Ngày 28/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội thảo “Chuyển dịch xanh, thách thức, cơ hội cho doanh nghiệp ĐBSCL và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”. Hội thảo nhằm cập nhật và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về tác động của những chính sách trong nước và quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm phát thải; đề xuất các giải pháp hướng đến sản xuất xanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp kiểm kê, lập báo cáo giảm khí thải...
Đại biểu tham quan mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu tại sự kiện. Ảnh: CK. |
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL - cho biết, với cam kết hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ đã và đang nỗ lực hiện thực hóa bằng việc ban hành nhiều quy định, chính sách tác động trực tiếp đến khối doanh nghiệp. Cụ thể như Nghị định 06/2022-NĐ-CP, Quyết định 01/ 2022/QĐ-TTg…
Cùng với đó, những quy định quốc tế ngày càng thắt chặt với mặt hàng xuất khẩu, nổi bật là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (EU). Điều này tạo thêm hàng rào thương mại cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp có hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, chuyển dịch kịp thời.
“Chúng ta đã nghe khái niệm kinh tế xanh, chuyển đổi xanh hơn 10 năm nay, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh là vấn đề lớn, tương đối phức tạp. Trong quá trình phát triển kinh tế, việc cân bằng mục tiêu kinh tế và bảo vệ môi trường rất khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm chung, đồng hành, đầu tư khoa học công nghệ để chuyển đổi xanh”, ông Lam nói.
Bà Nguyễn Thị Hà - Quản lý chương trình, Công ty Cổ phần Sáng Tạo Xanh - cho hay, người tiêu dùng các nước phát triển lẫn đang phát triển bắt đầu tích cực lựa chọn các sản phẩm “xanh”; hoặc đạt mức trung hòa carbon để bảo vệ cho tương lai giữa một trái đất nóng lên vì khí thải.
Các chính sách quốc tế cũng trở nên khắt khe hơn và tác động to lớn đến doanh nghiệp Việt Nam. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một công cụ nhằm áp một mức giá công bằng cho lượng khí thải carbon được phát ra trong quá trình sản xuất. Đặc biệt với hàng hóa có mật độ phát thải carbon cao đang được nhập khẩu vào EU, và khuyến khích sản xuất công nghiệp sạch hơn tại các quốc gia không thuộc EU.
Theo lộ trình, từ tháng 10/2023, CBAM bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp, nhà nhập khẩu sẽ được tuân thủ nghĩa vụ báo cáo và không chịu phí. Tháng 1/2026 CBAM bắt đầu được dần đưa vào, song song với việc loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí của EU ETS (hệ thống thương mại khí thải EU). Năm 2027, Ủy ban châu Âu thực hiện rà soát toàn bộ về CBAM. Năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ và nhà nhập khẩu phải thực thi toàn bộ nghĩa vụ.
“Nếu CBAM có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải chịu thuế carbon khi xuất khẩu vào châu Âu, nghĩa là sản phẩm sẽ bị cạnh tranh về giá và chất lượng, tăng thêm chi phí”, bà Hà nói và lưu ý các doanh nghiệp phải có giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, áp dụng các biện pháp tối ưu hóa, gia tăng hiệu suất sử dụng năng lượng. Hàng hóa ít phát thải, có giấy chứng nhận “xanh” sẽ giữ vững thị trường xuất khẩu, cũng như mở ra cơ hội với những thị trường EU, Mỹ, Canada...