Những người sống cùng xác chết ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa

Những người sống cùng xác chết ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa
"Hàng ngày, hàng giờ chúng tôi phải tiếp xúc với xác chết, tươi có, hôi thối, nguyên vẹn có, không còn đầy đủ cũng có… Nhưng họ đều có một điểm chung là không rõ danh tính, địa chỉ...", anh Tròn kể.

Những người sống cùng xác chết ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa

Nơi không dành cho những người yếu bóng vía

Những người sống cùng xác chết ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa ảnh 1

Có những người khi chết đi lại không có bất cứ người thân nào ở bên cạnh, thậm chí họ bị coi là vô danh, vô thừa nhận khi không có bất cứ dòng thông tin cá nhân nào về bản thân…

Ông Nguyễn Hữu Lộc, Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ môi trường - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Tp HCM, đơn vị quản lý trực tiếp lò thiêu Bình Hưng Hòa, cho biết:

"Do đặc thù công việc khá đặc biệt ở phòng lưu trữ tro cốt và chứa xác vô thừa nhận tại lò thiêu nên rất khó tuyển người mới vào nghề nhặt xác và bảo quản tử thi, tro cốt. Để giải quyết nhân sự, xí nghiệp phải luân chuyển những người làm ở các bộ phận khác như lò thiêu, quản trang... qua bộ phận này. Với nhiều người, công việc này có thể rất "rùng rợn" nhưng thực tế nó có rất nhiều ý nghĩa cao đẹp, hợp với đạo lý "nghĩa tử là nghĩa tận" của người Việt Nam".

Những bịch tro cốt của những người vô thừa nhận được xếp chồng lên nhau.

Để đến khi bị hỏa thiêu, họ chỉ còn lại nắm tro cốt vẫn chẳng có ai tới nhận về lo hương khói. Ai sẽ giúp cho những linh hồn kia siêu thoát? Chúng tôi đi tìm lời đáp từ nghĩa trang Bình Hưng Hòa, TP.HCM.

Không phải ai cũng biết ở thành phố đông dân nhất nước này có một nơi lưu giữ tro cốt và những thi thể vô thừa nhận. Đây là nơi tiến hành các thủ tục khám nghiệm tử thi vô danh, bảo quản, bàn giao cho thân nhân, hỏa thiêu, lưu trữ tro cốt của gần như tất cả xác chết vô danh trên địa bàn Tp HCM.

Quả thật khi tìm đến khu nhà này - Phòng lưu trữ tro cốt và chứa xác vô thừa nhận tại lò thiêu Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), chúng tôi không tránh khỏi cảm giác ớn lạnh vì đầu tiên đặt chân vào khu vực "chẳng ai muốn đến" này.

Khu vực bảo quản tử thi nằm cô quạnh, vắng lặng phía trong cùng của lò thiêu Bình Hưng Hòa, gồm ba phòng nhỏ nằm liền kề: phòng nhân viên ở, phòng chứa xác và phòng mổ tử thi.

Điều đáng nói, ba căn phòng này nằm sát vách nhau, có chăng là căn phòng của nhân viên - nơi ba công nhân nam ngày đêm làm việc theo ca ăn uống, nghỉ ngơi - nằm quay mặt lại với hai phòng kia (chưa kể ngay phía trước căn phòng lạnh chứa xác là một dãy dài áo quan dùng phục vụ cho việc hỏa táng). Quả thật, nơi này không dành cho những người yếu bóng vía!

Nằm bên phải, trong cùng của dãy nhà này là hai container lớn chứa những hũ, bọc tro cốt. Chiếc container phía trong dùng lưu trữ những bộ hài cốt vô danh từ những nguồn khác nhau, được bọc trong các túi nilon xếp chồng lên nhau.

Ngay trước đó là một container khác chứa những hũ tro cốt của nhóm mộ vô danh thuộc một góc của nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã được bốc và hỏa thiêu phục vụ cho việc di dời.

Trên mỗi hũ đều có ghi vài dòng thông tin sơ sài về giới tính, thời gian và địa điểm thu nhặt xác.

Anh Trịnh Xuân Hưng, Đội trưởng Đội trung tâm hỏa táng (quản lý trực tiếp khu lưu giữ này), cho biết, hiện có ba công nhân nam thay phiên nhau túc trực tại khu nhà này (công việc được chia làm hai ca, ba người luân phiên trực, hai người một ca).

"Trung bình một tuần cũng phải có hơn mười tử thi được đưa về đây bảo quản. Sau khi tử thi được đưa đến đây, các bác sĩ pháp y sẽ khám nghiệm tìm nguyên nhân tử vong. Sau đó, tử thi sẽ được giao ngay cho thân nhân (nếu may mắn có thân nhân đến nhận).

Nhưng nếu chưa xác định được thì sau khi khám nghiệm, tử thi sẽ được các công nhân làm vệ sinh sạch sẽ rồi xịt dung dịch bảo quản và đưa vào hộc lạnh (ở đây có 5 máy với 12 hộc tủ đông, trong đó có ba ngăn để chứa xác chết trôi) lưu giữ… Khi hết thời gian điều tra, cơ quan Công an cho phép hỏa thiêu thì phía lưu giữ mới tiến hành phần hậu sự cuối cùng cho người đã mất.

 
Anh Nguyễn Văn Tròn chia sẻ về công việc của mình
Anh Nguyễn Văn Tròn chia sẻ về công việc của mình.

Cũng theo anh Xuân Hưng thì với những hũ, bịch tro cốt sau khi thiêu sẽ được lưu trữ trong container trên 7 năm. Trong trường hợp quá tải vì số lượng tro cốt lưu giữ quá nhiều, thì đội sẽ phải lập danh sách tro cốt lưu trữ trên 7 năm rồi xin ý kiến cấp trên.

Sau khi được cấp trên đồng ý, những tro cốt này sẽ được để chung vào một cái quách lớn rồi chuyển lên nghĩa trang Hóa An (Biên Hòa, Đồng Nai) chôn xuống. Tại đây sẽ tiếp tục lưu giữ danh sách của những tro cốt này, để trong trường hợp nếu có gia đình thân nhân nào đến vẫn có thể tìm được cốt của người thân.

Sống cùng xác chết

Hôm chúng tôi đến, ngoài anh Xuân Hưng, còn có hai anh Nguyễn Văn Tròn (SN 1961) và anh Mã Quang Nhiều (SN 1973) đang trong ca trực. Anh Tròn vốn quê gốc ở Bình Dương, hơn 30 năm qua anh đã luân chuyển qua nhiều nơi làm việc, hết nghĩa trang Lái Thiêu, nghĩa trang Biên Hòa, lò thiêu Bình Hưng Hòa và làm việc tại nơi lưu trữ thi thể vô thừa nhận gần hai năm nay. Trong khi đó, anh Nhiều dù ít tuổi đời hơn anh Tròn nhưng lại có tới hơn 10 năm gắn bó với nơi này.

"Tôi không nhớ rõ được hết quá trình làm việc của mình, nhưng có thể nói từ năm 1991, tôi đã làm nghề vớt xác. Sau đó, dù đã luân chuyển qua nhiều chỗ khác nữa nhưng thực tế công việc của tôi luôn phải gắn với những… xác chết. Hơn mười năm trước cho đến nay tôi chuyển hẳn sang công việc tại đây. Chẳng ai muốn làm công việc này cả, nhưng có lẽ về mặt nào đó, chắc tôi có "duyên".

Tiếp lời đồng nghiệp, anh Tròn cười nói: "Đây là một công việc vô cùng đặc biệt. Hàng ngày, hàng giờ chúng tôi luôn phải tiếp xúc với xác chết, tươi có, hôi thối, trương sình cũng có; nguyên vẹn có, không còn đầy đủ cũng có…

Nói chung là họ chết vì đủ kiểu, đủ lý do, nào tai nạn giao thông, đuối nước, sốc thuốc, đột quỵ… nhưng họ đều có một điểm chung là không rõ danh tính, địa chỉ cư trú. Công việc lâu ngày và hầu như ngày nào cũng nhận tử thi, cũng mổ xẻ để giám định nên chúng tôi quen thuộc và cũng không muốn nhớ bất cứ một trường hợp nào cả".

Tuy vậy, sau một hồi lục lại trí nhớ của mình, anh Tròn lặng người kể: "Có một trường hợp khiến tôi không thể quên. Đó là chỉ cách đây vài tháng, khi tiếp nhận và làm vệ sinh cho một thi thể nữ giới, tôi thấy giật mình kinh sợ bởi nạn nhân còn rất trẻ, chắc chỉ hơn 20 tuổi. Không biết vì lý do gì mà trên người cô này tôi đếm sơ qua đã có tới hơn 70 nhát dao đâm. Một cái chết quá rùng rợn".

Những bịch tro cốt của những người vô thừa nhận được xếp chồng lên nhau
Những bịch tro cốt của những người vô thừa nhận được xếp chồng lên nhau.

Giống như anh Tròn, anh Nhiều cũng gần như không nhớ gì về công việc đã qua, nhưng cũng có một trường hợp mà đã vài lần anh kể cho mọi người nghe bởi nó khiến anh mãi ám ảnh. Đó là tình cảnh đáng thương của một người vợ quê ở miền Tây đến nhận xác chồng.

Khi vào phòng bảo quản tử thi, vừa nhìn thấy mặt chồng, người vợ này cũng như một số người thân khác đi cùng đều có cảm giác sững sờ bởi gương mặt hoàn toàn chẳng có nét gì giống người thân mình.

