Chuẩn bị du học từ mẫu giáo

Trong một vài năm trở lại đây, số lượng học sinh Việt Nam được nhận vào các trường thuộc Ivy League, các trường top 10, top 20 của Mỹ khá đông. Tháng 11 sẽ bắt đầu mùa nộp hồ sơ xin học mới.

Dưới đây là chia sẻ của những “cao thủ” đã thành công trong việc nộp hồ sơ trường top, hiện sống và làm việc tại Việt Nam, cho các đàn em.

Anh Myo Min (người Nhật) - có điểm số chuẩn hóa SAT và GRE verbal đều nằm trong top 1% thế giới, nhận học bổng toàn phần vào 5 trường ĐH top 20 của Mỹ và tốt nghiệp loại ưu ĐH Middlebury (Liberal Arts Hoa Kỳ) ngành Xã hội học: Rèn nếp suy nghĩ từ khi còn nhỏ

Chuẩn bị du học từ mẫu giáo ảnh 1

Anh Myo Min (người Nhật) - có điểm số chuẩn hóa SAT và GRE verbal đều nằm trong top 1% thế giới, nhận học bổng toàn phần vào 5 trường ĐH top 20 của Mỹ và tốt nghiệp loại ưu ĐH Middlebury.

Nếu hỏi một người bạn của tôi đang làm tư vấn ở New York câu hỏi “Nên chuẩn bị cho việc xin học bổng vào các trường top từ khi nào?”, thì cô ấy sẽ trả lời “từ khi học trường mẫu giáo”.

Không có cột mốc nhất định cho thời điểm bắt đầu, nhưng tất nhiên là càng sớm càng tốt. Chuẩn bị sớm để quản lý thời gian tốt hơn.

Tôi đã giảng dạy ở Việt Nam tại những trường như THPT Hà Nội – Amsterdam, trường quốc tế… được gần 5 năm, hiểu được điểm mạnh, yếu của học sinh Việt Nam. Điểm mạnh, với học sinh chuyên, thì các em là chuyên gia nhớ và học thuộc kiến thức. Tôi có thể yêu cầu các em học thuộc 200 từ mới trong 1 tuần và các em làm được. Tuy nhiên, nhớ và học thuộc có thể giết chết khả năng tư duy. Học thuộc cộng với sáng tạo mới là cách tốt nhất.

Còn điểm yếu của học sinh Việt Nam là sự sáng tạo và tư duy phản biện. Các em nhớ tốt, hiểu nhanh, nhưng khi được hỏi về suy nghĩ, quan điểm về tác giả tác phẩm, thông điệp của tác phẩm thì các em không diễn tả được sâu sắc và rõ ràng.

Cách tư duy phản biện phải được rèn từ khi còn nhỏ, như một thói quen. Còn khi lớn, suy nghĩ đã theo nếp, rất khó bắt đầu với “tư duy kiểu Mỹ”.

Anh Jakub Wrzesniewski (Canada) - từng đạt danh hiệu National Scholar, điểm SAT 1580/1600, được nhận vào nhiều trường ĐH danh giá, bao gồm cả Harvard và Stanford, và đã lựa chọn ngành Lịch Sử tại Harvard..: Phụ huynh không nên ép con vào điểm số nhất định nào đó, mà nên nuôi dưỡng sự tò mò, hứng thú.

Chuẩn bị du học từ mẫu giáo ảnh 2

"Phải làm sao để khi các trường nhìn hồ sơ, họ thấy mình là người có tham vọng, muốn bứt phá lên trên giới hạn của bản thân, nổi bật so với những học sinh Canada khác chứ không chỉ là một người đi xin học bổng bình thường."

Thay vì chú trọng chọn trường nào, các phụ huynh hãy nghĩ cách biến con mình thành người mà trường mong muốn nhận vào, ở 2 tiêu chí: Khả năng học thuật - thể hiện ở điểm số và bài chuẩn hoá, sự tiến bộ bền bỉ qua các năm. Và khi nhìn vào bộ hồ sơ, các trường muốn đó sẽ là thành viên đóng góp cho trường.

Nhiều học sinh chỉ chăm chăm điểm số cao nhất mà quên mất mình muốn gì, thích gì, có thật sự muốn đạt được điều đó không, hay chỉ cần một bộ hồ sơ tốt nhất, rồi sau này có mức lương cao nhất. Điều này tạo ra những đam mê giả trong hồ sơ, bài luận.

Tôi học cấp 3 tại một thị trấn nhỏ tại Canada. Khi đó, tôi chỉ có 2 lựa chọn: 1 là vào trường bình thường như bạn bè, hoặc một trường tốt hơn cũng ở Canada. Vì vậy, khi xin thư giới thiệu để nộp hồ sơ, ai cũng nhìn với ánh mắt ngờ vực với câu hỏi: Tại sao lại làm việc này, khi đằng nào cũng đi học như các bạn?

Tôi đã không lên một kế hoạch cụ thể nào cho việc xin học bổng, nhưng luôn cố gắng hết sức, thách thức bản thân cao nhất. Khi học lớp 8 đã có số tín chỉ gấp đôi các bạn cùng trang lứa. Bên cạnh đó là thư viện, tự ôn tập, tự tìm kiếm và làm những bài luyện thi SAT...

Kinh nghiệm của tôi là phải làm sao để khi các trường nhìn hồ sơ, họ thấy mình là người có tham vọng, muốn bứt phá lên trên giới hạn của bản thân, nổi bật so với những học sinh Canada khác chứ không chỉ là một người đi xin học bổng bình thường.

