Ăn đường, ngủ lán với anh em
Ngày 17/10, chúng tôi tìm về Lữ đoàn Công binh 249 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, nơi Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng - một trong 13 cán bộ, quân nhân vừa hy sinh khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) từng làm Tham mưa trưởng và Lữ đoàn trưởng.
6 năm công tác tại đây (2008-2014), Thiếu tướng Hùng để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong tâm trí cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Trong mạch cảm xúc tiếc nhớ trào dâng, thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thạo hồi tưởng lại: “Năm 2008, khi anh Hùng vừa về đơn vị nhận nhiệm vụ thì xảy ra trận lụt lớn ở Hà Nội. Tôi khi đó làm nhiệm vụ lái thuyền vượt sông Nhuệ đến đập Phùng để chuyên chở phương tiện, người dân qua sông. Sau khi cử anh em nhanh chóng đi trinh sát, xác định vị trí, anh ấy lập tức xin ý kiến, quyết định bắc cầu phao cầu Phùng để cho người dân thuận tiện qua lại. Mỗi lần thay ca, anh ấy lại đến động viên cán bộ, lính tráng chúng tôi”.
Cuối năm 2008, khi Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hùng dẫn quân lên sơn cước làm đường tuần tra biên giới ở Sốp Cộp (Sơn La), thượng úy Thạo cũng có mặt tại đây khoảng 2 tháng. Hồi đó địa hình hiểm trở, khó khăn, đường vào rất xa, xe chở vật liệu, máy móc không vào được. Chính Thiếu tướng Hùng có sáng kiến bắc cầu phao qua sông để xe trọng tải lớn đi qua, vận chuyển được các nguyên vật liệu cần thiết để làm đường trong những năm tháng ăn đường, ngủ lán cùng .
“Khi biết tin thủ trưởng gặp nạn, chúng tôi rất đau xót. Nhiều lúc cứ nghĩ, giá như buổi chiều hôm ấy mưa lớn thế, anh ấy dừng xe, sáng hôm sau mới cùng đoàn vào hiện trường thì sự việc đau lòng đã không xảy ra”, anh Thạo trầm giọng nói.
Thượng tá Đỗ Hữu Tiềm, Phó Chính ủy Lữ đoàn 249 kể thêm, thời điểm anh Hùng mới về Lữ đoàn, thượng tá Tiềm khi ấy mới là Chính trị viên Đại đội Thông tin 17 và cảm nhận được sự quan tâm, gắn bó với cấp dưới của đại tá Hùng.
“Anh ấy sống rất tình cảm, hay hỏi han, thăm nom, động viên mọi người. Anh rất ít khi mắng và to tiếng với cấp dưới. Có gì cũng ân cần phân tích, chỉ bảo. Với thái độ nghiêm túc, tận tâm khi làm việc để làm sao có hiệu quả cao nhất, anh Hùng là tấm gương để tôi noi theo”, thượng tá Tiềm nói.
Chiến công Đạ Dâng
Tháng 12/2014, trong sự cố sập hầm Thuỷ điện Đạ Dâng - Đạ Cho Mo, cùng với các lực lượng tinh nhuệ khác, lực lượng Công binh chuyên trách về cứu hộ cứu nạn và xây dựng công trình quốc phòng dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thiếu tướng Hùng (khi đó đang là Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh) đã lập chiến công xuất sắc khi cứu thoát 12 công nhân mắc kẹt.
Sau chiến công này, Thiếu tướng Hùng đã từng chia sẻ rằng: “Đây là sự cố mà các lực lượng cứu hộ của Công binh chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Thời gian và tính mạng của 12 công nhân không cho phép tôi chần chừ, do dự. Cũng thời điểm này, nước trong đường hầm tiếp tục dâng lên đe doạ tính mạng 12 nạn nhân khi mỗi giờ trôi qua mà chưa có phương án cứu hộ nào thực sự an toàn. Tôi xác định đây là thời điểm cần phải tính toán và đưa ra quyết định hệ trọng nhất trong cuộc đời mình cho đến lúc này. Đó chính là quyết định về số phận của 12 công nhân đang dần kiệt sức trong đói, rét; về sự an toàn tính mạng của cán bộ, chiến sĩ công binh và các lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ trong đường hầm; về uy tín của Quân đội nói chung và Binh chủng Công binh nói riêng trước Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Chính tại “chiến trường” Đạ Dâng, sau khi bình tĩnh nghiên cứu, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm chỉ huy và thảo luận với các kỹ sư đầu ngành về thi công đường hầm, địa chất trong Binh chủng, Phó Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hùng đã trực tiếp báo cáo phương án với đoàn công tác của Chính phủ.
Phương án được chuẩn y, Thiếu tướng Hùng được giao chỉ huy trực tiếp tất cả các lực lượng cứu hộ trong hầm thủy điện mở đường hầm dự bị ở sát mép trong, bên trái của khối sạt trượt, giảm được chiều dài phải đào so với các lực lượng thi công trước khoảng 4,5 mét, đây là đường hầm dự phòng cho đường hầm chính. Đồng thời sẵn sàng làm đường hầm cứu hộ then chốt khi có điều kiện. Việc lính Công binh sau đó nhanh chóng đào thông hầm giải cứu an toàn 12 công nhân sớm hơn gần 2 ngày so với dự kiến, đã chứng minh sự quyết đoán thông minh của người hùng Đạ Dâng Nguyễn Hữu Hùng...
Truy thăng quân hàm Thiếu tướng cho đồng chí Nguyễn Hữu Hùng
Tại thời điểm tham gia đoàn công tác vào khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 và gặp nạn hy sinh vào đêm 12/10, đại tá Nguyễn Hữu Hùng đang giữ các chức vụ: Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu; Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia.
Chiều 17/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định truy thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng đối với đồng chí Nguyễn Hữu Hùng. Hôm nay (18/10), lễ tang 13 cán bộ, quân nhân trong đoàn công tác hy sinh được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày 19/10, lễ tang Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng sẽ được tổ chức tại quê nhà Quốc Oai, Hà Nội.