Chuẩn bị lực lượng và đổi mới thành công

Chuẩn bị lực lượng và đổi mới thành công
TP - Năm 1985, thực hiện chủ trương trẻ hóa đội ngũ cán bộ của T.Ư Đoàn Ban Biên tập báo Tiền Phong, đứng đầu là Tổng Biên tập Đinh Văn Nam đã thực hiện việc đổi mới nhân sự, thành lập Ban Biên tập, trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, phóng viên.

'Tiền Phong' trong thời kỳ đổi mới:

Chuẩn bị lực lượng và đổi mới thành công

> Phóng viên 'Tiền Phong' và những điểm nóng miền Nam
> Tất cả là phóng viên chiến trường
> Tiên phong trong thể loại điều tra chống tiêu cực
> Những diễn đàn dấu ấn
> Tiền Phong những ngày ở chiến khu Việt Bắc

Tổng Biên tập Đinh Văn Nam chuyển giao quyền lãnh đạo báo cho thế hệ trẻ cuối những năm 80
Tổng Biên tập Đinh Văn Nam chuyển giao quyền lãnh đạo báo cho thế hệ trẻ cuối những năm 80.

Theo chủ trương này, những phóng viên, biên tập viên có tuổi, thậm chí đang giữ cương vị trong ban lãnh đạo báo, trưởng, phó các ban nội dung chuyển công tác sang báo hoặc đơn vị khác, nhường chỗ cho lớp trẻ. Lần lượt các đồng chí Phó Tổng Biên tập Đỗ Cao Đáng chuyển sang làm Tổng Biên tập tờ Nhà báo & Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam; Ủy viên Ban Biên tập Lê Thị Túy sang làm Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô; Trưởng ban Thanh niên Công nhân Lê Văn Ba chuyển sang làm ủy viên Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết...

Những cây viết trẻ, những phóng viên, biên tập viên trẻ có khả năng quản lý được tạo cơ hội tham gia Ban Biên tập và làm lãnh đạo các ban chuyên môn. Đồng thời báo tuyển chọn hàng loạt phóng viên công tác từ các ngành nghề khác nhau, sau trở thành những cây viết có uy tín tạo nên thương hiệu báo Tiền Phong.

Năm 1987 - 1988 trở thành năm bàn giao thế hệ. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V (1987), Phó Tổng Biên tập Dương Xuân Nam được bầu vào Ban chấp hành và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn. Tháng 12/1987 có quyết định bổ nhiệm đồng chí Dương Xuân Nam làm Tổng Biên tập. Hình thành một Ban Biên tập báo Tiền Phong mới gồm các đồng chí Dương Xuân Nam, Lương Ngọc Bộ và Nguyễn Văn Minh, cả ba ông đều ở độ tuổi dưới 40. Đặc biệt, mặc dù theo đúng tuổi vào năm 1989, Tổng Biên tập Đinh Văn Nam sẽ về hưu, nhưng ông đã quyết định về hưu trước gần hai năm (vào tháng 3/1988) để thế hệ trẻ nhận trách nhiệm lãnh đạo tờ báo.

Cuối những năm 80, báo Tiền Phong có ban lãnh đạo mới. Từ trái qua: Tổng Biên tập Dương Xuân Nam, Phó Tổng Biên tập Lương Ngọc Bộ, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh (người đứng nhô lên phía sau). Ảnh: Phạm Yên
Cuối những năm 80, báo Tiền Phong có ban lãnh đạo mới. Từ trái qua: Tổng Biên tập Dương Xuân Nam, Phó Tổng Biên tập Lương Ngọc Bộ, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh (người đứng nhô lên phía sau). Ảnh: Phạm Yên.

Tổng Biên tập Dương Xuân Nam, các Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh, Lương Ngọc Bộ và nhiều vị trí trưởng, phó ban được bổ nhiệm khi tuổi đời còn trẻ đã chèo lái đưa Tiền Phong phát triển lên giai đoạn tầm cao mới khi đất nước còn khó khăn.

Các đồng chí Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn như Hà Quang Dự, Hồ Đức Việt... và Ban Bí thư T.Ư Đoàn đều ủng hộ sự đổi mới của tờ báo và đội ngũ Ban biên tập, phóng viên. Ngoài ra, đồng chí Dương Xuân Nam vừa là Tổng Biên tập vừa là ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, phụ trách mảng Báo chí - Xuất bản của Đoàn. Vì vậy, việc đổi mới của tờ báo cũng có những thuận lợi nhất định, các ý tưởng đổi mới của Ban Biên tập có nhiều thuận lợi khi đưa ra thực hiện.

Những đổi mới trong công tác nhân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong bước phát triển đi lên của báo Tiền Phong trong giai đoạn này.

