Chưa thể xử phạt phương tiện chạy vào làn xe buýt nhanh

Ngày 26/12, nhà chờ buýt nhanh vẫn đang thi công. Ảnh: Minh Đức
Ngày 26/12, nhà chờ buýt nhanh vẫn đang thi công. Ảnh: Minh Đức
TPO - Thông tin từ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, hiện tại đơn vị này chưa thể xử phạt phương tiện chạy vào làn xe buýt nhanh.  

Chưa có chế tài dành riêng xe buýt BRT

Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, hiện tại đơn vị chưa có ý kiến cũng chưa thể xử phạt đối với các phương tiện lưu thông vào làn xe buýt BRT.

Về việc phạt các phương tiện lưu thông vào làn xe buýt nhanh, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Luật Trường Lộc cho rằng: Hiện chưa có hệ thống biển bảng hoặc chế tài nào quy định trong Luật Giao thông đường bộ về làn đường dành riêng cho xe buýt. 

Theo Điều 22, Luật Giao thông đường bộ về quyền và thứ tự ưu tiên của một số loại xe như sau: 1. Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; 2. Xe quân sự; 3. Xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; 4. Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; 5. Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; 6. Đoàn xe tang.

Luật sư Tuấn phân tích: Khi các xe đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Theo đó, xe buýt BRT không phải là xe ưu tiên. Nếu không phải là xe ưu tiên thì xe buýt cũng phải chịu các chế tài điều chỉnh từ Luật Giao thông đường bộ. 

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Hiện Luật Giao thông đường bộ có quy ước đối với một số cụm biển, bảng điều chỉnh một số phương tiện, như xe tải, xe khách, xe con, xe mô tô, chưa có biển quy định làn đường dành cho xe buýt.

Cụ thể, cụm biển báo 412 được quy định tại phụ lục E Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (được ban hành theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29/05/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT) như sau: Biển số 412 (a,b,c.d) Làn đường dành riêng cho từng loại xe, để chỉ dẫn cho người lái xe biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe riêng biệt.

Chưa thể xử phạt phương tiện chạy vào làn xe buýt nhanh ảnh 1

Chưa có biển dành cho xe buýt.

Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này (trừ các xe có quyền ưu tiên theo quy định): Biển số 412a: làn đường dành cho ôtô khách; Biển số 412b: làn đường dành cho ôtô con; Biển số 412 c: làn đường dành cho ôtô tải; Biển số 412 d: làn đường dành cho xe môtô.

Muốn có đường dành riêng thì phải có văn bản quy định của pháp luật điều chỉnh hệ thống làn đường tuyến đường đó mới có thể xử phạt được các phương tiện khác đi sai làn, luật sư Tuấn nói.

Vi phạm giao thông để đi buýt nhanh 

Chưa thể xử phạt phương tiện chạy vào làn xe buýt nhanh ảnh 2 Nhiều vạch kẻ liền tại các ngã tư đã được tẩy xoá. Ảnh: Minh Đức

Ghi nhận của PV cho thấy, nhiều phương tiện như ô tô, xe máy vẫn chạy đồng hành trên làn đường xe buýt BRT. Một số ngã tư cách đó vài ngày được kẻ vạch sơn liền thì ngày 26/12 đã được tẩy xoá thành vạch sơn đứt. Ngoài ra một số biển cấm xe taxi dựng trên các ngã tư của tuyến đường Lê Văn Lương đã được bịt bằng giấy trắng.

Điều đáng nói nhà chờ buýt nhanh được làm giữa 2 làn đường trong khi đó chỉ có một vài nhà chờ có cầu vượt bộ hành nhưng không có đường dành cho người khuyết tật. 

Chính vì thế, muốn đi buýt nhanh người dân phải băng qua đường, vượt qua làn đường dành cho xe máy, ô tô sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Vì vậy để đi được buýt nhanh, người dân phải vi phạm Luật Giao thông.

Trước đó, theo phương án phân luồng, xe buýt nhanh ở Hà Nội hoạt động từ 1/1/2017 sẽ chạy trên đường riêng, bao gồm tuyến Ba La - Quang Trung (quận Hà Đông)- Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - nút Giang Văn Minh - Cát Linh. 

Tại đoạn Yên Nghĩa - Ba La; Giang Văn Minh - Kim Mã và Kim Mã - Giảng Võ do không bố trí làn riêng, xe buýt nhanh sẽ chạy chung với các phương tiện khác.

Theo quy định, tại làn đường dành cho xe buýt nhanh đều có biển cảnh báo, phía dưới có vạch sơn kẻ đường. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông. 

Tuy nhiên khi hai làn bên cạnh làn xe buýt nhanh thông thoáng mà các phương tiện vẫn cố tình đi vào làn xe buýt nhanh thì sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt. Tại các nút giao, nhà chờ đều có lắp hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng sẽ căn cứ hình ảnh ghi lại để phạt nguội.

Theo Nghị định 46, nếu người điều khiển ôtô chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, chạy sai làn, trên vỉa hè sẽ bị phạt từ 800.000 đến 1.200.000 đồng.

MỚI - NÓNG