Chương trình đào tạo chất lượng cao ở đại học: Bình mới rượu cũ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11/2023 bãi bỏ quy định về chương trình chất lượng cao trình độ đại học (ĐH), các cơ sở đào tạo giáo dục ĐH như được “cởi trói” để biến đổi linh hoạt hơn. Các chương trình đào tạo (CTĐT) này được ví như “nồi cơm” của trường.

Năm 2014, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư số 23 quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH, đồng nghĩa giáo dục ĐH của Việt Nam có 3 CTĐT: đại trà (là CTĐT trình độ ĐH đang được thực hiện hợp pháp tại cơ sở đào tạo, hay còn gọi chương trình chuẩn); CTĐT nước ngoài ( đang được áp dụng ở một trường ĐH trong khu vực hoặc trên thế giới đã được công nhận đạt chất lượng bởi tổ chức kiểm định chất lượng có uy tín hoặc được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép thực hiện và cấp văn bằng); CTĐT chất lượng cao (có các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn CTĐT đại trà tương ứng, đồng thời đáp ứng các tiêu chí và điều kiện theo quy định).

Chương trình đào tạo chất lượng cao ở đại học: Bình mới rượu cũ ảnh 1

Sinh viên học chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân bảo vệ chương trình thực tập ngày 6/5 Ảnh: Diệp An

Điểm khác biệt của CTĐT chất lượng cao so với CTĐT đại trà là điều kiện đảm bảo chất lượng và học phí. Về học phí, các trường được xác định mức học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cho toàn khóa học mà không phải phụ thuộc vào quy định của Chính phủ như chương trình chuẩn tại các trường ĐH công lập. Thông tư này được ví như một sự “xé rào” trong vấn đề học phí vốn bức bối trong các trường ĐH khi đó. Để thu hút thí sinh, các trường ưu tiên mở rộng những ngành học nóng, có sức hấp dẫn với thí sinh sang đào tạo chất lượng cao. Đó cũng là lí do chương trình này được gọi là “nồi cơm” của các trường ĐH.

Trong thông báo tuyển sinh của Trường ĐH Cần Thơ, những ngành học nóng đều tuyển sinh song song 2 chương trình đại trà và chất lượng cao như Công nghệ Thông tin, Kĩ thuật phần mềm, Quản trị Kinh doanh; Tài chính - Ngân hàng

Tương tự như ĐH Hà Nội, trong thông báo tuyển sinh năm 2023, các ngành đào tạo chất lượng cao gồm: Công nghệ thông tin, ngôn ngữ Hàn Quốc, ngôn ngữ Trung Quốc, Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành. Đây là những ngành thu hút sự quan tâm lớn của thí sinh. Học phí chương trình đại trà là 650 - 790 nghìn đồng/tín chỉ, còn chương trình chất lượng cao đối với ngành Công nghệ thông tin và ngành Quản trị du lịch và Lữ hành là 1,390 triệu đồng/tín chỉ, cao gấp đôi hoặc gần gấp đôi chương trình chuẩn.

Trước năm 2022, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội có 6 ngành đào tạo và 100% các ngành này đều đào tạo chất lượng cao và mức học phí cao hơn so với các trường ĐH khác trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo chương trình chuẩn.

Năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội có 23 chương trình chất lượng cao và 35 chương trình đại trà. Các chương trình chất lượng cao chủ yếu thuộc nhóm ngành IT1 (Công nghệ thông tin) như Công nghệ thông tin Global ICT, An toàn không gian số, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Truyền thông số và Kĩ thuật đa phương tiện, Hệ thống nhúng thông minh và IoT, Kĩ thuật Điều khiển và Tự động hóa. Học phí của các chương trình này dao động từ 33 - 58 triệu đồng/năm học/sinh viên. Học phí chương trình đại trà dao động từ 23 - 29 triệu đồng/năm học/sinh viên.

Đổi tên để thu hút sinh viên

Sau khi Bộ GD&ĐT có thông tư bãi bỏ chương trình chất lượng cao theo Luật Giáo dục ĐH, một số cơ sở giáo dục ĐH quyết định dừng CTĐT chất lượng cao và chuyển sang tên gọi mới. Năm 2024, Trường ĐH Hà Nội quyết định dừng 5 chương trình chất lượng cao nêu trên. Thay vào đó, chuyển tên thành chương trình tiên tiến thêm 1 ngành nữa là Ngôn ngữ Anh.

Từ năm 2023, một số trường ĐH tại TPHCM bắt đầu dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao, thay vào đó là các chương trình khác. ĐH Quốc gia TPHCM có văn bản đề nghị các trường ĐH thành viên, phân hiệu và khoa trực thuộc dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao trình độ ĐH từ ngày 1/12/2023. Trước đó, các trường ĐH thuộc ĐH này đã chủ động loại bỏ chương trình chất lượng cao trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2024 hoặc thay bằng một tên gọi khác như chương trình dạy và học bằng tiếng Anh, CTĐT chuẩn quốc tế, chương trình tăng cường tiếng Anh…Hiện tại, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM có 20 ngành được phê duyệt dạy bằng tiếng Anh ở tất cả các khoa để triển khai từ khóa tuyển sinh năm 2023. Học phí của những ngành này năm 2024 khoảng 40 triệu đồng/học kì, gần gấp 3 lần chương trình chuẩn.

TS Vũ Văn Ngọc, Viện trưởng Viện Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao & POHE, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung năm 2018 không còn quy định CTĐT chất lượng cao nhưng cho phép trường ĐH được tự chủ phát triển các CTĐT. Do vậy, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tiếp tục phát triển chương trình chất lượng cao.

Hai năm qua, trường đã phát triển 18 chương trình chất lượng cao. Năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mở thêm 1 chương trình đào tạo chất lượng là chương trình Bảo hiểm tích hợp chứng chỉ quốc tế ANZIIF. Về học phí, ông Ngọc cho biết chương trình chất lượng cao sẽ được thu học phí theo quy định trong Nghị định 81, Nghị định 97 của Chính phủ về thu chi học phí.

Các chương trình chất lượng cao đều đã được kiểm định nên được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật. Học phí chương trình chuẩn của trường năm học 2024-2025 là từ 16-22 triệu đồng/năm/sinh viên, còn chương trình chất lượng cao sẽ tùy từng ngành có thông báo cụ thể. Được biết năm học 2023 - 2024, học phí ngành Khoa học dữ liệu trong kinh tế và Kinh doanh số chất lượng cao là 50 triệu đồng/năm học/sinh viên.

Có thể thấy, chương trình chất lượng cao của các trường ĐH đều tập trung ở những ngành học được đông đảo thí sinh và phụ huynh quan tâm vì cơ hội việc làm đầu ra tốt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn vì chương trình này nới rộng khoảng cách mất công bằng trong giáo dục giữa những thí sinh có điều kiện và thí sinh khó khăn. Bởi không phải ngành nào cũng có chương trình đại trà với mức học phí phù hợp với số đông sinh viên trong khi chương trình chất lượng cao học phí thường cao gấp đôi.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.