Trước tình hình chung của cả nước và không khí Đổi mới, BBT báo Tiền Phong nhận định đây là thời cơ để đổi mới tờ báo, nếu không sẽ không đáp ứng được nhiệm vụ chính trị, không cải thiện được tình hình báo phát hành thấp, thu nhập của cán bộ phóng viên kém. Trong giai đoạn đổi mới, BBT cho rằng muốn thay đổi tờ báo phải bổ sung đội ngũ làm báo mới trẻ trung năng động.

Năm 1988, báo Tiền Phong là cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam thi tuyển phóng viên công khai. Ban đầu việc thi tuyển này bị phản ứng, vì nếp cũ công tác nhân sự là tổ chức phân công và xét lý lịch. Nhưng sự kiên trì và cả kiên quyết của BBT đã mang lại kết quả. Các phóng viên trúng tuyển trong đợt thi này, sau này đều trở thành những cây viết vững vàng của Tiền Phong và làng báo. Việc thi tuyển phóng viên công khai là dấu ấn của báo Tiền Phong.

Như vậy, bắt đầu giai đoạn Đổi mới, báo Tiền Phong có tới 4 thế hệ cùng làm báo. Từ người thế hệ đầu tiên như các đồng chí Tôn Đức Lượng, Mai Nam, cho tới thế hệ làm báo trong kháng chiến chống Mỹ, trong những năm trước Đổi mới và thế hệ phóng viên mới thi tuyển.

Thi tuyển phóng viên được áp dụng nhiều lần trong những năm về sau. Hầu hết các phóng viên trúng tuyển trong các đợt thi đều trở thành cán bộ chủ chốt hoặc các cây bút có chất lượng của Tiền Phong.

Từ 1986 đến nay cũng là giai đoạn Tiền Phong xây dựng hệ thống của mình để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đảm bảo sức cạnh tranh cũng như bảo đảm sự có mặt trên khắp đất nước thông qua việc xây dựng và từng bước hoàn chỉnh hệ thống tổ chức tại Tòa soạn, thiết lập mạng lưới các ban đại diện và phóng viên thường trú, mở thêm các điểm in; cũng là thời gian bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị là làm báo, Tiền Phong còn bước chân vào lĩnh vực kinh doanh bằng việc thành lập Công ty Cổ phần Tiền Phong.

Từ một tòa soạn nhỏ gọn với mấy chục cán bộ phóng viên vào cuối những năm 1980, với việc mở rộng quy mô phát triển, đa dạng hóa các ấn phẩm, đẩy mạnh các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao, từ thiện, tới nay Tiền Phong đã phát triển mạnh hệ thống với các khối theo nhiệm vụ chuyên môn.

Khối nội dung: Gồm các ban thư ký, nhóm biên tập và các ban phóng viên thực hiện các ấn phẩm Tiền Phong ra hằng ngày, các chuyên san Người đẹp (trước đây là Người đẹp Việt Nam), Tri Thức Trẻ (giai đoạn các năm trước năm 2012 còn có thêm Tiền Phong Chủ nhật - sau đổi thành Tiền Phong cuối tuần (năm 2005), Tiền Phong cuối tháng, Nam Châm, Lửa Ấm, - những ấn phẩm vì nhiều lý do khác nhau đã chấm dứt hoặc tạm ngừng xuất bản).

Khối truyền thông điện tử (TPO): Để nhấn mạnh tầm quan trọng của báo điện tử trong xu thế phát triển của truyền thông, đồng thời khẳng định trọng tâm trong định hướng phát triển giai đoạn hiện nay, từ năm 2010, Ban Tiền Phong Điện tử (thành lập cuối năm 2004) được tổ chức thành Khối Truyền thông điện tử, đứng đầu có giám đốc.

Khối Kinh doanh: Từ năm 2009, Ban Biên tập quyết định đưa các chức năng tổ chức quảng cáo và phát hành trước đó giao cho Công ty Cổ phần Tiền Phong thực hiện về lại báo và tổ chức thành Khối Kinh doanh, đứng đầu là một giám đốc.

Khối Hành chính - Tài vụ: Gồm 2 phòng Hành chính-Trị sự và Tài vụ.

Lập các ban đại diện gồm: Ban đại diện tại TP Hồ Chí Minh, Ban đại diện khu vực miền Trung, Ban đại diện khu vực Tây Nguyên, Ban đại diện Nghệ An, Ban đại diện ĐBSCL và 8 phóng viên thường trú các tỉnh. Việc chăm lo xây dựng củng cố lực lượng chuyên môn đã giúp Tiền Phong vững vàng trong đội ngũ tiên phong, đổi mới thành công và phát triển vững chắc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.