Năm học 2021-2022, các địa phương thực hiện chương trình, SGK mới ở lớp 1, 2, 6, trong đó lớp 6 là năm đầu tiên xuất hiện các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên (KHTN), Lịch sử - Địa lý. Do chưa có giáo viên dạy tích hợp nên đa số trường học phải phân công 2-3 giáo viên dạy 1 bộ môn.
“Năm học này, Bộ GD&ĐT vẫn đặt mục tiêu kiên trì đảm bảo chất lượng dạy học, dù đây là thách thức không nhỏ khi có nhiều trường học trên cả nước đang phải dạy học trực tuyến để ứng phó với dịch bệnh”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ
Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông - Sở GD&ĐT Tuyên Quang, bà Nguyễn Thị Hằng nói rằng, những tuần đầu thực hiện chương trình GDPT mới, các cơ sở có phần lúng túng. Sở GD&ĐT đã khẩn cấp thành lập Tổ tư vấn triển khai thực tế tại các trường.Mỗi trường đã xây dựng được kế hoạch giáo dục phù hợp điều kiện giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất của mình. Theo bà Hằng, việc triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 1, lớp 2 cơ bản thuận lợi, nhưng với lớp 6 thì thời gian đầu gặp khó khăn trong tổ chức dạy các môn học mới là KHTN, Lịch sử - Địa Lý và Nghệ thuật (kết hợp Mỹ thuật và Âm nhạc). Hầu hết các trường thiếu giáo viên, việc sắp xếp đội ngũ để dạy môn học mới trở thành việc khó.
Bà Lý Thị Hương Mai, Hiệu trưởng Trường THCS An Tường (TP Tuyên Quang), chia sẻ, năm đầu tiên dạy bộ môn tích hợp đã phải thử các cách làm khác nhau. Ban đầu, trường tổ chức dạy môn KHTN lớp 6 theo cách “chạy” song song các chủ đề và dạy tuần tự chủ đề theo logic trong chương trình môn học. Kết quả cho thấy, dạy theo logic tuyến tính, học sinh dễ tiếp thu hơn.
Nhiều cách làm
Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình, ông Nguyễn Viết Hiển, cho biết, từ đầu năm học, tất cả các cơ sở được dạy học trực tiếp, do đó khá thuận lợi trong việc triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 1, 2, 6. Với lớp 6, trường học có thể bố trí nhiều giáo viên tham gia giảng dạy, mỗi người dạy theo các chủ đề phù hợp với chuyên môn đào tạo. Riêng môn KHTN lớp 6, các trường đều tổ chức giảng dạy theo logic tuyến tính của chương trình. Mỗi giáo viên phụ trách chính một chủ đề dạy học và nếu tuần nào thầy cô có nhiều tiết dạy ở bộ môn này sẽ được giảm số tiết dạy các lớp 7, 8, 9.
Đối với lớp 1, lớp 2, rút kinh nghiệm từ năm học trước, giáo viên được quyền linh hoạt, chủ động áp dụng nhiều phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục để phù hợp với tâm lý học trò. Học sinh lớp 1, lớp 2 của tỉnh được học 2 buổi/ngày.
Về cách triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 6, một số hiệu trưởng cho biết gặp khó khăn trong sắp xếp thời khóa biểu khi có tới 2-3 giáo viên đứng lớp 1 bộ môn. Tuy nhiên, sau khi giao cho 1 giáo viên phụ trách chính điều tiết, trao đổi đã thuận lợi hơn. Khi xây dựng giáo án cho từng chủ đề, những phần có nội dung kiến thức tích hợp liên môn, các giáo viên sẽ cùng trao đổi, hỗ trợ người dạy chính chủ đề đó. Bài kiểm tra giữa học kỳ được phân chia tỷ lệ câu hỏi cho từng phân môn tương ứng với lượng kiến thức học sinh đã học đến thời điểm đó. Ba giáo viên dạy môn KHTN cùng tham gia chấm bài và thống nhất 1 đầu điểm.
Bà Phạm Quỳnh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Hưng (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), cho biết, nhà trường phân công riêng một phó hiệu trưởng trực tiếp phụ trách lớp 6 để bám sát các hoạt động giáo dục và hỗ trợ giáo viên. “Các môn học mới, nhà trường bố trí một giáo viên phụ trách chính. Trong đó, môn Lịch sử - Địa lý tổ chức dạy theo 2 phân môn riêng, đảm bảo đến thời điểm kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, mỗi phân môn thực hiện cơ bản tương đương về số tiết. Với môn KHTN, mỗi giáo viên phụ trách chính một chủ đề có liên quan chuyên môn môn học mình đang phụ trách”, bà Hương nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị địa phương có giải pháp tháo gỡ vấn đề thiếu giáo viên, trước mắt, cần ký hợp đồng dạy học. Về lâu dài, Sở GD&ĐT cần xin cơ chế đặc thù để được tuyển đủ đội ngũ so với định mức cần thiết hiện nay. Khi học sinh vẫn được học trực tiếp, cơ sở giáo dục cần tranh thủ thời gian “vàng” để nâng cao chất lượng dạy học, giúp các em tiếp cận chương trình một cách tốt nhất, và sẵn sàng chuyển hướng khi cần thiết.