Săn dế cơm
Màn đêm buông xuống, gia đình chị Nguyễn Thị Nhung (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) chuẩn bị đồ nghề: Một chiếc đèn pin, một bình nhựa có miệng nhỏ nhét thêm lá cây vào trong, bắt đầu hành trình bắt dế cơm. Chị Nhung giải thích, dế ưa thích nơi khô ráo, khi nước tưới xuống hố cà phê, dế bò lên đi đào hang mới để trú ngụ. Ban đêm, không có ánh sáng nên nước vừa xuống hang là chúng bò ra ngoài, bắt sẽ được nhiều hơn ban ngày.
Đêm lạnh, trong các lô rẫy cà phê, nghe tiếng nước chảy ào ào, và ánh sáng le lói từ những chiếc đèn pin nhỏ. Chị Nguyễn Thị Nhung kéo lại chiếc khăn che kín cổ, nói: “Những năm trước, người dân tranh thủ lúc tưới rẫy cà phê của gia đình bắt dế cơm về cải thiện bữa ăn hàng ngày. Đây là món ăn ngon, bổ dưỡng”. Chị Nhung men theo dòng đất bột, hai bên là những hố cà phê còn đầy nước tưới, chị chồm người chụp những chú dế nép mình trên lá cà phê khô. Giọng chị hòa lẫn vào tiếng lá xào xạc, khoảng 3 năm trở lại đây, nhu cầu tìm mua dế sạch, dế tự nhiên tăng cao nên nhiều người tranh thủ đi bắt bán kiếm thêm thu nhập. Dế cơm sau khi làm sạch bán với giá 200 nghìn đồng/kg. Khách hàng là các nhà hàng ở thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện trong tỉnh và một số tỉnh như Đồng Nai, Nghệ An… Một đêm, 3 người trong gia đình chị Nhung thu được hơn 4 kg dế thành phẩm.
Cách điểm săn dế của gia đình chị Nhung 50 m, 2 cái đầu chụm lại, ánh sáng từ 2 chiếc đèn pin đeo sẵn trên đầu tạo thành 1 vòng sáng lớn chiếu xuống mặt đất, soi rõ những chú dế cơm màu nâu bóng nhẫy. Đưa tay chụp vội gần chục con, vợ chồng bà Thái Thị Hải cho biết: “Săn dế cơm nhiều lúc cũng gặp nguy hiểm, đặc biệt là ban đêm. Người đi săn có thể gặp phải rắn, rết, bọ cạp lẩn dưới lá cà phê. Ngoài tinh mắt tìm dế phải chịu khó quan sát để tránh nguy hiểm”.
Oằn mình kéo đoạn ống để tưới cho hơn 5 sào cà phê, bà Nguyễn Thị Thanh (huyện Cư M’gar), thở dốc: “Bây giờ hầu như nhà nào cũng lắp béc tưới tự động. Khởi động máy xong chỉ việc đợi khoảng 4-6 tiếng, kéo ống chuyển sang lắp dàn khác. Rẫy nhà tôi ở xa nên giếng nước không đủ mạnh để quay béc đành áp dụng phương thức tưới dí”. Hai, ba con dế cơm từ hố cà phê nhảy lên, bà Thanh nhanh tay bắt bỏ vào túi rồi kể tiếp: “Mùa tưới cà phê là dịp người dân đi săn những chú dế cơm béo núc về chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nó là đặc sản mang lại thu nhập không nhỏ”.
Theo một chủ nhà hàng ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar), trong các loại dế thì dế cơm thuộc loại hảo hạng và chế biến được nhiều món. Lúc trước, dế cơm chế biến đơn giản chỉ nướng hoặc chiên. Ngày nay, có nhiều món ngon từ dế, mang lại hương vị thơm ngon, độc đáo như: Dế tẩm bột chiên giòn, gỏi dế, dế rang muối ớt, dế chiên bơ…Thịt dế thơm ngọt, béo ngậy cùng với cảm giác giòn tan khi chế biến khiến thực khách không ngán. Dế cơm được xem là món nhậu khoái khẩu, được nhiều nhà hàng săn lùng.
Ðặc sản từ hoa
Mỗi năm hoa cà phê thường nở khoảng 2-3 đợt, từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Sau khi phô diễn vẻ đẹp rực rỡ mỗi đợt từ 7 đến 10 ngày, hoa sẽ rụng cánh và kết thành từng chùm quả nhỏ xinh. Không phải du khách nào cũng ghé thăm Tây Nguyên đúng đợt hoa nở và được chìm đắm trong vẻ dung dị, mộc mạc và rất tinh khiết, thanh tao của loài hoa này.
Mùa hoa cà phê nở không chỉ làm bất ngờ du khách mà người nông dân trồng cà phê cũng ngỡ ngàng. Ông Nguyễn Văn Vị (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) đang cắt cành trên rẫy cà phê chia sẻ: “Mới đêm qua những búp hoa xinh xắn còn ẩn mình trong màu xanh của lá cà phê. Sáng hôm sau đã thành thảm trắng bồng bềnh trải khắp triền đồi, vườn rẫy. Chỉ cần nhìn vào lượng hoa nở, người nông dân có thể đoán trước được kết quả của một mùa vụ. Mùa hoa cà phê là thời điểm đón nhận mùa ong di cư lớn nhất trong năm”.
Trong lán trại làm bằng chiếc bạt và mấy thanh gỗ dựng lên giữa vườn cà phê bung hoa trắng xóa, ông Vũ Văn Ngọc (SN 1970) cho biết: “Những năm trước, ong nuôi được mùa được giá. Vào mùa cà phê ra hoa, tôi lấy được 40 đến 50 tấn mật, trừ chi phí lãi gần trăm triệu. Mấy năm trở lại đây hầu như không có lãi, do biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, đàn ong bị các bệnh thối ấu trùng nên hạn chế khả năng tạo mật. Sản lượng giảm, giá cũng giảm”.
Nghề nuôi ong khá vất vả, thu nhập không ổn định. Không ít người nuôi ong và cả ông Ngọc, ông Tuấn cũng từng nếm mật đắng vì thời tiết thất thường. Dưới nền trời xanh và nắng vàng quyện màu đất đỏ bazan, những người nuôi ong ở cơ sở ông Tuấn tất bật chuẩn bị công đoạn lấy mật. Một nhóm rũ ong ra khỏi những cầu ong, quét ong non còn bám. Một số người khác lấy cầu ong cắt những vít nắp cho vào máy quay ly tâm.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 1.500 hộ nuôi ong với khoảng 2.000 đàn. Nghề nuôi ong mật tập trung hầu hết các huyện thị xã và thành phố Buôn Ma Thuột.