không có chỗ ngủ, sợ ước đồ đạc trong nhà, ước sách vở của con... Còn mái tôn dưới bếp cũng bị dột nát nhưng chưa biết lấy tiền đâu mà thay nữa". Trong căn bếp này, bà Nhành đặt chiếc quay chỉ để hai mẹ con làm việc, trời nắng thì đỡ, mưa thì phải che lại không thì chỉ bị ướt hết.
Gia đình khó khăn đến nỗi nhà có nuôi gà và vịt nhưng chưa bao giờ cả nhà được ăn thịt gà vì lớn lên là bán lấy tiền lo cho gia đình. Bà Nhành bảo ăn được nhưng tiếc lắm, con gà nuôi lớn bán cũng được vài trăm ngàn chứ không ít.
Giờ con thi đỗ vào ĐH, hai vợ chồng bà rất đỗi vui mừng nhưng lại lo vì không biết lấy tiền đâu nuôi con trong 4 năm ĐH. “Không cho cháu học đi học thì tội, có đi học mới thoát nghèo. Thôi thì đến đâu hay đến đó vậy”, bà Nhành ứa nước mắt nói với PV.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Phạm Kim Long - giáo viên chủ nhiệm 3 năm cấp ba của Sơn cho biết, em Sơn là học sinh ngoan và giỏi của lớp. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhà trường cũng như giáo viên chủ nhiệm vận động học bổng từ những cựu học sinh của trường giúp Sơn có thêm điều kiện đến trường.
“Tuy gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng em Sơn rất có lòng tự trọng. Suốt 3 năm THPT, em chỉ đi học thêm môn Toán của tôi, khi học em Sơn nộp tiền nhưng tôi không lấy thì em Sơn không đến học nữa. Tôi có nói với em sau này có tiền trả cũng được. Đối với em Sơn, tôi không có gì phải phàn nàn”, thầy Long nói.
Thầy Long cũng tâm sự, đối với trường hợp của em Sơn, rất mong sự chung tay giúp đỡ của mọi người để em có thể tiếp tục theo đuổi việc học của mình.