Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giáo viên có bị 'vỡ trận'? ​

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Các nhà giáo dục cho rằng, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, khi các em có quyền chọn môn học thì việc có những môn không có học sinh sẻ là tất yếu, giáo viên có nguy cơ thất nghiệp khi học sinh không lựa chọn môn học.

Giảm cho học sinh nhưng tăng việc cho giáo viên

Trao đổi với Tiền Phong, Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng, khi các em có quyền chọn môn học thì việc có những môn không có học sinh sẻ là tất yếu và giáo viên có nguy cơ thất nghiệp khi học sinh không lựa chọn môn đó.

Ông Hiền quan điểm, chương trình phổ thông tổng thể mới nói chung không có gì mới mà chỉ đơn giản là tích hợp lại một số kiến thức và nhào nặn cho phù hợp với hướng tiếp cận năng lực.

Ông Hiền chỉ ra rằng, thực tế, việc đưa các môn tự chọn vào chương trình THPT về mặt ý nghĩa nhằm tạo cơ hội cho học sinh để lựa chọn môn học mình thích theo khả năng của mình và định hướng nghề nghiệp cho các em. Nhưng thực tế với bối cảnh giáo dục hiện nay của chúng ta còn nhiều rào cản để thực thi nó hiệu quả.

Nhận xét về chương trình, Ông Hiền cho biết, việc chương trình mới như về công bố chỉ giảm tải về mặt số lượng môn học nhưng về khối lượng công việc cho giáo viên sẽ tăng lên rất nhiều.

Chương trình mới sẻ đòi hỏi giáo viên không chỉ phải tiếp cận với phương pháp dạy mới mà cần phải nâng cao kiến thức liên nghành, liên môn của mình. Nếu giáo viên nào ngại thay đổi hoặc chậm thay đổi e khó có thể đảm bảo được yêu cầu của chương trình giáo dục theo hướng tiếp cận này”- Ông Hiền nói.

Ông Hiền cho rằng, chương trình học được thiết kế theo lớp cố định thiếu đi sự kết nối và chuyển tiếp giữa các lớp học trung cùng một khối. Nếu thực hiện chúng ta liệu có chấp nhận một lớp học chỉ có 2 đến 3 học sinh học hay không?

“Chẳng hạn, môn Sử các em không thích vì vậy đăng ký học một vài em thì chúng ta sẻ tổ chức lớp học như thế nào? Thêm một vấn đề khác nếu học môn tự chọn đồng nghĩa có những môn sẻ có nhiều học sinh của lớp khác cùng đăng ký học chung vậy chúng ta sẻ tổ chức lớp ra sao?”- Ông Hiền đặt câu hỏi.

Nhiều môn sẽ vắng bóng, giáo viên thất nghiệp?

Bộ GD&ĐT chính thức công bố chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo chương trình phổ thông tổng thể mới được công bố, ở cấp THPT, các môn học bắt buộc cũng như có môn tự chọn.

Ngay sau khi bộ GD& ĐT chính thức công bố chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, đã có rất nhiều giáo viên bộ môn bày tỏ sự lo lắng của mình về trình độ giáo viên và sự lựa chọn của học sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi cho học sinh tự lựa chọn, sẽ có môn không được học sinh nào lựa chọn.

Trao đổi về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, với tâm lý học để thi, nếu như bộ GD&ĐT quyết định lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT sớm thì chắc chắn các môn không được lựa chọn sẽ  vắng bóng thậm chí tuyệt đối không có học sinh nào lựa chọn.

TS Hương cho rằng, để việc lựa chọn bộ môn yêu thích được diễn ra đúng như mong muốn của các nhà soạn thảo chương trình, thiết nghĩ bộ GD và ĐT cần có cơ chế thi tốt nghiệp THPT làm sao phù hợp để học sinh có thể lựa chọn cả môn thi cho mình. Như vậy, chắc chắn việc học tập sẽ được diễn ra hợp lý theo đúng nguyện vọng của các em.

Một vấn đề khiến giáo viên lo lắng là về việc giảng dạy tích hợp các môn học. Họ lo sợ rằng sẽ không đủ kiến thức để giảng dạy cho các học sinh.

TS Hương chỉ ra, việc giảng dạy này không khó nếu như người giáo viên chịu khó học hỏi, nâng cao kiến thức cho chính mình. Đồng thời phương pháp dạy học sẽ quyết định tất cả. Trách nhiệm của người giáo viên là kích thích khả năng tự tìm tòi, khám phá kiến thức và nâng cao kĩ năng của học sinh.

“Nếu các giáo viên biết cách bố trí bài học phù hợp, đưa ra các yêu cầu hợp lý và tôn  trọng ý kiến của học sinh thì việc giảng dạy sẽ rất hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng học sinh”- TS Hương nhấn mạnh.

Cũng theo TS Hương, việc giảng dạy kiến thức trông đợi vào hiểu biết của giáo viên là cách dạy cũ kĩ, thày giảng – trò ghi. Những kiến thức có trong đầu mỗi học sinh sẽ chỉ là một phần nhỏ kiến thức của thầy. Việc giảng dạy các bộ môn mới không phải là quá khó khăn đối với các giáo viên bộ môn.

TS Hương cho rằng, khi triển khai chương trình phổ thông mới, điều đáng lo ngại là cách đánh giá giáo viên vẫn chưa hề thay đổi. Người giáo viên vẫn phải chịu sự đánh giá cũ thì đương nhiên sẽ định hướng hoạt động của mình theo lối cũ. Bởi vì, lương bổng và các khoản trợ cấp của người giáo viên vẫn được tính toán theo cách đánh giá cũ.

“Chính vì vậy, việc đưa ra các chương trình mới này thực chất vẫn chỉ là “bình mới và rượu cũ”, chưa có sự đổi mới toàn diện”- TS Hương khẳng định.

MỚI - NÓNG