Chưa sửa luật báo chí

Chưa sửa luật báo chí
TP - Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng cho biết quy chế phát ngôn mới quy định, mọi cá nhân đều có quyền thông tin cho báo chí; cơ quan chức năng chậm nhất phải trả lời báo chí một ngày sau khi được yêu cầu cung cấp thông tin. Ông cũng khẳng định chưa sửa Luật Báo chí từ nay cho tới năm 2014.

> Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Không phù hợp
> Bốn trường hợp không cung cấp thông tin cho báo chí

Một trong những điểm đổi mới quan trọng là rút ngắn tối đa thời gian báo chí phải chờ đợi để được cung cấp thông tin.

Trước đây, trong trường hợp vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước, người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 2 ngày.

Nay, quy chế mới sửa đổi rút xuống còn chậm nhất 1 ngày. Theo ông Lượng, quy định mới này sẽ hạn chế tình trạng các báo đăng kiểu “đoán” khi có sự việc bất ngờ xảy ra mà không được cung cấp thông tin chính xác, kịp thời; trong khi các trang mạng xã hội lại nhanh chóng đưa thông tin.

Để minh bạch hoạt động hành chính, quy chế mới yêu cầu định kỳ 1 tháng 1 lần cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin (trước là 3 tháng), và 3 tháng/lần phải tổ chức họp báo (trước là 6 tháng).

Danh tính, địa chỉ email, số điện thoại của người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản gửi đến cơ quan báo chí và đăng tải trên cổng thông tin. Cơ quan, cá nhân, tổ chức có liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ như quy định sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng cũng nhấn mạnh, trước đây nhiều người tránh né cung cấp thông tin cho báo chí vì vin vào việc “đã có người phát ngôn”, vì vậy họ ỷ lại người phát ngôn.

Tuy nhiên, quy chế mới nêu rõ mọi cá nhân đều có quyền thông tin cho báo chí, chỉ khác người phát ngôn ở chỗ không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước, không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật.

“Người phát ngôn phải coi báo chí là người bạn của mình, nửa đêm có thể gọi đến, cung cấp thông tin ngay, trong điều kiện nhiều kênh báo chí hiện nay hoạt động 24/24”, ông Lượng nhấn mạnh.

Quy chế này có hiệu lực từ 1/7. Bộ Thông tin & Truyền thông được giao trách nhiệm định kỳ kiểm tra việc thực hiện Quy chế này và tổng hợp báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

Ông Lượng cho biết, kiến nghị sửa đổi điều 7 Luật Báo chí chỉ là ý kiến của một bộ. Luật Báo chí vẫn đang có hiệu lực. Kế hoạch của cả năm nay và năm sau đều chưa tính đến sửa luật. Điều này đã được Quốc hội quyết định trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và thời gian tới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.