Bộ GD&ĐT chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới

Họp báo công bố chương trình Giáo dục phổ thông mới
Họp báo công bố chương trình Giáo dục phổ thông mới
TPO - Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tập trung trả lời câu hỏi  “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.

Chiều nay, 27/12, Bộ GD&ĐT đã họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới. Phát biểu trong cuộc họp báo,  GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, điểm mới của chương trình thể hiện rõ nhất ở việc, nếu, chương trình hiện hành và các chương trình giáo dục phổ thông trước đây trả lời cho câu hỏi: “học xong chương trình, học sinh biết được những gì?”.

Còn chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung trả lời câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.

Cũng theo GS Thuyết, để thực hiện mục tiêu đổi mới, Chương trình GDPT mới vừa kế thừa và phát triển những ưu điểm của Chương trình GDPT hiện hành, vừa khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình này. Những điểm cần khắc phục cũng chính là những khác biệt chủ yếu của chương trình mới so với chương trình hiện hành, cụ thể như sau:

GS Thuyết cho rằng, Chương trình GDPT hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Theo mô hình này, kiến thức vừa là “chất liệu”, “đầu vào” vừa là “kết quả”, “đầu ra” của quá trình giáo dục. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế.

Theo đó, chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kì vọng.

Theo cách tiếp cận này, kiến thức được dạy học không nhằm mục đích tự thân. Nói cách khác, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học.

Cũng theo GS Thuyết, chương trình GDPT hiện hành có nội dung giáo dục gần như đồng nhất cho tất cả học sinh; việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngay cả ở cấp THPT chưa được xác định rõ ràng.

Chương trình GDPT mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Chương trình GDPT mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng Chương trình tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này.

Chương trình GDPT hiện hành thiếu tính mở nên hạn chế khả năng chủ động và sáng tạo của địa phương và nhà trường cũng như của tác giả SGK và giáo viên.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ như thế nào?

Theo ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) - Chương trình GDPT mới bao gồm Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Bộ GD&ĐT đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà giáo và xã hội để chỉnh sửa, hoàn thiện, thông qua dự thảo Chương trình tổng thể ngày 27/7/2017. Trong quá trình hoàn thiện, các chương trình môn học đã được thực nghiệm những điểm mới về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13, Chương trình GDPT mới được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2)). Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).

Nội dung giáo dục cấp Trung học cơ sở bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).

Nội dung giáo dục cấp Trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương); 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ "giảm tải" thế nào?

Theo Bộ GD&ĐT, từ nhiều năm trước khi thực hiện Chương trình GDPT năm 2000, dư luận bắt đầu nêu lên hiện tượng “quá tải” trong GDPT.  

Bộ GD&ĐT cho rằng, chương trình GDPT mới áp dụng các biện pháp “giảm tải".

Thứ nhất, giảm số môn học và hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học)

Nhờ thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học, Chương trình GDPT mới giảm được số môn học so với chương trình hiện hành:

Theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.

Chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học.

Chương trình mới của các lớp THPT đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.

 Giảm số tiết học: Ở tiểu học, học sinh học 2.838 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.

  Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 3.124 giờ.

Ở THPT, học sinh học 2.284 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 giờ.

Ngoài ra, chương trình GDPT hiện hành thiên về trang bị kiến thức cho học sinh, do đó chứa đựng nhiều kiến thức kinh viện, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh.

Chương trình GDPT mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp THPT) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn.

Chương trình GDPT mới triệt để thực hiện phương pháp dạy học tích cực; theo đó, học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kĩ năng và vận dụng vào đời sống, còn thầy cô không thiên về truyền thụ mà đóng vai trò hướng dẫn hoạt động cho học sinh. Trong việc thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để giảm tải chương trình.

Chương trình GDPT mới xác định mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Từ phương thức đánh giá đến nội dung đánh giá, hình thức công bố kết quả đánh giá sẽ có những cải tiến nhằm bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.

MỚI - NÓNG