Chưa thể 'trả' xét công nhận Giáo sư, Phó giáo sư cho các trường đại học

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ năm 2018, sau "chuyến tàu vét" 174, việc xét công nhận Giáo sư, Phó giáo sư năm nào cũng có ý kiến tranh luận liên quan đến hồ sơ khoa học của các ứng viên. Đã có ý kiến cho rằng việc xét công nhận này nên giao cho các trường đại học và Giáo sư hay Phó giáo sư sẽ không còn là danh vị cả đời.

Thực tế thời gian qua đã có nhiều người trong giới nêu ý kiến cần phải xem Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) là những bậc cao nhất trong các thang bậc nghề nghiệp ở đại học. Như vậy, đó là các vị trí công việc, tương tự như thợ bậc 7 trong thang bậc thợ nghề. Cách định danh này sẽ giúp các chức danh GS, PGS trở lại đúng thực chất, không còn là thứ "danh hiệu" để ban tặng cho những người muốn "làm sang" ngoài xã hội. Khi đó, đây là câu chuyện tự chủ của các trường đại học.

Chưa thể 'trả' xét công nhận Giáo sư, Phó giáo sư cho các trường đại học ảnh 1

Năm 2017, GS. TS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã đưa ra những nghịch lý về GS, PGS ở Việt Nam. Có những nghịch lý được ông chỉ ra ngày đó đến giờ vẫn “chuẩn” như GS, PGS ở Việt Nam mang danh cả đời. Ở các nước trên thế giới, GS, PGS chỉ là vị trí giảng dạy, nghiên cứu, khi về hưu hoặc chuyển sang việc khác thì không còn chức danh này nữa. Rồi nhiều người không dạy cũng không nghiên cứu vẫn mang hàm GS, PGS; người về hưu vẫn đăng ký GS, PGS - chuyện lạ chỉ có ở Việt Nam.

Tuy việc xét, công nhận GS, PGS hiện có nhiều điểm vô lý nhưng khi được hỏi có nên giao việc này cho các trường ĐH hay không thì GS Nguyễn Ngọc Châu khẳng định thời điểm hiện tại chưa thể thực hiện được. Theo ông, mô hình xét công nhận GS, PGS ở Việt Nam hiện nay có nét tương đồng với Pháp và một số nước châu Âu. Còn ở Mỹ, việc này được thực hiện theo nhu cầu tuyển dụng vị trí việc làm của các trường hoặc thậm chí tới từng khoa.

Mô hình hiện nay của Việt Nam là Hội đồng GS Nhà nước xem xét công nhận đủ tiêu chuẩn, còn các trường có nhu cầu hay không thì sẽ bổ nhiệm.

GS Châu cho rằng ở các nước, trường ra trường, đại học ra đại học nên việc xét công nhận và bổ nhiệm GS, PGS được coi như một hoạt động bình thường của trường đại học. Còn tại Việt Nam chỉ có một số trường đạt yêu cầu tự công nhận và bổ nhiệm, 2/3 còn lại không đạt yêu cầu để làm việc này.

“Đào tạo ngành còn chưa đảm bảo, thậm chí đến liêm chính khoa học còn chưa làm được thì một số trường đại học ở Việt Nam sao có thể xét công nhận GS, PGS”, GS Nguyễn Ngọc Châu nói.

Cho nên, theo ông Châu, vẫn cần thiết giữ mô hình như hiện tại và coi đây là giai đoạn quá độ. Ông dự đoán 7-10 năm nữa việc công nhận, bổ nhiệm GS, PGS tại Việt Nam sẽ phải chuyển sang mô hình như các nước phát triển, tức trả công việc này cho các trường ĐH và GS hay PGS chỉ là danh vị tạm thời.

Tương tự, GS.TSKH Phùng Đắc Cam, Uy viên Hội đồng GS ngành Y (2009 - 2019) cho rằng chưa thể giao được việc xét công nhận chức danh GS, PGS cho các trường ĐH. Vì phần lớn các trường ĐH của Việt Nam chưa đạt được tiêu chí các trường ĐH khu vực và thế giới. GS Phùng Đắc Cam còn khẳng định đào tạo tiến sĩ của các trường ĐH tại Việt Nam hiện nay còn quá yếu, thì sao có thể công nhận xét GS, PGS. Thậm chí nhà nước (Hội đồng GS Nhà nước – pv) “nắm quyền” xét công nhận còn chưa chỉn chu, năm nào cũng có "chuyện" huống chi giao cho các trường đại học.

MỚI - NÓNG