Chuông báo động rung khắp châu Âu

Một người đi xe buýt trên đường phố Oxfor. Ảnh: Guardian
Một người đi xe buýt trên đường phố Oxfor. Ảnh: Guardian
TP - Anh đang bị cả châu Âu tránh xa khi những nước thân thiết nhất cũng ngắt kết nối giao thông vì lo sợ về chủng virus corona mới.

Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Áo, Thụy Sĩ, Ireland, Bỉ, Israel và Canada đã ngắt kết nối giao thông với Anh sau khi Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo nước này đang phải đối mặt với chủng virus mới có khả năng lây nhiễm cao.

Ông Johnson chủ trì một cuộc họp khẩn trong ngày 21/12 để bàn về hoạt động vận tải quốc tế, đặc biệt là dòng hàng hóa ra và vào Anh.

 Pháp đóng cửa với dòng người và xe tải từ Anh, ngắt một trong những tuyến thương mại quan trọng nhất của châu Âu lục địa, bước đi mà Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cũng ngạc nhiên. Lệnh cấm tất cả trừ xe hàng vào Pháp được đưa ra khi các công ty đang nhập thêm hàng hóa trước ngày 31/12, thời điểm Anh rời khỏi cấu trúc thương mại của EU để triển khai Brexit.

 “Người ốm của châu Âu” là tiêu đề trên báo Anh Daily Mirror bên cạnh bức ảnh Thủ tướng Johnson. Báo The Sun có bài “Người Pháp không thương xót”.

Chuông báo động đang rung lên trên khắp châu Âu. Tuần trước, châu Âu trở thành châu lục đầu tiên ghi nhận mốc 500.000 người chết vì COVID-19. Chủng virus corona mới có khả năng lây lan nhanh hơn có vẻ đang hoành hành ở nhiều vùng của nước Anh. Phát ngôn viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng “trên khắp châu Âu, nơi tình trạng lây nhiễm đang diễn ra căng thẳng và nghiêm trọng, các quốc gia cần tăng gấp đôi biện pháp kiểm soát và phòng ngừa”.

AP dẫn một nguồn tin từ chính phủ Đức nói rằng các biện pháp hạn chế đi lại từ Anh có thể được áp dụng trên tất cả 27 quốc gia thành viên EU và khối này cũng đang bàn biện pháp đối phó chung trên biển, trên đường bộ và đường sắt. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel có cuộc họp qua điện thoại hôm 20/12 để thảo luận về vấn đề này, văn phòng của ông Macron cho biết.

Lệnh cấm các chuyến bay từ Anh được áp dụng ở châu Mỹ, bao gồm Canada, Chile và Argentina, từ tuần trước.

Bất chấp quan ngại gia tăng về chủng virus mới, các chuyên gia EU tin rằng chủng này sẽ không ảnh hưởng đến hiệu quả của các vắc-xin hiện tại, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn khẳng định. Quan chức y tế trưởng của Anh Chris Whitty chia sẻ ý kiến này.

Lây lan nhanh hơn

Thủ tướng Johnson nói rằng khả năng lây lan của chủng virus mới buộc ông phải phong tỏa hầu hết nước Anh trong đợt lễ Giáng sinh. “Không may là chủng virus mới đang vượt kiểm soát. Chúng ta phải khống chế nó”, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói với Sky News sau khi ông Johnson hủy kế hoạch nới lỏng hạn chế cho người dân trong mùa lễ hội cuối năm. Giới chức không chắc chắn chủng virus mới có bắt nguồn từ Anh hay không, nhưng được phát hiện ở hơn 60% số ca lây nhiễm ở London tính đến thời điểm này, ông Patrick Vallance, trưởng cố vấn khoa học của chính phủ Anh, cho biết.

Các nhà khoa học lần đầu phát hiện chủng virus mới, với khả năng lây lan cao hơn 70%, trong một bệnh nhân từ tháng 9. Cơ quan y tế công cộng của Anh vừa báo cáo với chính phủ sau khi một mô hình cho thấy đầy đủ tính nghiêm trọng của nó. Chỉ trong ngày 20/12, Anh ghi nhận 35.928 ca mắc mới, mức kỷ lục theo ngày.

Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu nói rằng phân tích ban đầu ở Anh cho thấy chủng virus mới có khả năng lây nhiễm cao hơn, nhưng chưa có bằng chứng khẳng định chúng gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn. Trung tâm này cho biết chủng mới đã được phát hiện trong một số ca bệnh ở Iceland, Đan Mạch và Hà Lan. Báo chí đưa tin đã có các ca tương tự ở Bỉ và Ý.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng chưa có bằng chứng để khẳng định chủng mới có độc lực cao hơn, nhưng số ca mắc nhiều hơn sẽ khiến thêm nhiều người phải nhập viện và tăng số ca tử vong liên quan đến virus.

Virus corona đến nay đã giết chết hơn 1,68 triệu người trên khắp thế giới kể từ khi được phát hiện ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, theo số liệu tổng hợp của ĐH Johns Hopkins ở Mỹ. Với điều kiện thời tiết lạnh hơn trong mùa đông, các quốc gia đang chuẩn bị đối với làn sóng lây nhiễm mới bằng cách thắt chặt hạn chế, bất chấp các tổn thất kinh tế. 

MỚI - NÓNG