Theo lời họ thì anh chồng này trước kia khá mập mạp, to cao, khác hoàn toàn với thân hình cái xác gầy khô, hai mắt trũng sâu, biến dạng, do đó họ nhất quyết bảo rằng thi thể đó không phải là chồng, là con của họ.

Tuy nhiên, sau một hồi lưỡng lự, người vợ đã nhờ anh Nhiều lật ngược thi thể lại, chính cái hình xăm trên lưng người chồng mà người vợ mới dám khẳng định đó là chồng mình và làm thủ tục nhận xác về lo hậu sự.

Theo anh Nhiều thì "lịch sử" cái xác này cũng khá đặc biệt. Trước lúc chết, anh này thụ án ở nhà giam Chí Hòa, do bị nghiện ma túy lâu ngày và nhiều căn bệnh hành hạ nên càng ngày thân hình anh này càng teo tóp lại. Đến khi mất, đưa về Bình Hưng Hòa thì gần như anh này chỉ còn da bọc xương, do đó người nhà mãi mới nhận ra, vì có vết xăm trên lưng do người vợ nhớ được.

Tuy vậy, đây chỉ là một trường hợp cụ thể, vì cũng như tất cả các thi thể khác, dù được bảo quản trong hộc lạnh nhưng chỉ một tuần sau mặt mũi tử thi đã biến dạng, rất khó nhận diện.

Do đa số các thi thể khi được đưa đến đây, tỷ lệ người thân tìm tới khá ít nên mỗi lần một thi thể nào đó có người thân đến nhận là những công nhân ở đây đều tỏ ra thỏa nguyện.

"Thật tình nếu nói vui mừng thì hơi kỳ nhưng quả thật không thể nói khác được vì dù sao người xấu số đó cũng được an ủi, được về với gia đình, quê hương của mình, được lo hậu sự, nhang khói để họ không còn bị oan khuất, lẻ loi lúc nằm xuống", anh Tròn chia sẻ. Cũng theo anh Tròn thì thực tế vẫn có những thi thể có tên tuổi rõ ràng nhưng thân nhân có lẽ vì hoàn cảnh quá nghèo, không thể lo tang ma, hoặc vì những lý do nào đó nên cũng không muốn mang về…

Quá đồng cảm, nặng lòng với nỗi đau của những gia đình mất người thân mà không tìm ra, với những người đã khuất nhưng không được lo hậu sự như bao người nên trong công việc hàng ngày các công nhân như anh Nhiều, anh Tròn luôn tâm niệm làm việc hết mình, chu toàn mọi việc. Đồng thời các anh cũng không quên việc chăm lo hương khói như với bất cứ người nào đã nằm xuống, trở về với cát bụi.

"Ở đây, mỗi tháng, mỗi quý, tôi và các anh em khác đều nhang khói và dọn dẹp sạch sẽ nơi lưu giữ tro cốt để những vong hồn người đã khuất đỡ lạnh lẽo", anh Nhiều, anh Tròn bộc bạch.

Dù rất ít khi xảy ra nhưng vẫn có trường hợp sau khi đã lưu giữ ở đây một thời gian dài, người thân mới đến làm thủ tục nhận tro cốt. Sau khi xác minh thông qua hồ sơ pháp y, hình ảnh, dấu vân tay phía bên Công an, người thân thì sẽ được nhận mà không phải trả bất cứ một khoản phí nào.

Công việc gian nan, vất vả, độc hại như vậy, hơn nữa lương bổng cũng chỉ khoảng 7-8 triệu đồng (ngoài ra mỗi quý các anh còn nhận thêm vài ký đường và vài hộp sữa đặc gọi là phụ cấp độc hại) nhưng khi đã gắn bó với nghề này rồi bao nhiêu năm nay chưa ai bỏ nghề và cũng chưa có ai bị lây nhiễm bệnh tật vì mỗi khi vào việc thì chuyện cẩn trọng và trang bị kỹ thuật là điều luôn được các công nhân này lưu tâm…

"Thực tế, trước khi làm công việc này, các công nhân đều đã trải qua nhiều khâu khác trước (nhưng đều có liên quan tới các xác chết) để dạn dĩ rồi mới đủ can đảm. Phải thừa nhận, đây là công việc không phải ai cũng dám làm, do đó các công nhân ở đây đều có tinh thần tự nguyện và hi sinh rất lớn", anh Xuân Hưng cho hay.

Quả thật, đây rõ ràng là một công việc vô cùng đặc biệt nhưng chắc chắn nó có rất nhiều ý nghĩa cao đẹp với cả người sống lẫn người chết! Bởi nhờ các công nhân ở đây, người chết vẫn có một nơi để lưu trú, bớt cô quạnh, để chờ người thân đến nhận về. Hay cũng có thể nói chính họ đã góp một phần tìm ra những thông tin cá nhân sau khi cùng các bác sĩ pháp y khám nghiệm để giúp cơ quan điều tra làm rõ vụ án…

Theo Phú Lữ
Cảnh sát toàn cầu

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.