Kỳ cuối: Muôn hồng nghìn tía

Chuyện cũ ở thủ phủ cà phê

0:00 / 0:00
0:00
Quán cà phê nhà sàn Êđê được nhiều khách chuộng
Quán cà phê nhà sàn Êđê được nhiều khách chuộng
TP - Cà phê đã đi vào mọi ngõ ngách đời sống của người dân, trở thành nét văn hóa độc đáo trong ẩm thực, giao tiếp.

Nghe nhịp thành phố Ban Mê

Sáng sớm, quán cà phê nhỏ ở buôn Alê A (phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột) vang ra từng câu hát “Ly cà phê như muốn nói, nói cùng anh câu gì… Ánh mắt soi trong ly cà phê Ban Mê”. Trong ngôi nhà sàn có người ngồi trầm tư nghe nhạc, người trò chuyện với bạn bè hay đọc một cuốn sách khi đợi nước sôi thấm dần vào bột cà phê chậm rãi rơi xuống.

Đang trầm tư nhìn phin cà phê, anh Nguyễn Văn Hưng (khách hàng ở thành phố Buôn Ma Thuột) chia sẻ, ở thành phố này mọi người uống cà phê như một bữa sáng. Không gian thưởng thức cà phê vô tình trở thành ngôn ngữ không lời truyền tải nỗi niềm của người cùng thưởng thức. Hiện nay, xu hướng cà phê nhà sàn đang nở rộ. Nhiều người tìm đến nhà sàn như một nơi để đắm chìm trong những giai điệu mộc mạc, ngắm nhìn những khoảng thời gian tưởng chừng như đã mất hay đơn giản chỉ là trốn chạy thực tại.

Anh Kpin Niê H’đớk (chủ quán) cho biết: “Tôi tận dụng không gian nhà sàn dài của gia đình để mở quán cà phê. Khách hàng chuộng những quán là nhà sàn người dân tộc Êđê. Nó tạo cảm giác vừa uống vừa đắm mình vào không gian đại ngàn Tây Nguyên. Theo thời gian, nhà sàn ở các buôn làng dần bị thay thế bởi nhà xây kiểu hiện đại. Tôi mở quán cà phê mong muốn giới thiệu cho mọi người về không gian sống truyền thống của đồng bào mình”.

Quán cà phê có mặt ở hầu khắp các con phố, từ đường chính đến ngõ hẻm nhỏ hay lũng dốc. Không gian nơi đây mở ra nhiều loại hình kinh doanh khác nhau để hợp với gu người thưởng thức. Buôn Ako Dhông là buôn làng của người Êđê nằm giữa lòng thành phố với khoảng 30 ngôi nhà dài đặc trưng của người Êđê. Ta có thể thưởng thức cà phê trong những ngôi nhà sàn dài, cầu thang được trang trí đôi bầu sữa, biểu tượng quyền lực của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ người Êđê, được ngắm nhìn những bức tượng gỗ độc đáo.

Chuyện cũ ở thủ phủ cà phê ảnh 1

Đến quán uống cà phê, khách được chơi đùa các thú cưng

Hương vị cà phê ngọt đắng đã quá quen thuộc trong nhịp sống thường ngày của mỗi người dân Đắk Lắk từ xưa đến nay. Mỗi sáng sớm, người dân ngồi chật kín quán cà phê khắp các nẻo đường Buôn Ma Thuột. Họ nhâm nhi cà phê để trò chuyện và suy tưởng chứ không chỉ đơn thuần xem đây là thức uống mang lại sự tỉnh táo cho tinh thần. Anh Nguyễn Văn Hiếu (du khách thành phố Đà Nẵng) nói rằng: “Nếu không có cà phê, Buôn Ma Thuột hẳn sẽ mất đi mùi vị đặc trưng vốn có. Không quá khi nói cà phê là một ngôn ngữ riêng để những người đến và yêu Tây Nguyên giao tiếp với nhau”.

Mỗi quán có cách bài trí và phong cách phục vụ riêng. Những quán cà phê dọc đường Mai Hắc Đế (Buôn Ma Thuột) không gian được biến tấu theo lối sành điệu, đa dạng sản phẩm cũng như phong cách uống cà phê của giới trẻ phố núi. Quán Bâng Khuâng là nét hòa quyện bản địa độc đáo. Đây là quán cà phê xưa nhất ở Buôn Ma Thuột (từ năm 1967). Chỉ những bộ bàn ghế gỗ đơn giản, mộc mạc nhưng là chốn lui tới thường xuyên của giới văn nghệ sĩ. Họ có thể lắng lòng với những cảm xúc riêng hay đơn giản chỉ muốn tìm lại một chút Buôn Ma Thuột ngày xưa giữa lòng phố thị ngày nay. Nhiều người coi nơi đây như một kỷ niệm đi cùng họ suốt những năm tháng thanh xuân, thậm chí là cả cuộc đời.

Đến quán The Zoo, có cảm giác lạc vào một khu rừng mưa với không gian xanh mát, thoáng đãng, mùi hương cỏ cây thoang thoảng, tiếng nước chảy róc rách cùng những âm thanh hòa quyện du dương. Các bạn trẻ được vui đùa với đa dạng các loại động vật: Rồng Nam Mĩ, trăn, khỉ, sóc, chó, mèo…và được tìm hiểu những giống cây ở rừng nhiệt đới.

Ðắm mình trong hương vị thuần nguyên

Quán cà phê của ông chủ trẻ người Êđê nằm sâu trong con hẻm nhỏ. Cô gái Êđê với trang phục truyền thống ngồi rang cà phê khiến khách xa gần lần đầu đến quán ngạc nhiên và tò mò, thích thú. Theo anh Y Pốt Niê (chủ quán), bây giờ người Buôn Ma Thuột uống cà phê rất kỹ. Họ lựa chọn những quán cà phê còn nguyên hạt và rang xay tại chỗ. Những người có gu uống riêng để khẳng định thương hiệu cá nhân, yêu cầu khắt khe hơn việc chọn lựa cà phê Robusta hay Arabica và tỉ lệ thành phần được pha trộn giữa hai loại này.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh (47 tuổi) vào quán gọi ly cà phê đen pha phin chia sẻ, ông đã thử nhiều phong cách cà phê khác nhau để cảm nhận sự khác biệt nhưng hương vị cà phê phin vẫn lôi cuốn nhất. Thời gian chờ đợi cũng là thời gian để cảm nhận mọi âm thanh cuộc sống và chiêm nghiệm những gì đã qua.

Người nghiện cà phê là người tinh tế, biết được mùi vị cà phê thật sự. Cà phê ngon và nguyên chất sẽ là loại có vị đắng và chua dịu. Cái đắng với cái chua quện vào nhau tạo vị thanh thanh không đắng ngắt. Hương cà phê dìu dịu phảng phất làm người ta mê mẩn cuồng si chứ không hắc nồng và sộc thẳng như cái vị cà phê có pha thêm hương liệu. Nhiều người nghiện cà phê cho rằng, cà phê là người đàn bà mang bùa ngải trong mình. Những người đang muộn phiền thì cà phê day dứt như bản nhạc nhiều dấu lặng…

Ngày nay, những gu cà phê mới dành cho các thượng đế càng phát triển và lan rộng khắp nơi để bắt nhịp cùng cách sống nhanh của thời hội nhập. Qua bàn tay người pha chế biến tấu theo tên gọi khác nhau. Nhiều du khách khi đến Buôn Ma Thuột nói rằng, không chỉ ở Đắk Lắk mới có cà phê nhưng khi thưởng thức ở đây, người ta như tìm được hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên. Các tín đồ cà phê giải thích cho sự đặc biệt này là chính thổ nhưỡng bazan và độ cao phù hợp đã tạo ra đặc trưng riêng của thủ phủ cà phê.

Người Buôn Ma Thuột uống cà phê bất cứ giờ nào trong ngày. Khi sáng sớm hay đêm xuống se lạnh, giữa lòng thành phố yên bình ly cà phê như nồng đượm, khó quên hơn. Ngồi cà phê tâm sự tỉ tê bao chuyện, hay chỉ lặng yên lắng nghe từng hơi thở của thành phố.

Tại hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2019-2020, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, là mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh Đắk Lắk. Cà phê Đắk Lắk đã khẳng định chất lượng thông qua các cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2019. Phát triển cà phê đặc sản là hướng đi mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thế giới. Do đó, các địa phương tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng miền gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê theo tiêu chuẩn đặc sản.

MỚI - NÓNG