Sáng 7/8 bà Bùi Thị Hà - Phó Giám Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho PV báo Tiền Phong biết, trong 7 tháng đầu năm, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chức năng cứu hộ 146 cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) gồm nhiều loài quý hiếm như: voọc, mèo rừng, rùa biển, khỉ, tê tê, rái cá…
Một trong những vụ việc nổi bật là cứu hộ 21 cá thể rùa quý hiếm bị rao bán tại một khu chợ ở TP. Đà Nẵng. Theo cơ quan chức năng địa phương, tất cả số rùa này đều thuộc các loài rùa quý hiếm, được pháp luật bảo vệ như: rùa hộp trán vàng miền Trung, rùa ba gờ, rùa núi viền, rùa Pulkin,… Sau khi được cứu hộ, những cá thể rùa này đều đã được thả về môi trường tự nhiên.
Lãnh đạo ENV cho biết thêm, đơn vị này đang tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng cứu hộ 3 cá thể khỉ bị nuôi nhốt trong một nhà thờ tại tỉnh Đồng Nai nhờ tin báo từ một người nước ngoài.
Trước đó, vào đầu tháng 6 tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (Bình Dương) xảy ra vụ hổ cắn lìa tay một người đàn ông. Cơ quan chức năng địa phương sau đó đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện nhiều bất cập tại cơ sở nuôi nhốt hổ này.
Lúc bấy giờ, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã có văn bản gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị nghị thu hồi giấy phép thí điểm nuôi hổ bảo tồn tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh và chuyển giao toàn bộ hổ tại cơ sở này đến Trung tâm cứu hộ phù hợp.
ENV cho rằng, mặc dù được cấp phép “thí điểm” nuôi nhốt hổ vì mục đích bảo tồn nhưng chủ sở hữu Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh đã bị xử lý hình sự về hành vi buôn bán hổ trái phép; hoạt động nuôi nhốt hổ và các loài ĐVHD tại cơ sở này cũng không có giá trị bảo tồn và gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
Dù vậy, đến nay kiến nghị của phía ENV vẫn chưa được chấp thuận.