Chứng khoán Việt Nam có còn hấp dẫn?

 Nhà đầu tư tại sàn chứng khoán Rồng Việt. Ảnh: Như Ý
Nhà đầu tư tại sàn chứng khoán Rồng Việt. Ảnh: Như Ý
TP - Sự kiện biển đông khiến phiên giao dịch ngày 8/5/2014 bị tác động chao đảo, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc “bốc hơi” gần 2,5 tỷ USD giá trị vốn hoá. Sau cú sốc, sự hồi tâm đã khiến sắc xanh và niềm tin vào thị trường phần nào lấy lại. Tuy vậy, sâu thẳm vẫn còn e ngại có hay không việc nhà đầu tư ngoại lo rút vốn.

TTCK- Đi tìm điểm nhấn

Tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2014 diễn ra cuối tuần qua tại TP HCM, sự đăng đàn của Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng được giới đầu tư ngoại rất quan tâm.

Chia sẻ những thông tin cơ bản tổng quan về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Vũ Bằng cho biết: Tháng đầu năm 2014, VN-Index tăng 9,21% và HN-index tăng 9,82%; giá trị giao dịch bình quân tăng 77% trong đó cổ phiếu và chứng chỉ quỹ tăng gấp 2 lần so với năm 2013; tổng vốn huy động đạt 118 nghìn tỷ đồng; trong đó huy động qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hoá tăng 126% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể hơn của sự tốt lên, ông Bằng đã chỉ ra kết quả sản xuất kinh doanh của DN niêm yết đều đồng khả quan hơn, tỷ lệ lỗ của DN giảm; dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thuần gấp 2 lần so với năm 2013.

Về triển vọng của TTCK Việt Nam trong năm nay, vị Chủ tịch Ủy ban chứng khoán đã chỉ ra hàng loạt các điểm nhấn. Theo ông, sẽ tiếp tục ổn định và tăng hơn của kinh tế vỹ mô, quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hoá gắn với niêm yết; thực hiện thoái vốn của khối DNNN nhằm nâng cao hiệu quả cũng được đồng lòng.

Bên cạnh, là triển vọng hứa hẹn sẽ sáng sủa như tiến hành sửa luật đầu tư, rà soát phân loại để mở rộng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư ngoại; cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của tổ chức nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng cổ phần…

Ngoài ra, đó là sự chuẩn bị xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh, đặc biệt việc triển khai loại hình quỹ đầu tư mới trong đó điểm nhấn đáng kể sẽ là sự ra đời của quỹ ETF.

Theo CEO của VinaCapital, ông Don Lam, TTCKVN hiện có hơn 1,3 triệu tài khoản giao dịch với khoảng 17.000 tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài. Nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đầu tư vào TTCKVN và không ngừng gia tăng đầu tư vào các doanh nghiệp. Giá cổ phiếu đã tăng nhưng vẫn thấp hơn 32% so với các thị trưởng mới nổi khác trong ASEAN (P/E tăng từ 12,1 lần cuối năm ngoái lên 13,1 lần tại thời điểm cuối tháng 5/2014, trong khi các thị trường khu vực là 19,2 lần).

“Quỹ VinaCapital nhận được nhiều yêu cầu đầu tư vì tài sản tại Việt Nam đang được định giá hấp dẫn so với các thị trường mới nổi khác. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phục hồi; lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn tiếp tục được mở rộng; tỷ giá hối đoái về cơ bản vẫn ổn định...

Vì vậy, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại khi vốn cam kết đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cao nhất trong ASEAN”- ông Don Lam chia sẻ .

Sức hút vẫn mạnh

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 4/2014 tại Việt Nam đã có 16.300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của hơn 100 nước và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư khoảng 238 tỷ USD.

Trong đó, có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam. Trong bài nói tại diễn đàn, ông Dũng khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư quốc tế và cam kết sẽ làm hết mình để các nhà đầu tư tiếp cận với những cơ hội đầu tư có hiệu quả tại Việt Nam, vì lợi ích chính đáng của cả hai bên”.

Liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ông Dũng cho biết Chính phủ cũng đã thông qua chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2015. Chương trình này đang mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư tại Việt Nam thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, tham gia cổ đông chiến lược tại các doanh nghiệp nhà nước.

Về chứng khoán, giá cổ phiếu đã tăng nhưng vẫn thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực. P/E của Việt Nam hiện nay khoảng 13,2 lần, rất hấp dẫn so với mức trung bình 19 lần của khu vực.

“Không có gì đáng lo về lạm phát trong năm nay. Nhiều cơ hội đang mở ra từ việc cổ phần hoá các DNNN, trong đó có những DN lớn như Vietnam Airlines, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (Dung Quất), Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam…... sẽ mang đến các cơ hội đầu tư tư nhân rất hấp dẫn.

“TTCKVN đã tăng 22% trong năm 2013 và tăng thêm 15% đến cuối tháng 4/2014. Mặc dù gần đây có giảm xuống do những căng thẳng biển Đông, nhưng tôi tin những căng thẳng này sẽ được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao. Tôi đã đầu tư và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam”

Marc Faber

nói về triển vọng

thị trường

“Những lĩnh vực có tính phòng vệ như thực phẩm, nông nghiệp, giáo dục và dược phẩm… thích hợp nhất để đầu tư trong bối cảnh hiện nay. Đây là những thứ mà ai cũng phải sử dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào”, ông Don Lam nói thêm. Chia sẻ tại diễn đàn, Marc Faber - Chủ tịch Indochina Capital - cho biết, thị trường chứng khoán Mỹ hiện khá mắc so với thị trường châu Âu hay các nước mới nổi. Trong khoảng từ 7-10 năm tới, tỷ suất lợi nhuận từ thị trường này có thể sẽ suy giảm và khi đó, các thị trường mới nổi sẽ lên ngôi dựa trên mối tương quan nghịch trong quá khứ. Và Việt Nam được đánh giá tiềm năng dựa trên mức giá hợp lý của các cổ phiếu so với triển vọng tăng trưởng các doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG