Chụp được những bức ảnh chưa từng thấy về sao Mộc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cầu vồng cực quang, những trận bão khổng lồ và các dải ngân hà xa xôi là những gì thể hiện trong loạt ảnh mới nhất về sao Mộc mà kính viễn vọng James Webb của NASA vừa chụp được.
Chụp được những bức ảnh chưa từng thấy về sao Mộc ảnh 1

Sao Mộc hiện lên rõ nét trong bức ảnh mới được kính viễn vọng James Webb chụp. (Ảnh: NASA)

“Nói thực, trước đây chúng tôi không nghĩ hình ảnh có thể tốt như thế này”, nhà thiên văn học Imke de Pater, giáo sư danh dự tại ĐH California, cho biết trong thông cáo báo chí.

De Pater và GS Thierry Fouchet (công tác tại Đài thiên văn Paris), dẫn đầu nhóm nghiên cứu về hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời của chúng ta, đồng thời cũng là nỗ lực quốc tế của NASA, Cơ quan vũ trụ châu Âu và Cơ quan vũ trụ Canada.

Trong những bức ảnh mới, sao Mộc hiện lên sống động, với những tia sáng màu cam và xanh ở viền hai cực và những dải tím ở giữa. Các bức ảnh cũng cho thấy những vòng sáng nhạt và những thiên hà xa xôi.

Điểm đỏ khổng lồ nổi tiếng của sao Mộc – trận bão đủ lớn để nhấn chìm Trái đất – xuất hiện với màu trắng trong những bức ảnh mới.

Nhiều điểm và vệt màu trắng sáng có thể là đỉnh mây của những trận bão đối lưu ngưng tụ, Heidi Hammel, phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học nghiên cứu về thiên văn, giải thích.

NASA cho biết, các nhà khoa học thiên văn hợp tác với nhà khoa học dân sự Judy Schmidt để dịch dữ liệu từ các bức ảnh tổng hợp mà kính thiên văn James Webb chụp được, để có thể có cái nhìn rõ hơn về môi trường trên sao Mộc.

Chụp được những bức ảnh chưa từng thấy về sao Mộc ảnh 2

Mắt bão khổng lồ có màu trắng trong bức ảnh mới. (Ảnh: NASA)

Theo ông Schmidt, sao Mộc khó chụp vì nó quay rất nhanh.

Sao Mộc không phải mục tiêu duy nhất của kính James Webb. Kính viễn vọng vũ trụ đang dùng ánh sáng hồng ngoại để khám phá các khía cạnh không thể nhìn thấy của vũ trụ.

Kính thiên văn khổng lồ này được chế tạo từ năm 2004 và bắt đầu hoạt động vào tháng 2/2022. Nhiệm vụ của nó là làm rõ mọi giai đoạn của lịch sử vũ trụ, bao gồm những quầng sáng đầu tiên sau vụ nổ big bang tạo nên vũ trụ của chúng ta và sự hình thành các ngân hà, ngôi sao và hành tinh vẫn tồn tại đến ngày nay.

Kính thiên văn này cũng đang khám phá và quan sát các hệ ngoại hành tinh, với mỗi hệ bao gồm một hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta và sao chủ của nó.

Một số ngoại hành tinh có thể phù hợp cho con người sinh sống, và việc quan sát bầu khí quyển của chúng có thể nhìn ra manh mối cho nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất.

Theo CNN
MỚI - NÓNG