Chuẩn bị khởi công cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2: Đã loại nhà thầu yếu kém

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, rút kinh nghiệm từ quá trình triển khai các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, với giai đoạn 2 chuẩn bị được khởi công, những khó khăn, vướng mắc được tiên lượng và giải quyết ngay từ đầu để không ảnh hưởng tới tiến độ. Bộ GTVT cam kết sẽ không có nhà thầu vi phạm, kém năng lực lọt vào danh sách nhà thầu thực hiện giai đoạn 2.

Rút kinh nghiệm giai đoạn 1

Dự kiến, sáng 1/1/2023, tất cả 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) sẽ đồng loạt khởi công gói thầu đầu tiên tại mỗi dự án. Lần đầu tiên một dự án giao thông lớn được khởi công đồng thời và kết nối trực tuyến.

Trước sự kiện trên, ngày 31/12, Bộ GTVT cũng tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn; thông xe kỹ thuật đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây (thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, giai đoạn 1).

Chuẩn bị khởi công cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2: Đã loại nhà thầu yếu kém ảnh 1

Cùng với khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT sẽ khánh thành đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Ảnh: Ngọc Văn

Chia sẻ với báo chí chiều 28/12, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, với 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, thủ tục đầu tư được triển khai nhanh nhất từ trước tới nay. Chỉ sau 12 tháng được Quốc hội thông qua chủ trương, Bộ GTVT đã hoàn thành thủ tục để khởi công - bằng 1 nửa thời gian chuẩn bị các dự án tương tự trước đây.

“Nhà thầu được chỉ định thi công 12 đoạn cao tốc lần này thuộc nhóm lớn nhất trong lĩnh vực xây lắp công trình giao thông trong nước. Được sàng lọc bằng tiêu chí đánh giá cụ thể, công khai, minh bạch. Với nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng trong thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, ngoài bị chấm dứt hợp đồng, thu hồi bảo lãnh, còn không được tham gia thi công bất kể gói thầu nào trong giai đoạn 2 này”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, trường hợp các gói thầu giai đoạn 1 chậm tiến độ do bất khả kháng, như ảnh hưởng dịch COVID-19, mưa nhiều phải tạm dừng thi công, Bộ GTVT sẽ không xử lý trách nhiệm nhà thầu. Thay vào đó, nhà thầu phải huy động bổ sung máy móc, nhân lực để tăng ca bù tiến độ.

Ông Lê Quyết Tiến, quyền Cục trưởng Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết thêm, các nhà thầu thi công giai đoạn 1 bị cắt hợp đồng, chuyển khối lượng cho nhà thầu khác sẽ bị loại ngay ở bước thẩm định hồ sơ thầu của giai đoạn 2. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, việc cấm thầu với nhà thầu vi phạm sẽ áp dụng trong 3-5 năm với tất cả dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Sáng 1/1/2023, dự kiến Thủ tướng sẽ phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, các điểm khởi công được kết nối trực tuyến với nhau. Các dự án có tổng chiều 729km, đi qua địa phận 12 tỉnh thành. Tổng mức đầu tư dự kiến là 146.990 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác năm 2026.

Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 được áp dụng một số cơ chế đặc thù, như: Chỉ định thầu; giải phóng mặt bằng trước, mục tiêu hoàn thành toàn bộ trong quý 2/2023; rút gọn thủ tục chuẩn bị đầu tư và tiến hành nhiều bước song song nhau; rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu và giao trực tiếp quyền khai thác cho nhà thầu...

Với 4 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 đầu tư công hoàn thành năm 2022, đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ khánh thành đưa vào thác ngay từ ngày 31/12, đoạn cao tốc này dài 98km, tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng; thông xe kỹ thuật đoạn Mai Sơn - QL45 (dài hơn 63km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài hơn 100km) và Phan Thiết - Dầu Giây (dài hơn 99km), các đoạn này mục tiêu hoàn thành toàn bộ để khai thác trước ngày 30/4/2023.

Về quy trình chỉ định nhà thầu thi công các gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, ông Tiến cho biết, các tiêu chí về kinh nghiệm, năng lực tài chính rõ ràng, công khai để các nhà thầu tham gia và giám sát nhau.

Các nhà thầu được chọn thi công giai đoạn 2 đều được xếp hạng 1 - hạng cao nhất về xếp hạng nhà thầu, có năng lực tài chính mạnh, từng thi công nhiều gói thầu giao thông lớn trước đây.

Về giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, ông Huy cho hay, bộ đã rút kinh nghiệm từ triển khai giai đoạn 1. Với giai đoạn 2, Thủ tướng rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương đảm bảo tiến độ mặt bằng, không để ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Tới nay, mặt bằng sạch đã đạt 70% bàn giao cho các nhà thầu.

Lo thiếu cát ở miền Tây

Trong triển khai các Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT lo lắng nhất là nguồn cung cát san lấp nền các đoạn đi qua khu vực miền Tây.

“Khan hiếm cát cho san lấp nền đường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là khó khăn chung với tất cả các công trình hạ tầng giao thông qua khu vực.

Qua khảo sát thực tế khu vực này, trữ lượng cát sông cho thi công cao tốc Bắc - Nam có thể đạt nhưng sản lượng khai thác theo các giấy phép đã được cấp vẫn không đủ, rất cần các địa phương đẩy nhanh cấp phép khai thác bổ sung cho các nhà thầu mới đáp ứng nhu cầu của dự án”, ông Huy nói và cho biết, theo ông Huy, việc nghiên cứu sử dụng cát biển thay thế cát sông trong san lấp nền đường cần thận trọng, đặc biệt về vấn đề môi trường.

Trước mắt, Bộ GTVT thí điểm dùng cát biển thay cát sông cho thi công một đoạn tại dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, nếu thuận lợi phải cuối năm 2023 mới có kết luận.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Quản lý Đầu tư xây dựng bổ sung thêm, nhu cầu cát cho 4 dự án cao tốc lớn qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 47 triệu m3.

Để có nguồn cát phục vụ các dự án, Chính phủ đã cho phép tăng công suất khai thác ở các mỏ, cấp phép mỏ mới. Thủ tướng cũng chỉ đạo, đây là dự án trọng điểm quốc gia, các địa phương phải có trách nhiệm chung, chia sẻ nguồn cát với các địa phương khác. Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa làm việc với các địa phương có mỏ cát để tháo gỡ khó khăn, sớm cấp phép khai thác.

Về vướng mắc liên quan tới điều chỉnh giá hợp đồng khi nguyên vật liệu biến động, đại diện Bộ GTVT cho hay, rút kinh nghiệm giai đoạn 1, trong giai đoạn 2 sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh giá theo nhóm. Trong hợp đồng, các nhóm vật liệu thường có biến động giá lớn như sắt thép, xi măng, nhựa đường... sẽ được tách để điều chỉnh bù/trừ cho nhà thầu khi có biến động, thay tính bình quân chung tính cho cả hợp đồng.

MỚI - NÓNG