Chuyện chưa kể những ngày trong hầm tối thủy điện

Giải cứu nạn nhân khỏi hầm sâu.
Giải cứu nạn nhân khỏi hầm sâu.
Bây giờ đã được ra ngoài, được các y, bác sĩ chăm sóc, sức khỏe dần bình phục, nhưng các nạn nhân vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng, ám ảnh về những ngày bị mắc kẹt nơi hầm tối.

Sự đối mặt giữa sự sống và cái chết đã trở nên mong manh hơn lúc nào hết trong gần 4 ngày đêm ở hầm núi lở. Và có lẽ sự cố đau buồn ấy sẽ còn hằn sâu trong ký ức cuộc đời họ...

Trở về từ “cõi chết”

Người nhiều tuổi nhất trong 12 nạn nhân của vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) là ông Phạm Xuân Đăng, quê tỉnh Vĩnh Phúc. Cho đến thời điểm này, ông Đăng đã có gần 30 năm kinh qua công việc ở đường hầm thủy điện.

Ông Đăng không còn nhớ rõ mình đã tham gia đào bao nhiêu đường hầm của các công trình thủy điện, nhưng ông nhớ lần đầu tiên bước vào cái nghề nhiều rủi ro này khi vừa 29 tuổi, và công trình đường hầm thủy điện đầu tiên ông thực hiện là thủy điện Hòa Bình trên sông Đà vào năm 1985.

Trước khi vào Lâm Đồng thực hiện dự án thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, ông Đăng đào đường hầm tại công trình thủy điện Nậm Pông (Nghệ An), và mới vào làm việc ở đường hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo 2 tuần thì xảy ra sự cố sập hầm.

Ông Đăng tâm sự, đã 30 năm kinh nghiệm trong việc đào hầm, chưa bao giờ ông và đồng nghiệp phải đối mặt giữa sự sống và cái chết mong manh như trong lần này. Trong quá trình thi công các đường hầm thủy điện, đã nhiều lần xảy ra những sự cố, nhưng phần lớn là chỉ sạt lở nhỏ trong vòng có thể kiểm soát được, phương án khắc phục rất nhanh. Còn lần này thì sự cố quá bất ngờ và không thể tưởng tượng nổi.

Chia sẻ về góc độ nghề nghiệp, ông Đăng cho biết, xác định bước vào nghề đào hầm thì phải chấp nhận hiểm nguy, trong quá trình đào phải tính đến các phương án an toàn nhất. Tuy nhiên, những sự cố xảy ra trong quá trình làm việc là khó có thể tránh khỏi. Ông Đăng cho biết: “Khi công trình làm lại tôi tiếp tục vào hầm. Tôi sẽ tiếp tục công việc cho đến khi nào sức khỏe không còn cho phép”.

Suốt 4 ngày dưới lòng đất, chị Đặng Thị Hồng Ngọc, người phụ nữ duy nhất trong số những người bị nạn kể: "Bước sang ngày thứ 3, tôi vô cùng hoang mang, tuyệt vọng. Lúc đó người tôi nghĩ tới đầu tiên là đứa con trai 4 tuổi đang gửi ở nhà với bố mẹ chồng, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến quá khứ từ trước tới nay để sẵn sàng cho cái chết đang chờ mình".

Vào tối ngày thứ 3 bị mắt kẹt trong đường hầm, trong lúc hầu như mọi người tinh thần đều bế tắc, một sự cố tiếp tục ập đến, đó là anh Hoàng Đình Thịnh (18 tuổi), quê Nam Định lên cơn hen suyễn do thiếu ô xy. Anh Nguyễn Văn Quang (20 tuổi, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, lúc tất cả mọi người đang thu mình trên chiếc xe bơm bê tông trong sự tuyệt vọng, anh Thịnh vội vã lội nước tới ống thông khí áp miệng vào ngửi rồi hét lớn, trông rất hoảng loạn và càng làm tăng thêm sự hoang mang tột cùng cho các nạn nhân.

