Vạn nấm mồ chờ người thân
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa trước kia là một vùng ngoại thành heo hút của TPHCM, cách sân bay Tân Sơn Nhất không xa. Lịch sử hình thành nghĩa trang cũng thật là tình cờ. Những người chủ đất nói với chúng tôi: “Trước 1975, nơi này người dân trồng trọt, chăn nuôi, chủ yếu làm vườn. Rồi chẳng biết từ đâu, người ta thường chôn cất người quá cố ở nơi này. Các chùa, các giáo xứ, dân thường tới mua các vạt đất để chôn người thân từ đó hình thành nên cái nghĩa trang lớn nhất Sài Gòn”.
Chị Út, một người dân nghèo sinh sống làm ăn ngay trong nghĩa trang của chùa Xá Lợi bùi ngùi đứng giữa ngàn nấm mộ, cái đã chuyển đi, cái sắp di dời bảo: “Phật tử chùa Xá Lợi trước kia khi mất đều chuyển về đây để được an nghỉ gần nhau, giờ theo chủ trương giải tỏa nghĩa trang ra khỏi trung tâm thành phố, mỗi người lại đi về một nơi, chẳng biết về đâu. Con cháu có điều kiện đem gửi tro cốt vào chùa, quen chùa nào gửi chùa ấy, khá nữa thì mua đất ở nghĩa trang Đa Phước của thành phố mà đưa về. Còn nhiều ngôi mộ vẫn không ai đến nhận, đang nằm kia”.
Những ngôi mộ được đánh số và trong số khoảng vài ngàn ngôi mộ của khu vực nghĩa trang chùa Xá Lợi đã được người dân di dời hầu hết, nhưng vẫn còn khoảng vài trăm ngôi mộ chưa thấy người thân tới nhận và cũng không rõ mộ của ai.
Năm 2010 của UBND TPHCM quyết định di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân với diện tích đất ảnh hưởng là 44,4 ha, trong đó diện tích đất cần thu hồi là 40,6 ha và số lượng mộ phải di dời khoảng 75.000 ngôi.
Từ năm 2010 đến nay, các cơ quan liên quan đã thực hiện 4 đợt đưa thông tin trên báo đài, pano, loa… về dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa để thân nhân biết tìm về di dời tro cốt người quá cố. Theo Ban quản lý dự án, đến thời điểm tháng 4/2017 : “Do thân nhân các ngôi mộ cư trú ở nhiều địa phương trên cả nước nên việc tuyên truyền trong thời gian qua chưa đạt được hiệu quả cao, đến nay chỉ có 10.812 mộ có thân nhân kê khai (trong đó, 5.092 mộ đã bốc và 5.720 mộ thân nhân chưa liên hệ đăng ký ngày bốc mộ)”. Như vậy có hàng vạn ngôi mộ trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa, Ban giải tỏa đền bù vẫn chưa nhận được liên hệ từ thân nhân của họ cũng như kế hoạch di dời của các gia đình.
Những người quản trang nói: “Tiếng là nghĩa trang của TPHCM nhưng quê quán của những người đang an nghỉ nơi đây đến từ khắp mọi miền đất nước, thậm chí con cháu giờ đang sống ở khắp nơi trên thế giới. Hy vọng con cháu sẽ kịp về nhận mồ mả người thân để đem đi cải táng. Nếu không, thành phố sẽ quy tập đồng loạt các ngôi mộ về các địa điểm mới theo quy định, để đảm bảo tiến độ dự án giải phóng mặt bằng”.
Chị Lan, một người gốc Huế sống ở Củ Chi nói: “Chúng tôi 3 ngày lên nghĩa trang một lần, vì cứ sợ nghĩa trang bị giải tỏa sẽ mất mộ”. Vợ chồng chị tâm sự: “Chúng tôi là người công giáo, sẽ đưa cốt người thân của chúng tôi về nhà thờ”. Theo chị Lan, mọi chi phí di dời mộ đều do thành phố chi trả, gia đình không mất tiền. Tuần tới, họ sẽ đưa người thân về nhà thờ của giáo xứ mình.
Nghĩa trang khổng lồ Bình Hưng Hòa chia thành nhiều khu vực chôn cất theo tôn giáo, theo dòng họ, đồng hương… Những người thực hiện việc di dời là các công nhân bên quản trang, bảo: “Có ngày chúng tôi bốc cả chục ngôi mộ cho giáo dân. Họ đưa thân nhân về đâu, chúng tôi không biết”. Thường, họ sẽ bốc mộ vào 4 giờ sáng hàng ngày.
“Ăn theo” dịch vụ mai táng nở rộ, anh Tài, một người dân địa phương đã mở một quán nhỏ để bán đồ ăn, nước uống, phục vụ những người thân đi tìm mộ và những công nhân mai táng. Anh Tài nói: “Ngày nào cũng có dăm ba chục người lui tới tìm mộ, làm thủ tục. Họ tới từ Nam Định, Hải Phòng, Yên Bái, Hà Nội… đủ cả. Những người may mắn thì tìm được mộ ngay, nhiều người tìm mãi chưa thấy gì”.
Đẩy nhanh tiến độ dự án trong mùa khô
Những người dân sống xung quanh khu vực nghĩa trang đều đồng tình với việc giải tỏa 75.000 ngôi mộ hiện đã nằm trong khu dân cư đông đúc khiến không khí, nguồn nước đều bị ô nhiễm.
Chị Bích, có nhiều năm bán tạp hóa đối diện nghĩa trang nói: “Nghĩa trang này nằm trong diện giải tỏa nên nhiều năm không được nâng cấp, sửa chữa nên hư hại xuống cấp rất nhiều. Chừng dăm năm nay không thấy sơn sửa tu bổ các ngôi mộ như trước nữa. Nghĩa trang cả vạn ngôi mộ phủ đầy rong rêu. Di dời các ngôi mộ đến nghĩa trang mới đẹp hơn là điều tốt cho tất cả”.
Trong khu quản trang, đại diện Ban giải tỏa đền bù vẫn miệt mài làm việc, cung cấp thủ tục giấy tờ cho người di dời mộ phần người thân. Mới đây Ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng quận Bình Tân đã ra thông báo: Đối với 2.769 ngôi mộ còn lại của giai đoạn 1 chưa có thân nhân bốc mộ di dời, nếu các gia đình không liên hệ di dời, “sau ngày 30/10/2017 Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận sẽ thực hiện công tác bốc mộ hàng loạt theo kế hoạch và hỏa táng, lưu giữ tro cốt tại chùa Di Lặc”...
Những lưu dân bất đắc dĩ ở Bình Hưng Hòa
Công cuộc di dời nghĩa trang lớn nhất TPHCM vẫn đang tiếp diễn và cuộc sống của những “cư dân nghĩa trang” cũng đang xáo trộn từng ngày. Chị Út, người đã vài chục năm mưu sinh trong nghĩa trang nói: “Các ngôi mộ chuyển đi hết rồi, cuộc sống chúng tôi rất khó khăn. Trước đến nay, sinh kế chúng tôi là nhận chăm sóc các mộ phần cho nhiều gia đình, lo hương hoa, sơn sửa mộ…”.
Có những gia đình đã từng sống ở vùng này khi nghĩa trang mới hình thành, họ còn nhớ tới một vùng đất hoang sơ, dân chủ yếu trồng sắn, trồng cả mía nữa. Vùng đất cao ráo này, trồng sắn rất thơm, trồng mía rất ngọt. Rồi khu nghĩa trang hình thành nên, người ta không trồng sắn, mía nữa, dành đất cho cỏ dại bời bời quanh “thành phố của người âm”. Giờ đây, tới lượt thành phố của người âm lại nhường chỗ cho thành phố của người dương. Anh Tài nói: “Rồi chúng tôi sẽ phải đi tìm công ăn việc làm khác khi nghĩa trang không còn nữa”. Từ một cậu nhóc, anh Tài lớn lên cùng với nghĩa trang, buôn bán nước ngọt, đồ ăn linh tinh ngay trong nghĩa trang của người công giáo. Anh nói: “Cuộc sống sẽ thay đổi, chẳng biết sau này nơi đây sẽ mọc lên những công trình gì và có ai còn nhớ cái nghĩa trang khổng lồ này không?”.
Hai vợ chồng chị Lan sống trong một cái ống cống trong nghĩa trang, họ nói: “Chúng tôi làm nghề đồng nát quanh đây, giờ cuộc sống khó khăn quá, không đủ tiền trả tiền thuê nhà, nên vào nghĩa trang để sống khỏi tốn tiền thuê nhà”. Cái cống dài, họ để chăn chiếu trong đó mà sống, mùa mưa, nước ngập cả cống.
Chị Lan dẫn tôi đi sâu vào nghĩa trang Bình Hưng Hòa, nơi giải tỏa gần xong, nơi sắp giải tỏa, để gặp một người con gái tên Nhàn. Cô gái này sinh sống quanh những nấm mộ đã mấy năm. Nhàn phơi chiếu và áo trên những ngôi mộ, miệng cười bâng quơ. Chị Lan nói: “Người quanh đây đều bảo trước đây Nhàn là một cô gái bình thường như mọi người. Một hôm, uống rượu say, vào phá những ngôi mộ ở Bình Hưng Hòa, từ đó chẳng hiểu vì ân hận hay bị người âm trách phạt mà Nhàn trở nên ngớ ngẩn thế này. Suốt ngày cô ấy cứ đi lang thang trong các nghĩa trang, chăm sóc hương hoa cho những nấm mồ vô chủ”.
Chị Lan chỉ vào cái cống mà mình đang sinh sống, ngùi ngùi: “Những người như chúng tôi thì không trong diện đền bù gì cả. Khi nào không còn nghĩa trang nữa, chúng tôi sẽ tìm nơi khác để sinh sống với cái nghề đồng nát của mình”.
11/2017
Để tránh việc nhầm lẫn tro cốt khi di dời mộ mà không có thân nhân, Ban giải phóng mặt bằng, sẽ có biên bản Điều tra hiện trạng và bốc mộ di dời; Hình chụp kết cấu mộ, bia mộ;Sơ đồ định vị ngôi mộ (trên bản chụp Flycam); Biên bản giám sát cộng đồng, Biên nhận gửi tro cốt tại nơi lưu giữ hũ cốt. Sau khi bốc mộ hàng loạt và lưu giữ tro cốt, Ban sẽ tiến hành đăng báo ba kỳ trong vòng ba tháng để thân nhân đến nhận. Sau ba kỳ đăng báo nếu không có người nhận xem như mộ vô chủ.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, cơ quan chức năng sẽ tiến hành di dời hơn 16.479 ngôi mộ có diện tích 18 ha đất trong tổng 44ha của toàn khu nghĩa trang. UBND TPHCM mới đây đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của 7 khu dân cư trên địa bàn quận Bình Tân. Theo đó, các khu dân cư này đều được quy hoạch theo hướng cải tạo chỉnh trang và xen cài xây dựng mới, khu công trình dịch vụ công cộng và khu công viên cây xanh. UBND quận Bình Tân dự kiến phần diện tích 18 ha nghĩa trang đã được di dời sẽ giao lại cho thành phố đem ra đấu giá làm trung tâm thương mại nhằm tái tạo nguồn vốn để tiếp tục di dời các phần mộ còn lại. Nguồn thu từ 18ha nghĩa trang này ước đạt gần 2.500 tỷ đồng(tương đương với việc bán đấu giá 15 triệu đồng/m2).