Bảng điện tử thể hiện chỉ số Nikkei ở Tokyo ngày 13/2. (Ảnh: Reuters) |
Các nhà đầu tư cũng lưỡng lự không muốn đặt ván cược quá lớn trước khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có phiên điều trần trước Quốc hội ngày 7/3, để xem Ngân hàng Trung ương Mỹ có sẵn sàng bắt đầu giảm lãi suất hay không.
Chứng khoán Trung Quốc trải qua một ngày tăng giảm trái chiều sau khi Bắc Kinh đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 5% cho năm 2024.
Chỉ số CSI 300 giảm 0,08%, còn chỉ số Hang Seng ở Hong Kong tăng 2%.
“Các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc năm 2024 cho thấy các lãnh đạo vẫn chưa sẵn sàng tăng phát, vì lo ngại những vấn đề như nợ công lớn và đồng tệ yếu”, Mansoor Mohi-uddin, nhà kinh tế trưởng của Bank of Singapore, nhận xét.
Tâm lý chờ đợi tạo nên phiên giao dịch ít sôi động ở châu Á, khiến chỉ số MSCI của châu Á – Thái Bình Dương, không tính Nhật Bản, giảm điểm trước khi tăng 0,46%.
Ba chỉ số lớn ở Phố Wall giảm hơn 1% trong ngày 5/3. Chứng khoán châu Âu lạc quan hơn, với chỉ số Eurostoxx 50 tăng 0,1%, chỉ số DAX của Đức tăng 0,14% và FTSE tăng 0,05%.
Sự kiện được các nhà đầu tư ở Anh quan tâm nhất là kế hoạch ngân sách của chính phủ, trong đó Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt sẽ làm hết sức để giảm thuế và tránh gây tác động xấu lên thị trường trái phiếu.
Tại Mỹ, dữ liệu ngày 5/3 cho thấy sự mở rộng yếu ớt của ngành dịch vụ, và lượng đơn đặt hàng nhà máy giảm nhiều hơn dự kiến.
Trên thị trường tiền số, bitcoin đang dao động quanh mốc 66.970 USD, sau khi phá mốc kỷ lục thiết lập tháng 11/2021.
Vàng giao ngay giảm xuống còn 2.127,36 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại là 2.141,59 USD ngày 5/3.
Dầu thô Mỹ tăng 0,29% lên 78,38 USD/thùng và dầu Brent đạt mức 82,27 USD, tăng 0,28% so với hôm trước.