Tiếp đó, anh Thịnh sùi bọt mép, nước miếng chảy ra thành dòng, sức khỏe cạn kiệt nhanh chóng. Biết có chuyện chẳng lành, mọi người liền vượt nước lao tới đỡ anh Thịnh. Lập tức anh Phạm Viết Nam (38 tuổi), quê Nghệ An áp miệng vào ống sắt hét lớn: “Bơm ô xy vào, gấp lắm!”. Ít phút sau ô xy được đẩy vào, anh Thịnh được dìu đứng ngay ống để hít ô xy. Khoảng vài chục phút sau, sức khỏe anh Thịnh trở lại bình thường.

Hôm nay, tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, sức khỏe anh Thịnh đã ổn định, có thể trò chuyện và đi lại bình thường. Anh Thịnh cho biết, sau khi bên ngoài thông được lỗ khí vào, cứ mỗi lần nghe tiếng hú thì mọi người thay nhau cầm mũ công nhân tới hứng cháo, nước, thuốc vào uống. Trong lúc giữa sự sống và cái chết rất mong manh, mọi người rất đoàn kết, chẳng còn ngại ngần gì nữa, công việc vệ sinh được thực hiện tại chỗ...

Anh Nguyễn Văn Quang sức khỏe đã bình phục nhưng vẫn còn một vết thương trên đầu. Anh Quang kể, vết sẹo trên đầu là hậu quả của việc quá mệt mỏi những ngày mắc kẹt trong hầm, ngồi ngủ gục và bị rơi từ trên xe bơm bê tông xuống lòng hầm ở độ cao 2m. “Xe bơm bê tông có chiều rộng khoảng 1m, dài chưa đầy 2m nhưng có tới 12 người ngồi khi nước trong hầm dâng cao, trong lúc quá mệt mỏi tôi đã ngủ gục rồi rơi xuống đất” – anh Quang cho biết.

Đã có lúc nước ngập đến ngực. Một số bật khóc, có người than vãn và ai nấy đều có cảm giác tuyệt vọng. Nếu tình hình nước cứ dâng cao thì mọi người trong hầm sẽ chết đuối. Sự lo sợ ấy được động viên, an ủi khi nghe tiếng động viên từ bên ngoài vọng vào “bình tĩnh sẽ được cứu”.

Rồi có lúc 23h, thư của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng gửi vào động viên anh em... khiến nhiều người bên trong an tâm phần nào. Trong suốt 4 ngày trong hầm, đã có những lúc tinh thần mọi người cực kỳ hoảng loạn, và nghĩ tới cái chết đã cận kề. Nhiều lần nhận được thức ăn nhưng họ không dám ăn nhiều vì sợ lỡ đau bụng trong hầm là chết...

Chiều ngày 19/12, như thường lệ, khi mọi người bên trong cứ nghe tiếng bên ngoài hú thì lại thay phiên nhau cầm mũ ra hứng cháo, hoặc nước uống. Lúc này nghe tiếng nói, anh Tuấn cầm mũ bơi ra trước, anh Quang theo sau, khi ra tới nơi thì phát hiện một lỗ rất nhỏ dưới lòng đất có ánh sáng lóe lên nên bơi quay lại reo hò: “Thông rồi, ra nhanh lên!”. Mọi người quên hết mệt nhọc, suy nhược cơ thể sau 4 ngày kẹt trong lòng đất lao nhanh ra ngoài.

“Mọi người lần lượt bước xuống một đường hầm nhỏ, ở phía dưới có rất nhiều người mặc áo bộ đội nằm dạt sang một bên cho chúng tôi chui qua. Khi ra đến đường hầm lớn tất cả mọi người được cõng, dìu ra ngoài. Lúc tiếp cận với lực lượng bên ngoài là khoảnh khắc hạnh phúc như được sinh ra thêm một lần nữa trên đời này”.

