Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - VN-Index tăng vọt hơn 43 điểm trong phiên chiều, dòng tiền tiếp tục hậu thuẫn cho thị trường đi lên. Việt Nam trở thành thị trường có chỉ số đại diện tăng mạnh nhất thế giới.

Đối lập với phiên sáng giằng co quanh tham chiếu, sang phiên chiều 2/12, dòng tiền mạnh mẽ nhập cuộc tạo lực đẩy cho hàng loạt cổ phiếu. Sắc xanh trở lại bao phủ diện rộng. Tính chung 3 sàn, gần 170 cổ phiếu tăng kịch trần. Nhóm vốn hóa lớn VN30 cũng có tới 8 mã tăng trần, chỉ số đại diện tăng mạnh hơn VN-Index.

Tại rổ VN30, KDH, VIB, CTG, HPG, SSI, STB, VHM, PDR đua trần. Các mã MWG, VCB tăng trên 6%. Hàng chục cổ phiếu khác tăng 4-5%.

Nhóm ngân hàng, bất động sản, xăng dầu, thép... tập trung nhiều cổ phiếu tăng trần.

Thanh khoản tuy giảm so với hôm qua, nhưng 3 sàn vẫn giao dịch trên 20.000 tỷ đồng, là mức cao trong giai đoạn ảm đạm gần đây. Hơn 1 tỷ cổ phiếu được sang tay trên HoSE.

Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới ảnh 1

Việt Nam trở thành thị trường có chỉ số đại diện tăng mạnh nhất thế giới.

Giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm sáng, khi nhóm này chi hơn 3.112 tỷ đồng gom cổ phiếu trên HoSE. Các cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất như HPG (285 tỷ đồng), VHM (284 tỷ đồng), STB (274 tỷ đồng) đều tăng kịch trần. Liên tục từ 3/11 đến nay, đây là phiên mua ròng thứ 20 của khối ngoại trên toàn thị trường, đóng góp đáng kể vào cơ cấu thanh khoản trên sàn.

Đối lập với đà tăng của thị trường, một cổ phiếu trên HoSE giữ mạch 7 phiên giảm sàn liên tục. CTCP Đầu tư Apax Holdings (mã IBC) đã có văn bản giải trình việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp. Tại văn bản, ông Nguyễn Ngọc Thủy (Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Apax Holdings) đại diện doanh nghiệp nêu nguyên nhân, giá cổ phiếu IBC giảm trong thời gian gần đây là do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế cũng như những tác động của bối cảnh vĩ mô.

Trên thị trường, cổ phiếu IBC đã đánh dấu 7 phiên liên tiếp giảm hết biên độ và vẫn chưa ngừng đà lao dốc. Tính đến phiên 2/12, cổ phiếu tiếp tục giảm sàn 8 phiên, xuống còn 8.780 đồng/cổ phiếu, tức bốc hơi gần 52% chỉ sau nửa tháng.

Trước đó, giữa tháng 11/2022, IBC từng phải giải trình với HoSE về các thông tin liên quan đến Apax English trên báo chí gần đây. Giải trình với HoSE, IBC cho biết Apax English là công ty con của công ty, với tỷ lệ sở hữu 66.36%. Một số thông tin báo chí nêu liên quan đến công ty con này đã được Apax Holdings tiến hành rà soát, kiểm tra và xác minh.

Kết quả kiểm tra cho thấy: “Các vấn đề được báo chí đưa ra đang là những tồn tại của Apax English. Lãnh đạo Apax English đã và đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp".

Công ty cũng khẳng định, các thông tin của Apax English xuất hiện trên báo chí không có ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh cũng như tình hình quản trị của Apax Holdings. Bởi vì Apax Holdings là công ty mẹ và hoạt động độc lập.

Dù vậy, cổ phiếu của Apax Holdings liên tục giảm sàn trong 2 tuần qua. Đà giảm của cổ phiếu diễn ra sau loạt lùm xùm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 43,73 điểm (4,22%) lên 1.080,01 điểm. HNX-Index tăng 4,96 điểm (2,35%) lên 215,96 điểm. UPCoM-Index tăng 0,8 điểm (1,12%) lên 72,21 điểm.

MỚI - NÓNG