Anh Nguyễn Khắc Nhật Minh- là một trong số rất ít học sinh Việt Nam nhận học bổng toàn phần của Princeton - trường đại học danh giá xếp hạng số 1 tại Mỹ: Phải biết trường đó thích loại học sinh nào.

Chuẩn bị du học từ mẫu giáo ảnh 3

Nguyễn Khắc Nhật Minh là một trong số rất ít học sinh Việt Nam nhận học bổng toàn phần của ĐH Princeton.

“Có những hồ sơ đẹp, điểm SAT gần như tuyệt đối, huy chương đẹp… vẫn bị từ chối hoặc cho vào danh sách đợi. Vậy có cách nào hiểu được tiêu chí tuyển sinh của các trường mà mình lọt vào mắt xanh của họ?

Tôi chỉ chia sẻ kinh nghiệm của tôi về Princeton. Năm trước, Princeton nhận khoảng 7% trong số 30 nghìn người nộp hồ sơ. Học sinh quốc tế chiếm dưới 3% trong tổng số 7% được nhận.

Với 1 quota ngầm cho học sinh nước ngoài (theo nghĩa: Họ vẫn nhận học sinh quốc tế bởi họ thích sự đa dạng về văn hóa, và một phần trường muốn xây dựng mạng lưới liên hệ về sau rất tốt ở các quốc gia), việc tất cả mọi người đều mong muốn con mình vào Harvard, Stanford, Princeton… về mặt toán học là không thể, không có chỗ chứa. Mọi người cần có cái nhìn thực tế nhất đối với việc đưa con sang Mỹ học.

Giỏi đến mấy thì giỏi, không ai chắc chắn rằng mình sẽ vào được Harvard, Princeton…, bởi vì sự cạnh tranh quá lớn. Lớn đến mức nhiều khi mình cảm thấy việc được nhận vào hay không như đánh xổ số.

Nhưng có một vài thứ để có thể làm để lọt vào mắt xanh của nhà tuyển sinh. Quan trọng nhất là phải biết trường đó thích loại học sinh thế nào. Phương pháp tốt nhất là trực tiếp nói chuyện với những người đã học ở đó.

Nói về Princeton, thì trường này thích học sinh rất giỏi, đặc biệt giỏi về mặt nào đó. Ví dụ, tôi học khoa toán cao cấp, trong khoa toán có một đội ngũ có 7, 8 người Rumani, Bungari mà mọi người gọi đùa là đội Olympiad bởi họ nắm gần 30 huy chương vàng các cuộc thi toán thế giới. Có người tiếng Anh còn không tốt lắm nhưng về mặt học thuật họ quá giỏi nên tấm vé vào Princeton là rộng mở hơn những người khác…

Thứ hai là loại những người rất quan tâm đến hoạt động xã hội. Đó là những người rất quan tâm đến việc làm thế nào để có sự khác biệt trong cộng đồng họ sống, rất có khả năng lãnh đạo, tổ chức, không ngừng tìm cách thay đổi, cải thiện cuộc sống xung quanh mình.

Nhưng cũng phải trở lại vấn đề ban đầu: Không phải ai cũng vào được Princeton”.

Gian lận hồ sơ - hậu quả lớn

Khi chuẩn bị, phụ huynh có tâm lý lo sợ làm thế nào để con có điểm số tốt, có nên xin nâng điểm không? Làm sao có nhiều hoạt động ngoại khoá? Đi xin chứng nhận có được không? Trường không kiểm tra được các hoạt động ngoại khoá thì ghi thêm vào có được không?

Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Khắc Nhật Minh cho rằng: “Điều đầu tiên mọi người nên hiểu việc này tính là một loại gian lận cực kỳ nghiêm trọng. Ở Princeton, gian lận bị bắt chỉ một lần cũng đuổi học.

Nếu may mắn, run rủi được nhận vào trường thì vẫn có khả năng bị đuổi hoặc tước bằng nếu họ phát hiện ra mình có gian lận nào đó trong quá trình học hoặc trước khi vào trường.

Một hậu qủa khác là nếu mọi người cứ làm thế, chỉ khoảng 5 năm nữa học sinh Việt Nam sẽ không được nhận vào Mỹ nữa, hoặc ít nhất là những trường mà mình muốn vào nữa. Tôi chắc chắn là không ai muốn chuyện này xảy ra”.

Chị Trần Phương Hoa - một trong những học sinh Việt Nam đầu tiên tự apply và nhận học bổng toàn phần và tốt nghiệp loại ưu ĐH Middlebury (Liberal Arts Hoa Kỳ) từ năm 2001“Gian lận hồ sơ là một sự cám dỗ quá lớn, nhất là khi việc phong bì phong bao ở Việt Nam quen thuộc.

Chuẩn bị du học từ mẫu giáo ảnh 4

Chị Trần Phương Hoa - “Gian lận hồ sơ là một sự cám dỗ quá lớn, nhất là khi việc phong bì phong bao ở Việt Nam quen thuộc."

Nhưng hiện nay các trường kiểm tra hồ sơ không quá khó. Tôi biết đã từng có bạn người Việt dùng cách gian lận để được nhận nhận, sau đó bị phát hiện và bị tước lại thư mời nhập học.

Hơn nữa, có thể cho là vào được trường rất oai. Nhưng vào rồi mà không học được cũng rất nguy hiểm, bởi toàn những người cực giỏi, mình sẽ bị đuối.

Và nói vui, nhỡ sau này học về lên chức to, lý lịch có khi lại được tìm kiếm, lộ ra việc gian lận thì rất không hay”.

Theo Ngân Anh

Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG