Chửi tục trên mạng
> Nữ sinh bị đuổi học vì Facebook: Đoàn TN bảo lãnh để đi học lại
> Nữ sinh bị đuổi học vì xúc phạm thầy cô trên Facebook
Tình trạng giới trẻ công khai văng tục, lăng mạ người khác trên mạng đang ngày một phổ biến thời gian gần đây.
Không từ ngữ nào có thể bình luận về trang Facebook này (ảnh chụp từ Facebook). Ảnh: Hữu Công. |
Cháu nguyền rủa bà, học trò thóa mạ thầy cô, người trẻ vô tư chửi nhau bằng những ngôn từ chợ búa chỉ vì những xích mích nhỏ trong quan điểm... tất cả vẽ nên dấu hỏi lớn về ý thức văn hóa của một bộ phận giới trẻ.
Chỉ với từ khóa "hội chửi tục" hay "hội chửi thề" trên Facebook (FB), có rất nhiều kết quả hiện ra. Ở mức độ nhẹ thì có "hội chửi tục và nói bậy vài câu mỗi ngày", Hiệp hội chửi thề sổ liên lạc điện tử", "nặng đô" hơn thì "hội chửi tục để phục vụ cái sôi sục trong tâm hồn" đến "hội xả bức xúc nói bậy đ... sợ ai"... với số lượng thành viên mỗi trang từ hàng trăm tới hàng nghìn.
Nạn văng tục không chỉ xuất hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter... mà còn rất phổ biến ở phần bình luận của một số trang tin tức, trang YouTube... Ðơn cử, phần trình bày bài hát Nơi tình yêu bắt đầu của thí sinh B.A.T. (cuộc thi GHV) ở trang YouTube đã nhận về rất nhiều lời bình luận mang tính thóa mạ từ hai phe fan và anti-fan (người chống đối).
"Bình thường thôi mà, cứ buồn buồn hay căng thẳng gì đó thì tui cũng như mấy đứa bạn lại lên Facebook hay YouTube "xả" vài câu, sau đó hết buồn thì "delete" (xóa). Có chết ai?", T.H.D. (27 tuổi) giải thích lý do hay tham gia chửi tục trên mạng. Bạn cho rằng những hoạt động trên thế giới ảo khó thể ảnh hưởng tới cuộc sống thật của mình.
Tương tự, Bình Phương (21 tuổi) lại cho rằng các status (dòng trạng thái) của những bạn trẻ đang bị cộng đồng mạng "ném đá" là "có thể cảm thông" bởi theo bạn: "Ai trẻ mà không có lúc nông nổi hoặc mất bình tĩnh". Bình Phương thừa nhận bản thân vài lần văng tục trên mạng chỉ để "cho vui" và bạn cũng tin là chẳng ai để ý điều này.
"Tuy các trường hợp trên không nhiều nhưng rõ ràng đã tác động ít nhiều đến hình ảnh giới trẻ Việt", bạn Hoài Ðảm (Học viện Báo chí tuyên truyền) không giấu được bức xúc.
Còn với Phạm Hoàng An (Công ty F1) thì: "Thế giới mạng như đang dần trở thành nơi giúp mọi người giải tỏa cảm xúc, mạnh mẽ hơn trong việc đưa ra quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, nhiều người dường như quên mất sức mạnh lan tỏa của Internet nên vô tư bộc lộ hết những thói xấu".
Theo Công Nhật
Tuổi Trẻ