Bởi chỉ riêng ở Hà Nội đã có hơn 1.150 chung cư cũ với 1,7 triệu m2, TPHCM cũng có tới 530 chung cư được xây dựng từ trước 1975, hầu hết đã hư hỏng nặng, xuống cấp. Để khuyến khích các doanh nghiệp, những nhà soạn dự thảo nghị định đề xuất cho phép nhà đầu tư, ngoài các ưu đãi khác, được chuyển mục đích sử dụng một phần diện tích đất trong dự án để kinh doanh, dịch vụ và quan trọng hơn cả là được phép công trình không khống chế chiều cao, miễn là “nằm trong quy hoạch của khu vực đã được duyệt”.
Chuyện dùng ưu đãi, tạo cơ hội để doanh nghiệp có lợi nhuận nhằm thu hút đầu tư cũng là bình thường và trong trường hợp này, về danh nghĩa, cả doanh nghiệp, người dân và nhà nước đều có lợi. Để giải quyết vấn đề của hàng ngàn chung cư, liên quan đến hàng trăm ngàn người không bao giờ là điều đơn giản, nhất là công việc liên quan đến nơi ăn, chốn ở và sinh hoạt của họ. Điều hiển nhiên là nếu không thấy “có ăn” thì không doanh nghiệp nào mặn mà. Do vậy, chuyện cơi nới, tận dụng khoảng không, tăng tối đa số tầng có thể để thu hồi vốn, có lãi sẽ diễn ra.
Cho dù các nhà soạn thảo đã cẩn thận “thòng” cụm từ “miễn là nằm trong quy hoạch của khu vực đã được duyệt” thì chắc chắn một lần nữa, kết cấu hạ tầng đô thị vốn quá tải, thiếu đồng bộ của chúng ta càng chịu thêm nhiều sức ép khi mật độ dân cư tiếp tục tăng lên. Các quy hoạch liên tục bị phá vỡ thì khó có thể đảm bảo những “quy hoạch đã được duyệt”.
Tại TPHCM, trước đây khu vực Bàu Cát (Tân Bình) vốn hoang vu, mật độ đường và nhà thấp nhưng từ khi được quy hoạch thành những khu nhà cao tầng phục vụ tái định cư, hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng ngay lập tức bị quá tải. Ngập nước, kẹt xe diễn ra liên miên và chính quyền lại phải bỏ ra những khoản kinh phí lớn để khắc phục.
Tại Hà Nội, chỉ cần các khu chung cư cũ ở Kim Liên, Thành Công… được đồng loạt cải tạo, cơi nới, nâng tầng, viễn cảnh về những con đường tắc tị chắc chắn không còn xa. Đó là chưa kể với mục tiêu doanh thu, doanh nghiệp sẽ chỉ quan tâm một số chung cư nằm ở vị trí đắc địa, còn đa số chung cư khác vẫn chịu số phận hẩm hiu.
Nếu không tính toán kỹ, việc liên tục phá vỡ các quy hoạch, xử lý các vấn đề ngắn hạn bằng các biện pháp thiếu tầm nhìn có thể khiến chúng ta tiếp tục trả giá, sau khi đã và đang phải trả giá cho sự ngắn hạn của tư duy và tầm nhìn trong quá khứ.