> Kịch bản di dân nếu đập thủy điện vỡ
TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu. |
“Chúng tôi không biết và cũng không được mời nghe báo cáo về nghiên cứu này. Cần lập một hội đồng phản biện và tổ chức nghiệm thu theo đúng quy trình” - TS Minh nói.
Khi được đặt hàng từ cách đây gần chục năm, Viện VLĐC có đề cập nguy cơ các đứt gãy dưới lòng thủy điện Sông Tranh 2 không?
Năm 2003, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ thuê Viện VLĐC khảo sát và đánh giá tiềm năng động đất cực đại, tức động đất kiến tạo cực đại. Họ không yêu cầu đánh giá tiềm năng động đất kích thích. Năm 2005, EVN vẫn không thuê Viện VLĐC khảo sát thêm.
Thay vào đó, họ chỉ yêu cầu khẳng định lại nhận định tiềm năng động đất cực đại. Khi ấy, Viện VLĐC chỉ đề nghị đập Sông Tranh cần chịu được gia tốc trên nền đá móng đập là a=150cm/s2 ứng với rung động cấp VIII theo thang MSK-64, thay vì chỉ ở mức 135 cm/s2 như đề nghị hồi năm 2003.
Vậy tại sao Viện VLĐC không kiến nghị khảo sát tiềm năng động đất kích thích?
Trừ công trình thủy điện Sơn La và trước đó là Hòa Bình và sắp tới là Lai Châu, ở VN không có bất cứ công trình thủy điện nào đặt vấn đề nghiên cứu động đất kích thích do hồ chứa gây ra.
Trên thế giới, người ta chỉ khảo sát động đất kích thích các hồ chứa có dung tích từ một tỷ mét khối và chiều cao cột trước từ 100 m trở lên. Hồ Sông Tranh 2 chỉ có sức chứa 700 triệu m3 và chiều cao cột nước dưới 100 m.
Khảo sát trước đây của Viện VLĐC có đề cập đứt gãy mới mà các nhà nghiên cứu độc lập vừa phát hiện không?
Tôi chưa tiếp cận nghiên cứu độc lập đó nên không biết họ nghiên cứu thế nào và phát hiện đứt gãy cụ thể gì.
Năm 2003, Viện VLĐC có khảo sát và chỉ ra hơn chục đứt gãy trong đó có ba đứt gãy lớn nhất là Tam Kỳ-Phước Sơn, Trà Bồng, và Hưng Nhượng-Tà Vi.
Các đứt gãy có tiềm năng động đất thấp hơn, đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm tìm hiểu. Khi mở móng để xây dựng đập, bên EVN thông báo họ không phát hiện các đứt gãy nào cả.
Chưa đầy một năm, nhóm nghiên cứu độc lập đã nêu ra các phát hiện giật mình. Viện VLĐC hùng hậu hơn nhiều lại không tìm ra điều gì mới mẻ?
Chúng tôi phải chờ số liệu của mạng trạm sắp đi vào hoạt động vào giữa tháng 10-2012. Trên cơ sở ghi nhận chính xác các trận động đất, mới có thể kiểm tra và kết luận đứt gãy nào thực sự hoạt động, đứt gãy nào không.
Vậy tại sao chưa có quan trắc gì mà Viện VLĐC lại khẳng định động đất hàng loạt ở Sông Tranh 2 vừa qua và sắp tới là động đất kích thích?
Chúng tôi dựa trên kinh nghiệm của thế giới. Rung động động đất kèm theo tiếng nổ. Chấn động động đất xảy ra xung quanh hồ Sông Tranh 2. Động đất kiến tạo ít khi xảy ra liên tục và với chấn tâm tương đối nông như vậy.
Dựa vào kinh nghiệm thế giới, Sông Tranh 2 đâu có động đất kích thích. Nhưng thực tế, điều không thể đã trở thành có thể? Rồi khi hồ rút nước vẫn xảy ra động đất, thậm chí lớn hơn?
Ứng xuất hồ chứa lúc tích nước cao nhất gây động đất kích thích có thể tiếp tục gây hiệu ứng tác động kích thích dây chuyền. Nhìn chung số liệu chưa nhiều, hồ mới tích nước cực đại một lần. Chúng tôi cần theo dõi tiếp tục.
Quốc Dũng
Thực hiện
Lên kế hoạch sơ tán dân ở Thủy điện Sông Tranh 2 Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho biết, Bộ Tư lệnh Quân khu V đã thành lập đoàn kiểm tra (Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn - Phó Tư lệnh Quân khu - làm trưởng đoàn), phối hợp tỉnh Quảng Nam kiểm tra phương án PCLB ở huyện Bắc Trà My và Thủy điện Sông Tranh 2. Đoàn sẽ cùng địa phương, Ban Quản lý dự án Thủy điện Sông Tranh 2 khảo sát, xây dựng kế hoạch, phương án sơ tán, di dời dân ở khu vực hạ lưu đập thủy điện Sông Tranh, A Vương. Đoàn cũng yêu cầu Ban Quản lý Thủy điện Sông Tranh 2 phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có biện pháp thông tin báo động kịp thời khi có tình huống xảy ra. Liên quan Thủy điện Sông Tranh 2, Bộ Công Thương cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ này đang biên soạn quy trình tạm thời vận hành năm nay, là không tích nước. |