Trước đây, làng Bến Tre thuộc La Havana, để đến đó từ trung tâm thủ đô đi ra ngoại ô mất chỉ chừng hơn 30 phút ô tô. Nay làng thuộc tỉnh Artemisa, theo quyết định phân chia địa giới mới của Quốc hội Cuba.
Theo tài liệu của các cơ quan đối ngoại của ta, thì vào năm 1969, có một nhóm sinh viên Việt Nam học tập tại Cuba đi lao động hè ở Nông trường Bò giống Hinba Bonita (nông trường này hiện vẫn tồn tại, rộng 13.000 ha, nuôi hơn 30.000 con bò sữa, cung cấp mấy chục triệu lít sữa mỗi năm) đã ở tại ngôi làng thuộc nông trường này. Họ có sáng kiến đặt tên cho làng là làng Bến Tre để kỷ niệm phong trào Đồng Khởi và tỉnh đầu tiên của miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Ngày 20/12/1969, làng này chính thức mang tên tỉnh Bến Tre của Việt Nam.
Đến đầu làng thấy ngay một tượng đài thuần Việt. Cụm tượng đôi nam nữ nông dân Việt Nam với khẩu súng và con trâu đặt trên trụ bê tông khá cao. Trời vùng Caribe xanh thắm đến khó tả và mây rất trắng. Trên cái nền ấy, cụm tượng màu trắng dù không quá lớn nhưng rất nổi và động.
Gọi là làng nhưng Bến Tre Cuba có cấu trúc rất khác làng Việt. Làng có đường trục bê tông khá lớn và có đến mấy cái chung cư, trong đó có hai cái 5 tầng chắc xây chưa lâu, nhìn còn mới, nằm ngay cạnh con đường lớn. Thấp thoáng sau những tán cây là những căn nhà mái bằng nhỏ xinh trông khá thanh cảnh. Trong làng có trường học, một trung tâm thương mại gồm cửa hàng, nhà hàng, có cả phòng khám đa khoa, dịch vụ nha khoa…
Người dân ở đây ăn mặc theo lối thành phố (Đại sứ nước ta tại Cuba Nguyễn Trung Thành nói nhìn chung nông dân Cuba đều ăn mặc như vậy). Nét duy nhất giống một làng ở Việt Nam là những con đường bê tông dẫn ra cánh đồng, cỏ hai bên cỏ mọc rậm rạp và rất nhiều cây. Hồi mới lập, làng Bến Tre chỉ có 41 căn nhà, đến năm 1972, Chính phủ Cuba cho xây dựng thêm 6 chung cư 3 tầng. Từ năm 1973 đến 1975, thêm 4 chung cư 5 tầng, mỗi tầng 20 căn hộ. Giờ đây, bên cạnh hai chung cư mới, tôi còn thấy một công trình khá lớn đang xây dở, nghe nói đó là một ngôi trường mới, kinh phí là 150 nghìn đô la Mỹ mà một doanh nghiệp tỉnh Bến Tre tặng.
Rất độc đáo là gần đầu làng có một ngôi nhà sàn phiên bản Nhà sàn Bác Hồ có biển đề “CASA VIETNAMITA” (Nhà Việt Nam). Đây là một bảo tàng mi ni, chính xác là nhà trưng bày, được xây dựng từ năm 1975 theo sáng kiến của nữ anh hùng Cuba Melba Hernandez- khi đó là Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam.
Ngôi nhà sàn làm hoàn toàn bằng gỗ và tre, mái lợp lá, bên trong trưng bày rất nhiều hình ảnh về tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước và rất nhiều vật lưu niệm từ Việt Nam, trong đó nhiều vật từ thời chống Mỹ. Ở một góc có màn hình liên tục phát các clip giới thiệu đất nước, con người, các thành tựu kinh tế xã hội của Việt Nam mà nhìn vào tên hiệu ở góc màn hình thấy nguồn chủ yếu từ Đài Truyền hình Việt Nam. Trong nhà có các phần trưng bày phong phú về lãnh tụ Hồ Chí Minh, Fidel Castro, Che Guevara, đặc biệt là những hình ảnh của hai vị tư lệnh cách mạng Cuba gắn với Việt Nam.
(người đeo kính) trong Nhà Việt Nam.
Đặc biệt, Nhà Việt Nam dành một vị trí đáng kể cho hình ảnh, tư liệu về hai nữ anh hùng của hai nước: Tướng Nguyễn Thị Định và Anh hùng Moncada Melba Hernandez. Gọi bà Melba Hernadez là Anh hùng Moncada vì trong trận tiến công vào pháo đài Moncada và trại lính Carlos Manuel de Cespedes ngày 26/7/1953 của đội quân cách mạng 164 người do Fidel chỉ huy, chỉ có hai phụ nữ, trong đó có bà Melba - một người cũng có học vị tiến sĩ luật như Fidel.
Cuộc tiến công thất bại, lao tù không khuất phục được người nữ chiến sĩ cách mạng. Ra tù, bà tiếp tục hoạt động, là người có vai trò quan trọng trong việc thu thập và sắp xếp các tài liệu do Fidel trong tù bí mật chuyển ra làm cơ sở cho ông tự bào chữa cho mình trước toà án của chế độ độc tài Baptista sau này. Sau đó bà cùng các đồng chí sang Mexico hoạt động bí mật chuẩn bị lực lượng để trở về trên con tàu Granma vào năm 1956. Bà được bầu vào Ban lãnh đạo toàn quốc của Cách mạng, làm công tác dân vận và hậu cần.
Sau khi Cách mạng Cuba thành công vào năm 1959, bà Melba được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng, đặc biệt là trong các tổ chức xã hội và ngoại giao nhân dân. Bà từng giữ chức Tổng Thư ký Tổ chức đoàn kết với các dân tộc Á-Phi-Mỹ Latinh (OSPAAAL), Ủy viên đoàn chủ tịch của Hội đồng Hòa bình Thế giới. Trong nước, bà là Ủy viên T.Ư Đảng, Đại biểu Quốc hội. Bà được tặng các danh hiệu cao quý Anh hùng Cuba, Anh hùng Lao động.
Cuộc đời hoạt động sau khi Cách mạng Cuba thành công của bà Melba gắn chặt với Việt Nam. Năm 1963, Ủy ban đoàn kết với Miền Nam Việt Nam, tiền thân của Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam bây giờ được thành lập, Fidel giao cho bà nhiệm vụ chủ tịch của tổ chức này. Bà làm công tác vận động ủng hộ Việt Nam rộng khắp Cuba và nhiều lần sang Việt Nam mang theo hàng hoá, nhu yếu phẩm mà nhân dân Cuba quyên góp gửi tặng nhân dân Việt Nam.
Bà nhiều lần đến Việt Nam, đi nhiều địa phương, từng sống cùng nhân dân Vĩnh Linh dưới địa đạo, được gặp Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… mà một số hình ảnh được lưu lại trong Nhà Việt Nam. Bên cạnh đó là ảnh bà với các anh hùng, dũng sĩ, bộ đội, người dân Việt Nam. Năm 1977, bà được cử làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Cuba tại Việt Nam. Khó mà đong đếm hết được những gì mà người nữ anh hùng Moncada này làm cho Việt Nam. Bà Melba mất năm 2014, thọ hơn 90 tuổi.
Trong Nhà Việt Nam cũng lưu giữ một số bức ảnh đẹp của nữ tướng Nguyễn Thị Định với Fidel, với bà Melba và các yếu nhân Cuba. Ngoài Bác Hồ, Tướng Giáp, nhân dân Cuba yêu mến và thần tượng nhiều anh hùng, dũng sĩ của Việt Nam, trong đó có bà Định, anh Trỗi và Anh hùng Núp.
Điều thú vị là được biết xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre - quê hương của nữ tướng Nguyễn Thị Định, một địa chỉ kiên trung trong kháng chiến chống Mỹ khiến chúng phải dùng B52 thả bom rải thảm, nơi giờ đây có Đền thờ Bà, từ năm 1984 được đặt tên là Làng Moncada như nghĩa cử đáp lại tấm tình Làng Bến Tre của Cuba. Chính bà Định khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam đã đưa phái đoàn cấp cao của Cuba về Lương Hoà để trao cho xã cái tên cao quý, thấm đẫm nghĩa tình đó. Làng Moncada Việt Nam kết nghĩa với làng Bến Tre Cuba như một biểu tượng của tình anh em sâu đậm Việt Nam - Cuba.
Hôm Đoàn đại biểu cấp cao của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ủy ban QG về Thanh niên Việt Nam đến thăm Làng Bến Tre, tại Nhà Việt Nam ngoài các chức sắc của nông trường, của làng, còn có đại diện lãnh đạo tỉnh Đoàn Artemisa, một số quan chức huyện. Cạnh họ là một nhóm bạn trẻ của làng, người đang học đại học ở La Havana về nghỉ hè, người còn học phổ thông, người đang làm việc tại làng hoặc nông trường.
Họ tham gia sự kiện nghiêm túc từ đầu đến cuối, lắng nghe chăm chú các phát biểu và các chuyện kể, chứng tỏ ý thức về truyền thống và sứ mệnh rất cao. Bà giám đốc Nhà Việt Nam mặc chiếc áo phông in hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp giới thiệu cho Đoàn lịch sử của làng và của nhà. Bà cho biết, làng Bến Tre và Nhà Việt Nam giờ đã trở thành điểm đến không chỉ khách Cuba và các đoàn đại biểu từ Việt Nam mà cả của khách du lịch quốc tế.
Tại làng Bến Tre ở Cuba có một ngôi nhà sàn phiên bản Nhà sàn Bác Hồ có tên Nhà Việt Nam. Đây là một bảo tàng mi ni, chính xác là nhà trưng bày những hình ảnh, hiện vật về tình hữu nghị, tình đồng chí, tình anh em hiếm có Cuba – Việt Nam.
Tại tỉnh Bến Tre có làng mang tên Moncada. Pháo đài Moncada của chế độ độc tài Baptista là nơi diễn ra cuộc tiến công của Fidel và các đồng chí của ông năm 1953, khởi đầu Cách mạng Cuba.