Ông lão 67 tuổi (California, Mỹ) này dừng lại hành trình khám phá nhiều đất nước của mình vào đúng ngày 30 Tết Canh Tý, khi gặp nạn ở Hội An và được chuyển ra điều trị hơn một tháng trời trong vòng tay yêu thương của người Đà Nẵng.
Gục ngã, tuyệt vọng và đòi tự sát
Mang trong mình căn bệnh ung thư thận, ông Richard Lerea biết thời gian của mình không còn dài nên sau khi về hưu, ông thực hiện ngay ý nguyện “nhìn ngắm thế giới” của mình. Ông từng tới sống trên một hòn đảo ở Caribe, rồi lại khám phá nhiều nước ở châu Á. Nửa năm trước, ông tới Hội An (tỉnh Quảng Nam) và bị thành phố trầm mặc yên bình này níu chân.
Đúng ngày 30 Tết, cơn đau thận lại ập đến đánh gục ông, ông được chuyển cấp cứu ra bệnh viện Đà Nẵng. Bác sĩ Đặng Anh Đào, Trưởng Khoa Nội thận – Nội tiết, bệnh viện Đà Nẵng cho hay ông nhập viện trong tình trạng suy kiệt, hôn mê, tình hình rất xấu. Lúc này trên người ông hoàn toàn không có giấy tờ tùy thân, cũng không liên hệ được với người nhà.
“Nguyên tắc của bệnh viện với những trường hợp không có thân nhân, tiền bạc, vào viện với bất kỳ lý do gì đều được đón tiếp và điều trị giống như người bình thường. Đặc biệt với người ngoại quốc thì càng phải giúp đỡ”, bác sĩ Đào nói.
“Tôi chưa thấy con người ở đâu tốt như ở Việt Nam. Tôi là một lão già hoàn toàn không có gì trong tay cả nhưng mọi người vẫn giúp đỡ tôi, một cách vô điều kiện. Phải nói lại là người thân trong gia đình, có khi còn không làm được như vậy. Tôi đã từng chỉ yêu mến Hội An vì sự yên bình, thân thiện, và giờ biết được không chỉ ở đó, người Việt ở đây cũng tốt. Và tôi tin chắc rằng bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào người Việt Nam các bạn cũng tuyệt vời như vậy. Nếu còn có thể, chắc chắn tôi sẽ quay lại đất nước này một lần nữa”.
Ông Richard Lerea trải lòng
Được cứu chữa kịp thời, ông dần hồi tỉnh. Nhưng ông lão đơn độc nơi đất khách quê người này lại trầm cảm, có ý định tự sát bởi nghĩ rằng cuộc đời mình đã chấm dứt tại đây vì bệnh tật. Và hơn hết, ông đinh ninh không có tiền thì sẽ không còn hy vọng. Bác sĩ Đào nhớ lại: “Ông ấy từ chối tất cả mọi can thiệp của bác sĩ, từ việc cho uống thuốc, tiêm truyền, lấy máu… Cuối cùng bệnh viện phải dùng các biện pháp nghiệp vụ mới truyền dịch, thực hiện được các xét nghiệm cho ông”.
Sau gần chục ngày, khi thấy sức khỏe của mình khá lên, được y tá, điều dưỡng, bác sĩ quan tâm tận tình, ông mới chịu tìm lại thông tin cá nhân và địa chỉ lưu trú ở Hội An để cung cấp cho bệnh viện. Ông làm mất thẻ tín dụng, người trong tình thế “không đồng”, anh trai ở bên kia bán cầu đã liên hệ được song vì gia cảnh khó khăn nên không thể sang với ông. Lần nữa ông mất đi niềm hy vọng. Biết ông rơi vào thế khó, bệnh viện cử người liên hệ với đại sứ quán Mỹ để gia hạn visa, rồi vào tận homestay ông lưu trú ở Hội An đưa hành lý về cho ông.
“Thượng khách” trong vòng tay tầng 6
Suốt hơn 1 tháng trời điều trị ở đây, mọi sinh hoạt của ông đều từ một tay các hộ lý, y tá giúp đỡ. Nhất là những ngày đầu còn mê man. Nữ hộ lý tên Lan vừa trải lại tấm ga giường, vừa đùa trách: “Ông “hành” tui ngay đúng ngày mồng một Tết có nhớ không? Lúc ấy ông nằm y một chỗ, đại tiện ngay trên giường, mình tui “chịu trận” hết!”. Cho đến khi ông hồi tỉnh, sức khỏe vẫn còn yếu nên ăn uống, đánh răng, thay quần áo… cũng không tự làm được. Trúng ca trực của ai, người nấy chăm ông như chăm cha già.
Mang bệnh thận, đáng ra phải theo chế độ dinh dưỡng bệnh lý, song vì không hợp khẩu vị những món ăn thuần Việt và phải ăn trong một thời gian dài, nên cả khoa đã “chiều chuộng” đặt món Tây cho ông. Hôm mỳ Ý, hôm humburger, rồi cả các loại nước uống theo yêu cầu của vị “thượng khách” trên tầng 6 khoa Nội thận - Nội tiết này. Tất nhiên, mọi người trong khoa tự bỏ tiền túi để đổi lại những bữa ăn ngon lành cho ông Richard.
Hôm tôi đến, thấy ông vừa cạo râu xong, từ từ leo lên giường cắm tai nghe vào điện thoại nghe nhạc, vậy là dư biết ông đã yêu đời hơn rất nhiều rồi. Tôi vẫn muốn hỏi ông cảm thấy thế nào, ông không giấu giếm: “Tôi giờ đã rất ổn. Vì mọi người ở đây quá tốt với tôi. Từ bác sĩ, y tá, đến người dọn vệ sinh. Họ giúp tôi giải quyết các vấn đề cá nhân ăn uống, tắm rửa, vệ sinh…mà không than phiền. Có thể nói còn tốt hơn cả người nhà nữa”. Rồi mắt ông rưng rưng, bảo không chỉ có nhân viên y tế, cả những người bệnh cùng phòng và thân nhân của họ cũng đối đãi tử tế với ông vô điều kiện.
Ông kể tôi nghe có người đã tới tận giường đút cho ông ăn, có người chia sẻ gói bánh, quả táo, có người biết ông thèm cà phê nên mỗi lần xuống căng tin đều trở về cùng một cốc trên tay cho mình. Chị Trương Thị Thanh, bệnh nhân cùng phòng, thấu cảm: “Ai nằm viện cũng khổ cả, huống gì ông ấy một thân một mình lại bất đồng ngôn ngữ. Có hôm tôi thấy ông ấy gọi điện video cho người thân và khóc rất tội nghiệp. Vậy nên mọi người trong phòng bảo nhau để ý đến ông ấy, nếu cần gì mình giúp đỡ ngay. Hơn ai hết ông ấy cần sự động viên, chia sẻ vào lúc này”.
Chính ông, cũng không thể nghĩ mình thoát “án tử” được bệnh viện ở quê nhà báo trước, nhất là ở điều kiện không thể ngặt nghèo hơn như bây giờ. Ông thú thực với các bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng, rằng từng không tin y tế ở đây sẽ điều trị cho ông qua khỏi lần bạo bệnh này. Vậy mà sau hơn một tháng trời trong vòng tay yêu thương của người Việt, ông đã hồi phục cả thể chất lẫn tinh thần và được cho xuất viện để về thực hiện tiếp những dự định tuổi già của mình.
Hôm chia tay, mọi người đứng kín phòng bệnh, những chiếc áo blouse trắng căn dặn ông đủ điều, những bệnh nhân và người thân bắt tay, trao ông nụ cười động viên, tha thiết bởi chẳng biết bao giờ gặp lại. Ông chào rồi chúc sức khỏe từng người, mắt không ngăn được dòng lệ. Để đảm bảo sức khỏe an toàn cho ông, bệnh viện đã cử người đưa ông ra tận sân bay, hỗ trợ ông làm các thủ tục.
Giờ đã đặt chân lên quê hương của mình, ông vẫn liên hệ với bác sĩ của Việt Nam để cập nhật tình hình sức khỏe hiện tại. Bác sĩ Đào chia sẻ, ông Richard không phải là trường hợp không tiền bạc, thân nhân ở bên đầu tiên được bệnh viện giúp đỡ. “Chúng tôi không phân biệt đối xử với bất kỳ bệnh nhân nào, cũng không cần họ mang ơn. Thứ cần nhất là sức khỏe và nụ cười của bệnh nhân để họ sớm có thể thực hiện tiếp những dự định của mình”.