Khẩn trương điều tra làm rõ vụ sập hầm

Ngày 20/12, có mặt tại hiện trường khu vực sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo, chúng tôi vẫn còn nhiều cảm giác lo sợ về vụ sập hầm kinh khủng 5 ngày trước. Đường vào hầm tối mịt, nước ngầm từ lòng núi vẫn chảy không ngớt. Bên trong đường hầm nhiều đoạn núi lở sập vẫn còn nguyên. Phía trên hầm nhiều đoạn đất đá chưa hề có lớp bê tông chống đỡ và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, sập, luôn rình rập bất cứ lúc nào.

Theo chân đoàn công tác khám nghiệm hiện trường vào bên trong, nhiều thành viên trong đoàn cũng cảm giác “dựng tóc gáy” khi thấy cảnh núi lở bên trong hầm sâu. Thượng tá Phạm Phú Ty, Phó Trưởng Công an huyện Lạc Dương, Lâm Đồng cho biết, từ năm 2003 công trình thủy điện này đã khởi công nhưng đến nay chưa xong phần hầm. Công trình này đã có sự thay đổi chủ đầu tư nên không biết khi nào sẽ xong. Trước đây, năm 2012, việc thi công tại công trình này cũng đã xảy ra trường hợp tai nạn lao động làm một công nhân tử vong do đá rơi trúng đầu. Vụ việc này sau đó được xử lý hành chính...

Theo hiện trường, đoạn hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng đã đào hơn 500m và bất ngờ bị sập ở đoạn gần cuối đường hầm dài hơn 30m. Anh Phạm Đình Hiếu, Chỉ huy trưởng công trình tại đây cho biết, buổi sáng hôm ấy các công nhân Công ty cổ phần Sông Đà 505 vào dọn đất đá trong hầm để chuẩn bị cho công tác làm sắt đổ bê tông thì bị sập hầm bên ngoài nhốt chặt 12 người trong lòng núi.

Anh Hiếu kể đã 30 năm làm nghề này chưa bao giờ gặp sự cố như vậy. Công trình này trước đây do chủ đầu tư thuê Công ty Vinavico (Hà Nội) đào, sau này phía Công ty cổ phần Sông Đà 505 nhận lại phần việc đổ bê tông trong hầm chống sập. Theo nhìn nhận của anh Hiếu, nguyên nhân sập là do kết cấu đất ở đây yếu, bị ngấm nước mạch từ những ngày mưa ở đây tăng lên trong lòng núi. Anh Hiếu cũng cho biết, nếu công trình này thi công trở lại phải hết sức thận trọng và tránh vào thời điểm có mưa...

Phía lãnh đạo ngành Công thương tham gia khám nghiệm tại hiện trường có ông Huỳnh Ngọc Hải-Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, việc cấp phép quản lý giám sát việc thi công xây dựng các công trình đều do ngành Xây dựng. Trong khi đó, để chấp nhận việc được quy hoạch, đầu tư xây dựng thủy điện ở đây có phần của ngành Công thương...

Cũng trong sáng 20/12, trao đổi với các phóng viên sau khi đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng thăm các nạn nhân, Thứ trưởng Bộ xây dựng, ông Lê Quang Hùng cho biết, sẽ nhanh chóng làm rõ vụ sập hầm này. Bộ đã đình chỉ thi công, để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra nguyên nhân và sẽ xử lý trách nhiệm những đơn vị liên quan.

Chưa rõ ai phải chịu trách nhiệm trong việc xảy ra sự cố sập hầm này nhưng có điều là Nhà nước đã phải mất khá nhiều tiền của, công sức cho công tác cứu hộ cứu nạn những ngày qua. Một thành viên trong đoàn công tác khám nghiệm hiện trường cho biết, mọi thông tin phát ngôn về vụ việc này phải qua lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng. Công tác điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương và sẽ có kết luận trong thời gian tới.

Theo Theo Công an Nhân dân
MỚI - NÓNG
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
TPO - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ vừa trao quyết định điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Trần Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh - giữ chức Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan.